Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - ZAPORIJJA

Chiến tranh Ukraina : Nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia lại mất kết nối với lưới điện

Ngày 03/09/2022, nhà máy điện nguyên tử Zaporijjia của Ukraina, hiện đang bị quân Nga chiếm đóng, lại bị mất kết nối với mạng lưới tải điện, theo thông báo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA.

Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporijja bên bờ sông Dniepr, Ukraina. Ảnh chụp ngày 27/04/2022.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Zaporijja bên bờ sông Dniepr, Ukraina. Ảnh chụp ngày 27/04/2022. AFP - ED JONES
Quảng cáo

Theo giải thích của AIEA, đường dây kết nối cuối cùng còn hoạt động « đã bị hư hại ». Ba tuyến kết nối khác « đã mất trước đó trong cuộc xung đột ». Sự cố xảy ra hôm qua  « sau những đợt oanh kích mới trong khu vực », theo thông tin mà nhà chức trách Ukraina báo cáo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế. Tuy nhiên, AIEA cũng trấn an là nhà máy Zaporijjia vẫn tiếp tục vận hành « nhờ một tuyến dự phòng ». 

Về phía Energoatom, trong một thông cáo đăng tải trên mạng telegram, công ty điện lực Ukraina đổ lỗi cho các cuộc tấn công của lực lượng Nga và lưu ý « do không đủ công suất cho hai lò phản ứng, lò phản ứng số 5 đã phải dừng hoạt động ». Theo AFP, cả Energoatom và AIEA đều xác nhận hiện giờ lò phản ứng số 6 vẫn đang vận hành, sản xuất điện để làm mát các thanh nhiên liệu và bảo đảm một số tiêu chí an toàn thiết yếu khác.

Xin nhắc lại, hôm 25/08, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia ở miền nam Ukraina tạm thời bị ngắt kết nối với mạng điện bên ngoài, làm dấy lên mối lo ngại của quốc tế về nguy cơ xảy ra một tai nạn hạt nhân.

Khu vực xung quanh nhà máy điện Zaporijjia, nhà máy điện nguyên tử lớn nhất châu Âu, trong thời gian qua thường xuyên bị bắn phá. Nga và Ukraina đều đổ lỗi cho nhau về các vụ tấn công và sự cố trong nhà máy. Theo thông báo hôm thứ Năm (01/09) của tổng giám đốc AIEA, Rafael Grossi, khi đến thanh sát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, có nhiều dấu hiệu cho thấy « sự toàn vẹn của nhà máy đã nhiều lần bị xâm phạm » và tình hình là « không thể chấp nhận được ».

Sau khi tổng giám đốc AIEA rời đi, vẫn còn 6 chuyên gia của phái đoàn thanh sát AIEA lưu lại tại chỗ cho đến ngày  04/09 hoặc 05/09 để tiếp tục tìm hiểu tình hình. Theo kế hoạch của AIEA, sẽ có 2 chuyên gia lưu lại liên tục, lâu dài tại nhà máy. Theo lãnh đạo AIEA, sự hiện diện này là « vô cùng quan trọng để giúp ổn định tình hình ».

Hôm 03/09, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã đề nghị đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để Ankara làm trung gian tháo gỡ bế tắc trong cuộc khủng hoảng nhà máy điên hạt nhân Zaporijjia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.