Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH KHÍ ĐỐT - NGA - ÂU

Mùa đông tới không có khí đốt của Nga: Bài toán khó giải với Liên Âu

Việc cắt giảm khí đốt nhập khẩu từ Nga, và tiến đến ngừng hẳn về trung hạn, đã được Liên Hiệp Châu Âu sử dụng như một trong các vũ khí chính – trong những tháng chiến tranh đầu tiên - để gây áp lực, nhằm buộc điện Kremlin chấm dứt cuộc xâm lược Ukraina. Áp lực với Nga chưa thấy đâu, nhưng từ nhiều tuần nay, các nước châu Âu đang trở thành nạn nhân của khí đốt Nga.

Khí đốt : Cuộc chiến năng lượng Nga - Liên Hiệp Châu Âu . Ảnh minh họa.
Khí đốt : Cuộc chiến năng lượng Nga - Liên Hiệp Châu Âu . Ảnh minh họa. REUTERS - DADO RUVIC
Quảng cáo

Ngày 11/07/2022, Nga đóng hai đường ống chính trong hệ thống tuyến đường ống Nord Stream 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức, để ‘‘bảo trì’’ định kỳ trong mười hôm. Tuy nhiên, việc Matxcơva liên tục dùng khí đốt như một ‘’vũ khí’’ kinh tế để đáp trả các trừng phạt của Liên Âu, trong những tháng vừa qua, khiến Liên Âu buộc phải sẵn sàng đối phó với kịch bản tồi tệ nhất : Matxcơva ngưng cấp hoàn toàn khí đốt cho châu Âu. Một mùa đông không có khí đốt Nga là thách thức hàng đầu với các nước châu Âu hiện tại. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

***

1/ Việc Nga tạm đóng đường ống Nord Stream 1 có ý nghĩa thế nào với châu Âu ?

Châu Âu phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, với khoảng 155 tỉ mét khối khí đốt/năm, trước khi Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina. Khí đốt Nga chiếm 40% trên tổng số khí đốt nhập khẩu của khối. Kể từ khi Nga tấn công Ukraina, Liên Âu đưa ra hàng loạt biện pháp trừng phạt Matxcơva, trong đó có việc cắt giảm đáng kể khí đốt, hướng tới ngưng hẳn nhập khí đốt từ Nga vào năm 2027 (theo kế hoạch REPowerEU). Theo một nghiên cứu của trung tâm tư vấn Bruegel, công bố hôm 07/07, khối 27 nước đã cắt giảm được 15% tiêu thụ khí đốt so với trước chiến tranh. Thực tế như vậy cho thấy, cho dù nỗ lực, Liên Âu vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào Nga trong ngắn hạn.

Khí đốt từ Nga đưa sang châu Âu chủ yếu theo ba tuyến đường ống. Tuyến đường Yamal, qua ngả Belarus, rồi Balan, tuyến đường qua Ukraina và tuyến thứ ba qua biển Baltic, tức đường ống Nord Stream 1. Hiện tại, tuyến đường Yamal qua Ba Lan đã bị đóng, với một lý do chính thức Ba Lan từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Trong khi đó, lượng khí đốt đi qua tuyến đường Ukraina bị giảm mạnh. Theo công ty OGTSOU của Ukraina quản lý tuyến đường này, công ty Gazprom hiện chỉ khai thác một phần bảy khả năng vận chuyển khí đốt. Hiện tại Gazprom chỉ cung cấp, qua trạm trung chuyển vào châu Âu Sudzha, 42 triệu mét khối/ngày, so với 109 triệu mét khối, theo hợp đồng. Trước chiến tranh, lượng khí đốt chuyến qua Ukraina chiếm đến gần một phần ba lượng khí đốt của Nga bán sang châu Âu (RFI, ngày 08/07).

Như vậy, việc Nga hạn chế và có thể đóng hẳn tuyến đường ống khí đốt Nord Stream 1 gần như đồng nghĩa với việc tiến đến cắt hoàn toàn khí đốt xuất khẩu sang châu Âu. Tuyến đường ống Nord Stream 1, nối liền các mỏ khí đốt của Nga với Lubmin, nước Đức, khánh thành tháng 11/2011, từng được coi là một biểu tượng cho sự hợp tác Đức – Nga. Tuyến đường ống dài hơn 1.200 km (đường ống khí đốt ngầm dưới biển dài nhất thế giới) có khả năng cung cấp 55 tỉ mét khối khí/năm cho toàn châu Âu. Một số công ty năng lượng lớn của châu Âu, như công ty Hà Lan Gasunie, công ty Pháp GDF-Suez cũng nắm cổ phần trong tuyến đường ống khổng lồ này. Tuy nhiên, theo giới quan sát, công trình đường ống Nord Stream 1 (và cả dự án Nord Stream 2) từng được đánh giá là ‘‘chiến lược’’ này, rút cục nay đang biến thành ‘‘chiếc bẫy’’ khó thoát của Nga giương ra với Đức và châu Âu.  

