Vào nội dung chính
GIỚI LGBT - CHÂU ÂU

Trước áp lực quốc tế, Serbia cho phép cộng đồng LGBT tuần hành

Chính quyền Serbia đã duy trì lệnh cấm cộng đồng người đồng tính, chuyển giới, lưỡng giới, và không có giới tính (tên gọi tắt là LGBT hay LGBTQ+) tuần hành tại thủ đô Belgrade cho đến tận ngày hôm qua, 17/09/2022. Cuộc tuần hành EuroPride, có ý nghĩa lớn với cộng đồng LGBT, rút cục vẫn diễn ra, với sự cho phép của thủ tướng Serbia vào phút chót.  

Chính quyền Serbia phải huy động một lực lượng cảnh sát đông đảo, hơn 5000 người, để bảo vệ an ninh cho cuộc tuần hành của người đồng tính, hôm 17/09/2022. Trong ảnh, phe cực hữu phản đối diễu hành EuroPride tại một nhà thờ ở Belgrade.
Chính quyền Serbia phải huy động một lực lượng cảnh sát đông đảo, hơn 5000 người, để bảo vệ an ninh cho cuộc tuần hành của người đồng tính, hôm 17/09/2022. Trong ảnh, phe cực hữu phản đối diễu hành EuroPride tại một nhà thờ ở Belgrade. REUTERS - ZORANA JEVTIC
Quảng cáo

Đầu tuần qua, bộ Nội Vụ Serbia ra lệnh cấm tổ chức tuần hành với lý do lo ngại cánh cực hữu tổ chức tuần hành phản đối EuroPride gây mất an ninh. Tuy nhiên, hàng nghìn thành viên cộng đồng LGBTQ+ vẫn  tập hợp chiều hôm qua bất chấp lệnh cấm của chính quyền. Theo AFP, đại sứ hơn 20 nước, trong đó có Mỹ, Pháp, Đức và Nhật Bản đã ra một thông cáo chung yêu cầu chính quyền Serbia xét lại quyết định này.  

Cuộc tuần hành đã khởi hành từ 17 giờ 30 phút chiều qua, với sự hiện diện của một lực lượng cảnh sát hùng hậu. Thông tín viên Laurent Rouy tường trình từ Belgrade :  

‘‘Sau một thời gian bị trì hoãn, rồi cuộc tuần hành đã diễn ra với sự cho phép muộn màng của chính quyền, rút cục đã có 1000 người tuần hành vì quyền của cộng đồng LGBT. Không khí đầy bất trắc đè nặng lên những người tham dự Gay Pride, như cô Amina, người Đức đến từ Hamburg.  

Theo cô, ‘‘phản ứng của chính quyền thật đáng thất vọng. Cuộc tuần hành bây giờ gọi là đã được phép, nhưng có quá nhiều cảnh sát trên đường phố, bạn không thể gọi đó là một cuộc tuần hành Pride (hay cuộc tuần hành mang tên Tự hào). Chúng ta cần phản đối một cuộc tuần hành tốt thiểu như vậy. Chúng ta nên đòi hỏi nhiều hơn nữa’’.  

Đối với Milica, đến từ thủ đô Belgrade, thái độ của chính quyền Serbia, từng có thời gian cấm cuộc tuần hành, đã ngăn cản nhiều người tham dự. Cô nói : ‘‘Chính quyền đã mập mờ với các quyền lợi của chúng tôi và chúng tôi không biết liệu cuộc tuần hành Gay Pride có được tổ chức hay không. Điều này không thể được phép xảy ra tại một đất nước văn minh. Kết quả : đây là cuộc diễu hành với số người tham gia ít nhất mà chúng tôi từng thấy.  

Tổng cộng 5200 cảnh sát có mặt trên đường phố Belgrade. Một lực lượng gây ấn tượng, và đáng sợ đối với một số người, nhưng lại khiến Alyona yên tâm. Alyon đã mới rời nước Nga gần đây. Cô cho biết : ‘‘Ở Nga, chúng tôi quen với việc sợ cảnh sát. Nhưng ở đây cảnh sát đã giúp chúng tôi tìm đường đến Pride. Đối với chúng tôi, thật không thể tin được khi cảnh sát giúp đỡ cộng đồng LGBT. Họ thực sự bảo vệ chúng tôi. Họ không đánh đập chúng ta’’. 

Tại Belgrade, cảnh sát đã phải kháng cự lại một số kẻ kích động chống phá cuộc tuần hành của cộng đồng LGBT. 64 người đã bị câu lưu, 15 cảnh sát bị thương nhẹ’’. 

Quốc gia Nam Âu Serbia ứng cử vào Liên Âu từ một thập niên, nhưng nhiều thành viên Liên Âu chưa ủng hộ đơn gia nhập của Serbia, do lo ngại về tình hình nhân quyền. Hiện tại, hôn nhân đồng giới vẫn là bất hợp pháp tại quốc gia 7 triệu cư dân này, nơi nạn kỳ thị người đồng tính bắt rễ sâu sắc trong xã hội bất chấp một số tiến bộ. Trước đó, các cuộc tuần hành của cộng đồng LGBT vào những năm 2010, 2001, từng là mục tiêu tấn công của các băng nhóm cực hữu.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.