Vào nội dung chính
ĐỨC - NGA - KHÍ ĐỐT

Nord Stream 1 ngừng hoạt động để ‘‘bảo trì’’, châu Âu lo Nga cắt hẳn khí đốt

Kể từ hôm nay, 11/07/2022, công ty Nga Gazprom cho ngừng hai nhánh chính của hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1, với lý do ‘‘bảo dưỡng kỹ thuật’’. Đức và nhiều nước châu Âu chuẩn bị cho kịch bản Nga cắt hoàn toàn việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.  

Ảnh minh họa: Cơ sở tiếp nhận đường ống dẫn khí đốt từ ngoại khơi vào đất liền thuộc đường ống "Nord Stream 1" tai Lubmin (Đức). Ảnh chụp ngày 08/03/2022.
Ảnh minh họa: Cơ sở tiếp nhận đường ống dẫn khí đốt từ ngoại khơi vào đất liền thuộc đường ống "Nord Stream 1" tai Lubmin (Đức). Ảnh chụp ngày 08/03/2022. REUTERS - HANNIBAL HANSCHKE
Quảng cáo

Bộ Kinh Tế Đức hôm nay xác nhận với AFP về việc Nga ‘‘đóng’’ Nord Stream 1. Việc tạm ngừng hoạt động nói trên đã được lên kế hoạch từ lâu. Về mặt lý thuyết, đây chỉ là một hoạt động bảo dưỡng định kỳ trong 10 ngày, tuy nhiên trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina, căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây về năng lượng, nhiều nước châu Âu, trước hết là Đức, đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất : Nga cắt hoàn toàn khí đốt.  

Hôm qua, một ngày trước khi Nord Stream 1 tạm khóa đường ống, báo Đức Bild, nhật báo có nhiều độc giả nhất tại Đức, lo ngại : ‘‘Putin sẽ tạm đóng khí đốt… Nhưng liệu ông ta có mở lại không ?’’. Trong những tuần gần đây, Matxcơva đã cắt giảm đến 60% lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream, với lý do kỹ thuật. Berlin lên án một quyết định ‘‘chính trị’’. Theo phó thủ tướng Đức Robert Habeck, châu Âu cần sẵn sàng với nhiều kịch bản : ‘‘hoặc khí đốt sẽ được cấp trở lại, và thậm chí nhiều hơn, nhưng cũng có thể sẽ không còn gì nữa, và chúng ta cần chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất’’.

Kể từ đầu Nga tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, Đức đã đình chỉ hoàn toàn dự án đường ống Nord Stream 2, vốn đã chuẩn bị đi vào hoạt động, và nỗ lực giảm mạnh việc phụ thuộc vào khí đốt Nga. Khí đốt từ Nga chiếm 55% nhập khẩu khí đốt của Đức trước chiến tranh giảm xuống còn 35%. Hiện tại việc sưởi ấm nhà cửa ở Đức vẫn phụ thuộc hơn 50% vào khí đốt Nga.  

Giảm dần nhập khẩu khí đốt Nga được Đức và châu Âu coi như một biện pháp mạnh trong hệ thống các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, nhằm cắt giảm các nguồn lực giúp chính quyền Nga tiếp tục cuộc xâm lăng Ukraina. Tuy nhiên, điện Kremlin có thể đi trước một bước. Việc Matxcơva ngừng hoàn toàn xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ là một nguyên nhân chính khiến kinh tế Đức rơi vào suy thoái trầm trọng, với dự kiến GDP sụt giảm đến 6,5% trong hai năm 2022-2023, theo ước tính của một số viện nghiên cứu kinh tế có uy tín.  

Chính quyền Đức và nhiều tập đoàn lớn đang sẵn sàng cho một số biện pháp đối phó quyết liệt. Nhà nước Đức sẵn sàng trợ cấp cho Uniper, tập đoàn số một về khí đốt của Đức, khách hàng chính của Gazprom, để giữ giá khí đốt không tăng quá mức. Sưởi ấm nhà về mùa đông là lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng hàng đầu. Thứ Năm tuần trước 07/07, Hạ Viện Đức đã thông qua một kế hoạch tiết kiệm nghiêm ngặt, ví dụ như không để sưởi ấm trong nhà vượt quá 20°C vào mùa đông.  

Việc Nga ngừng hẳn cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Đức. Thông thường, khí đốt qua Đức sẽ tiếp tục được chuyển đến nhiều nước châu Âu khác. Hôm qua, bộ trưởng Kinh Tế Pháp, Bruno Le Maire đã kêu gọi ‘‘nhanh chóng chuẩn bị sẵn sàng đối phó’’ với kịch bản xấu nhất này. Theo bộ trưởng Kinh Tế Pháp, đây cũng là kịch bản ‘‘có nhiều khả năng xảy ra nhất’’.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.