Giờ đây, việc gì đến sẽ phải đến. Trong những tuần vừa qua, Matxcơva đã cắt giảm đến 60% lượng khí đốt cung cấp qua đường ống Nord Stream 1, với lý do kỹ thuật. Khả năng Nga cắt giảm hơn nữa lượng khí đốt qua Nord Stream 1 là điều hoàn toàn nằm trong xu hướng này.

2/ Vì sao Nga hạn chế và thậm chí có thể ngừng cấp khí đốt cho châu Âu ?

Trước hết về chủ trương hạn chế khí đốt, theo ông Pierre Noel, chuyên gia về năng lượng thuộc nhóm Lantau Group, việc tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cắt giảm mạnh khí đốt xuất khẩu là nằm trong xu thế ‘‘không thể vãn hồi’’, bởi Gazprom biết rằng, với các trừng phạt của Liên Âu như hiện nay, ngay cả khi chiến tranh tại Ukraina chấm dứt, Liên Âu sẽ không bao giờ khôi phục lại việc mua khí đốt của Nga như trước, và lợi ích của Gazprom giờ đây là làm sao để ‘‘gia tăng được nguồn thu tối đa từ việc giá khí đốt tăng vọt’’ (Les Echos, ngày 16/06/2022). Giảm nguồn cung chính là giúp cho việc thổi bùng giá cả trong lĩnh vực này. 

Giữa tháng 6/2022, sau khi Nga tuyên bố giảm cung khí đốt, giá khí đốt một lần nữa tăng vọt lên gần 150 euro/MWh. Giá điện gắn liền với giá khí đốt cũng ngay lập tức vượt quá 300 euro/MWh. Việc giá khí đốt và năng lượng nói chung tăng lên khiến lạm phát gia tăng. Lạm phát tháng 5 tại khu vực đồng euro tăng 8,1%, và xu thế này không có dấu hiệu sụt giảm. Toàn bộ nền kinh tế châu Âu có nguy cơ sẽ bị tác động dây chuyền, bóng ma suy thoái lơ lửng.

Trang mạng Mediapart có bài tổng thuật (ngày 24/06) mô tả thủ đoạn của chính quyền Nga, khi sử dụng con bài khí đốt để gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ châu Âu, giữa các quốc gia, cũng như trong từng quốc gia, trong lập trường ủng hộ Ukraina. Ví dụ cụ thể là tình hình kinh tế khó khăn khiến liên minh cầm quyền của thủ tướng Mario Draghi ‘‘tan vỡ’’, do sự chia rẽ trong nội bộ của phong trào Năm Sao, một thành viên của liên minh. Tại Bulgari, liên minh cầm quyền cũng trở thành ‘‘thiểu số’’ do chủ trương ủng hộ Ukraina bị phản đối mạnh.

Chuyên gia kinh tế Alexander Gabuev, thành viên trung tâm tư vấn Mỹ Carnegie, tóm lược vấn đề : ‘‘Nga không có nhiều át chủ bài trong tay. Nhưng khí đốt là một lá bài quan trọng. (…) Nếu như Matxcơva có thể hủy hoại nền kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu, thì việc này có thể làm lay chuyển sự hậu thuẫn của dân chúng châu Âu đối với việc hỗ trợ về tài chính cho cuộc chiến của người Ukraina chống xâm lược Nga. Nếu châu Âu đạt được mục tiêu lấp đầy được các kho dự trữ khí đốt (để bảo đảm cho mùa đông), ắt hẳn là các nước châu Âu sẽ tiếp tục cung cấp tiền bạc và vũ khí cho Kiev’’ (theo Mediapart).

Nhìn chung, reo rắc bầu không khí bất định bao trùm để góp phần làm giá khí đốt tăng vọt, gây tâm lý bất ổn, và thậm chí cắt giảm mạnh lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu, để châu Âu không có đủ khí đốt dùng trong mùa đông năm nay (cho sản xuất cũng như cho nhu cầu sưởi ấm) là điều đã được chính giới, và giới chuyên gia châu Âu dự đoán từ nhiều tuần nay. Giờ đây, với việc Nga ngừng đường ống Nord Stream 1, viễn cảnh khóa hẳn van khí đốt sang châu Âu ngày càng được coi là một kịch bản có xác suất cao. Giữa tháng 6, một nguồn tin của giới công nghiệp Pháp cho rằng không thể loại trừ kịch bản này. Đến ngày Chủ nhật 10/07, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire thậm chí còn cho kịch bản xấu nhất này là kịch bản ‘‘có xác suất cao nhất’’.

