Vào nội dung chính
NGA - PHÁP - UKRAINA

Chiến tranh Ukraina: Hai tổng thống Pháp, Nga điện đàm về nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia

Nguy cơ thảm họa hạt nhân bùng phát tại nhà máy điện Zaporijjia, đông nam Ukraina, vẫn treo lơ lửng. Hôm qua, 11/09/2022, trong cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Vladimir Putin, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Matxcơva rút toàn bộ ‘‘các vũ khí hạng nặng và nhẹ’’ ra khỏi khu vực nhà máy điện hạt nhân.   

Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, ở  Bormes-les-Mimosas, Pháp, 19/08/2019.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (T) và đồng cấp Pháp Emmanuel Macron, ở Bormes-les-Mimosas, Pháp, 19/08/2019. AP - Gerard Julien
Quảng cáo

Sau cuộc điện đàm nói trên, điện Elysée ra một thông báo cho biết tổng thống Macron đã nhấn mạnh là việc quân đội Nga chiếm đóng nhà máy là ‘‘nguyên nhân của các hiểm họa’’, và tổng thống Pháp một lần nữa sẽ thảo luận với người đồng cấp Nga về vấn đề nhà máy Zaporijjia ‘‘trong những ngày tới, nhằm tìm ra một thỏa thuận đảm bảo an toàn cho nhà máy’’.  Đây là lần đầu tiên hai lãnh đạo Pháp – Nga điện đàm kể từ ngày 19/08/2022.  

Theo phủ tổng thống Pháp, tổng thống Macron đã kêu gọi Nga ‘‘thực thi các khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế AIEA bảo đảm an toàn cho nhà máy điện’’. Tuần trước, đoàn thanh tra do tổng giám đốc AIEA dẫn đầu, đã ghi nhận sự hiện diện của binh sĩ và phương tiện quân sự Nga tại nhiều địa điểm của nhà máy hạt nhân Zaporijjia, kể cả tại các gian chứa tua-bin, trái ngược với các khẳng định của Matxcơva không bố trí quân đội trong khu vực này.     

Về phía Nga, theo AFP, điện Kremlin thông báo tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo với tổng thống Pháp về ‘‘những hậu quả kinh hoàng’’ do việc quân đội Ukraina oanh kích nhà máy, đặc biệt là ‘‘các khu vực chứa chất thải phóng xạ’’. Các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, do Nga kiểm soát, liên tục bị oanh kích trong thời gian gần đây. Matxcơva và Kiev quy trách nhiệm cho nhau. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, trong đó có AIEA, khẩn thiết kêu gọi thành lập một khu vực ‘‘phi quân sự’’ xung quanh khu vực nhà máy điện. Tuy nhiên, đòi hỏi nói trên cho đến nay vẫn không được Nga chấp thuận.     

Về mặt kỹ thuật, nhà máy điện Zaporijjia hiện vẫn do nhân viên Ukraina điều khiển. Hôm qua, công ty Ukraina Energoatom, điều hành nhà máy, cho biết đã cho ngừng lò phản ứng hạt nhân thứ sáu, và cũng là lò phản ứng cuối cùng, ‘‘vì lý do an toàn’’. Hôm qua, AIEA thông báo nhà máy đã được kết nối trở lại với mạng lưới điện bên ngoài, vì các nhu cầu sử dụng nội bộ, như làm lạnh chất thải phóng xạ.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.