Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - KHÍ ĐỐT NGA

Liên Âu ra sức trấn an công luận về nguy cơ bị cắt khí đốt Nga

Ủy viên châu Âu đặc trách kinh tế Paolo Gentiloni ngày 03/09/2022 tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu đã được « chuẩn bị rất kỹ » trong trường hợp mất nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Tại Đức chính phủ cũng cố gắng trấn an công luận sau khi tập đoàn dầu khí Nga Gazprom thông báo ngưng cung cấp cho châu Âu qua ngả đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1.

Khu kho dự trữ khí đốt  Reckrod, của Đức. Ảnh chụp ngày 14/07/2022.
Khu kho dự trữ khí đốt Reckrod, của Đức. Ảnh chụp ngày 14/07/2022. AP - Michael Probst
Quảng cáo

Phát biểu tại một hội nghị kinh tế tổ chức tại Ý, ông Gentiloni khẳng định đã đong đầy đến 80 % các kho dự trữ khí đốt của Liên Âu nhờ « đa dạng hóa các nguồn cung cấp ». Tuy nhiên tình hình tại mỗi nước thành viên đều khác nhau. Tại Pháp, 90 % kho dự trữ khí đốt đã đầy. Paris theo lời bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire đã « đề phòng » kịch bản Nga sử dụng năng lượng như một vũ khí bắt chẹt phương Tây, đòi xóa bỏ cấm vận trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraina.

Tại Đức, chính phủ nhìn nhận thị trường năng lượng « căng thêm hơn » sau khi tập đoàn Nga Gazprom thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Liên Âu qua ngả đường ống Nord Stream 1 tuy nhiên kinh tế Đức, trên nguyên tắc sẽ không bị xáo trộn nhiều.

Thông tín viên Delphine Nerbollier từ Berlin giải thích :

« Chủ yếu là không nên hoảng loạn. Đó là thông điệp chính của các giới chức tại đây. Một trong những câu hỏi đang đặt ra là Nga ngừng cung cấp năng lượng cho Đức trong bao nhiêu lâu. Không một ai trong thành phần nội các tin vào giải thích của phía Nga, khi họ viện lý do sự cố kỹ thuật để đóng van Nord Stream 1, ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Nhưng ngay cả trong trường hợp bị mất nguồn cung cấp của Nga, chỉ một vài tuần lễ nữa, Đức lại sẽ được giao hàng nhờ đã có những nhà phân phối khác. Bộ Kinh Tế Đức nhìn nhận tình hình căng thẳng nhưng ngay từ bây giờ Đức vẫn nhận được khí đốt từ các đối tác khác.

Cách nay vài hôm thủ tướng Olaf Scholz đánh giá mùa đông này, ngay cả trong trường hợp không thể trông cậy vào khí đốt của Nga, các hoạt động kinh tế cũng sẽ không bị xáo trộn nhiều.Từ sáu tháng nay, Berlin đã ráo riết đìm kiếm các nhà cung cấp khác.

Từ tháng Giêng năm nay, hai hệ thống nhập khẩu khí hóa lỏng vào Đức đã bắt đầu hoạt động. Các khoản dự trữ khí đốt được bảo đảm 85 %. Nếu như Nga đóng van khí đốt cho đến tháng 11 này, Đức sẽ không đạt được mục tiêu tích được 95 % kho dự trữ ».

Bất đồng Pháp Đức về dự án đường ống MidCat

Chiến lược năng lượng của Nga không chỉ đe dọa kinh tế châu Âu mà còn gây bất đồng giữa Pháp và Đức, hai thành viên quan trọng nhất trong Liên Hiệp Châu Âu.

Để giải tỏa bớp áp lực của Nga trên bàn cờ năng lượng, Berlin đề nghị khởi động lại dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt MidCat, đưa khí đốt của Algérie, khí hóa lỏng của Qatar, Nigeria và cả của Mỹ qua ngả Tây Ban Nha và Pháp. Paris lập tức phản bác và xem « đây không phải là một ưu tiên ».

MidCat được đề xuất lần đầu năm 2013. Đây là một đường ống dài 190 km nối tiền vùng Midi –miền nam nước Pháp với Cataluna của Tây Ban Nha.

Cách nay 3 năm dự án bị khai tử. Cả Madrid lẫn Paris đều đánh giá đường ống MidCat « quá tốn kém, với các phí tổn dự trù lên tới 500 triệu euro, gây nhiều thiệt hại về mặt môi trường, ít hiệu quả về kinh tế ». Trước những khó khăn chồng chất, Tây Ban Nha có vẻ đã đổi ý. Pháp thì không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.