Nhận định của bộ trưởng Kinh Tế Pháp được đưa ra hai ngày sau tuyên bố của tổng thống Nga Vladimir Putin, trong một cuộc họp với các cố vấn, được truyền hình. Tổng thống Nga cảnh báo : các trừng phạt của phương Tây về năng lượng, với việc cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga sẽ dẫn đến những ‘‘hậu quả khủng khiếp’’ đối với thị trường năng lượng, với người tiêu thụ.

3/ Liên Âu làm gì để đối phó với kịch bản xấu nhất này ?  

Liên Âu đã lập chương trình REPowerEU, được chuẩn bị ngay từ những ngày đầu tiên, sau khi Nga xâm lược và được thông qua ngày 19/05/2022, để đa dạng hóa nguồn cung, nhằm hướng đến giảm hai phần ba khí đốt từ Nga trong năm nay, và chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt Nga vào năm 2027. Tuy nhiên, kế hoạch này không cho phép đối phó với kịch bản Nga cắt hoàn toàn khí đốt ngay trong năm nay.

Đối phó với khủng hoảng khí đốt, và kịch bản không có khí đốt Nga vào mùa đông năm nay là nhiệm vụ hàng đầu của chủ tịch luân phiên Liên Âu, Cộng Hòa Séc. Ngày 26/07 tới, các bộ trưởng Năng Lượng Liên Âu sẽ nhóm họp để bàn biện pháp, theo quyết định của Cộng Hòa Séc ngay ngày đầu tiên đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên, ngày 01/07.

Nước Đức – vốn phụ thuộc nặng nề vào khí đốt Nga – đứng ở tuyến đầu. Chính quyền Đức và nhiều tập đoàn lớn đang sẵn sàng cho một số biện pháp đối phó quyết liệt. Nhà nước Đức sẵn sàng trợ cấp cho Uniper, tập đoàn số một về khí đốt của Đức, khách hàng chính của Gazprom, để giữ giá khí đốt không tăng quá mức.

Tiết kiệm là biện pháp chủ yếu. Sưởi ấm nhà về mùa đông là lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng hàng đầu. Thứ Năm tuần trước 07/07, Hạ Viện Đức đã thông qua một kế hoạch tiết kiệm nghiêm ngặt, ví dụ như không để sưởi ấm trong nhà vượt quá 20°C vào mùa đông (theo ông Torben Brabo, chủ tịch Gas Infrastructure Europe (GIE), giảm nhiệt độ sưởi ấm một độ C trên toàn châu Âu cho phép tiết kiệm được 10 tỉ mét khối khí đốt, trang EURACTIV, 26/04/2022).

Theo Reuters hôm nay, 11/07, nước Đức đã kích hoạt mức báo động ‘‘cấp 2’’ để đối phó với tình trạng khan hiếm về năng lượng (mức 2 trên 3). Việc đưa vào hoạt động tạm thời trở lại nhiều nhà máy nhiệt điện chạy bằng than cũng nằm trong kế hoạch. Theo giới chuyên gia, việc tăng mức sản xuất điện than, hoặc mở lại một số nhà máy điện than cho phép bù được đến 30 tỉ mét khối khí đốt Nga (Đức, Pháp, Áo, Hà Lan đã chọn giải pháp này. Nước Ý cũng có thể làm tương tự). Mục tiêu hạn chế năng lượng hóa thạch tạm thời bị gạt sang một bên, để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của ‘‘cuộc chiến năng lượng’’ với Nga.

Theo ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa, chính trị gia Pháp Thierry Breton, việc mở rộng nhập khẩu năng lượng từ các nước khác như Mỹ, Ai Cập, Qatar, Tây Phi, Na Uy hay Azerbaidjian, cũng cho phép bù lấp được một phần ba tổng lượng khí đốt của Nga xuất sang châu Âu. Tuy nhiên, các nguồn cung này khó có thể đến nhanh chóng. Ngược lại, việc chuyển sang sử dụng dầu hỏa thay vì khí đốt tại một số cơ sở công nghiệp, cho phép tiết kiệm được 7 hoặc 8 tỉ mét khối khí đốt.

Một điểm quan trọng khác giúp cho Liên Âu, đó là điều phối được các nguồn năng lượng, để khí đốt có thể đến được những nơi thiếu nhất. Để làm được điều này, cần xác lập được một ‘‘cơ chế đoàn kết mang tính bắt buộc’’, theo chủ tịch nhóm các nghị sĩ đảng bảo thủ châu Âu (PPP), Nghị Viện Châu Âu. Nhiều nỗ lực sẽ phải được tiến hành trong những tuần tới nhằm sẵn sàng cho kịch bản Putin cắt hoàn toàn khí đốt sang châu Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.