Vào nội dung chính
MIẾN ĐIỆN - DIỆT CHỦNG

Miến Điện : Tòa Án Công Lý Quốc Tế có quyền xét xử vụ án diệt chủng người Rohingya

Tòa Án Công Lý Quốc Tế La Haye (Hà Lan) vào hôm qua 22/07/2022 đã bác bỏ phản đối của Miến Điện về một vụ án diệt chủng liên quan đến người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi. Quyết định này mở đường cho việc đem vụ án ra xét xử. 

Hơn 60 người thiểu số Hồi giáo Rohinya được phát hiện trên một hòn đảo của Thái Lan khi đang chạy nạn từ Bangladesh sang Malaysia, ngày 04/06/2022. Họ được cho là bị những kẻ buôn người di cư bỏ lại.
Hơn 60 người thiểu số Hồi giáo Rohinya được phát hiện trên một hòn đảo của Thái Lan khi đang chạy nạn từ Bangladesh sang Malaysia, ngày 04/06/2022. Họ được cho là bị những kẻ buôn người di cư bỏ lại. © AFP PHOTO / Royal Thai Navy
Quảng cáo

Trước việc người Rohingya theo đạo Hồi bị chính quyền Miến Điện truy bức và thảm sát, vào năm 2019, nước Gambia ở châu Phi, với hậu thuẫn của Tổ Chức Hợp Tác Hồi Giáo bao gồm 57 quốc gia, đã kiện Miến Điện ra trước Tòa Án Công Lý Quốc Tế, trụ sở tại La Haye (Hà Lan) để buộc quốc gia Đông Nam Á này  phải chịu trách nhiệm và ngăn chặn đổ máu thêm. 

Miến Điện, dưới quyền điều hành của một chính phủ quân sự lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2021, đã phản đối đơn kiện, lập luận rằng Gambia không có tư cách để kiện Miến Điện tại tòa án cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc này. 

Tuy nhiên, theo Tòa Án Công Lý Quốc Tế, tất cả các quốc gia đã ký Công Uớc Chống Diệt Chủng năm 1948 đều có thể và bị bắt buộc phải hành động để ngăn chặn nạn diệt chủng, và tòa án có thẩm quyền xét xử các vụ việc có liên quan. 

Khi đọc bản tóm tắt phán quyết của 13 thẩm phán của Tòa Án, bà chánh án Joan Donoghue nói rõ : "Gambia, với tư cách là một quốc gia tham gia công ước chống diệt chủng, vẫn có chỗ đứng". 

Với việc Tòa Án Công Lý Quốc Tế khẳng định thẩm quyền, giờ đây, vụ kiện sẽ được mang ra xét xử, nhưng đây sẽ là một quá trình kéo dài nhiều năm. 

Tuy nhiên, có mặt tại tòa án La Haye vào hôm qua, bộ trưởng Tư Pháp Gambia Dawda Jallow tỏ ý tin tưởng là nước ông sẽ thắng trong vụ kiện.

Ngược lại, một đại diện của Miến Điện nói rằng chính quyền Naypyidaw sẽ làm hết sức mình để bảo vệ "lợi ích quốc gia" trong các thủ tục tố tụng tiếp theo. 

Những người biểu tình bên ngoài cổng tòa án đã treo một biểu ngữ màu đỏ với dòng chữ "Miến Điện Tự do" và la ó, hướng về những chiếc xe chở đại diện của quân đội rời khỏi tòa nhà sau quyết định. 

Một phái bộ tìm hiểu thực tế của Liên Hiệp Quốc đã kết luận rằng một chiến dịch quân sự năm 2017 của Miến Điện đã xua đuổi 730.000 người Rohingya sang nước láng giềng Bangladesh, với những biện pháp bao gồm cả "các hành vi diệt chủng". 

Miến Điện đã phủ nhận tội ác diệt chủng, bác bỏ các phát hiện của Liên Hiệp Quốc, bị họ coi là "thiên vị và thiếu sót", và nói rằng cuộc trấn áp  là nhằm vào phiến quân Rohingya, những người đã thực hiện các cuộc tấn công. 

Mặc dù các bản án của Tòa Án Công Lý Quốc Tế mang tính chất chung cuộc và ràng buộc, nhưng các quốc gia đôi khi vẫn không tuân thủ, trong lúc Tòa Án không có cơ chế chính thức để thực thi phán quyết. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.