Vào nội dung chính
Ý - LIÊN ÂU

Bầu cử Ý : Phe cực hữu về đầu, Liên Âu lo ngại

Ngay sau khi thông tin liên minh do đảng cực hữu Fratelli d’Italia của bà Giorgia Meloni dẫn đầu đã giành được chiến thắng, nhiều nước thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đã có những phản ứng khác nhau. Tình hình tại Ý sau cuộc bầu cử có thể làm thay đổi tương quan lực lượng tại Liên Hiệp Châu Âu trong việc xử lý nhiều hồ sơ cấp bách.  

Chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử lập pháp Ý ngày 25/09/2022 gây lo ngại cho EU.  Ảnh tư liệu: lãnh đạo đảng Fratelli d'Italia, Giorgia Meloni, tại một cuộc mít tinh tại Roma, ngày 19/10/2019.
Chiến thắng của phe cực hữu trong cuộc bầu cử lập pháp Ý ngày 25/09/2022 gây lo ngại cho EU. Ảnh tư liệu: lãnh đạo đảng Fratelli d'Italia, Giorgia Meloni, tại một cuộc mít tinh tại Roma, ngày 19/10/2019. AP - Andrew Medichini
Quảng cáo

Phe cực hữu Pháp và châu Âu, ngay lập tức lên tiếng chúc mừng thắng lợi của bà Giorgia Meloni vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1945, một đảng hậu phát xít lên cầm quyền.   

Tại Pháp, đảng Tập Hợp Quốc Gia – RN, của bà Marine Le Pen khẳng định « người dân Ý đã quyết định nắm lại vận mệnh khi bầu chọn một chính phủ yêu nước và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền ». Chủ tịch đảng RN, Jordan Bardella, cho rằng đây là một « bài học khiêm tốn dành cho Liên Hiệp Châu Âu, vốn dĩ muốn thông qua lời chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Von der Leyen tìm cách ấn định lá phiếu cử tri ». Còn đảng Tái Chinh Phục của Eric Zemmour kêu gọi hình thành một « liên minh cánh hữu » tại Pháp như mô hình của Ý và Thụy Điển   

Lãnh đạo Ba Lan và Hungary – hai quốc gia mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc – thường xuyên bị Liên Âu chỉ trích vì những vi phạm nhân quyền, ngay tối hôm qua đã gởi lời chúc mừng bà Giorgia Meloni.  

Trong khi đó, chính phủ Pháp và Tây Ban Nha đã có phản ứng dè chừng. Thủ tướng Pháp Elizabeth Borne trên đài BFMTV cho biết sẽ cùng với Ủy Ban Châu Âu « chú ý » đến việc « tôn trọng » nhân quyền. 

Theo trang mạng Euronews, thắng lợi của phe cực hữu Ý có nguy cơ gây ra nhiều hệ quả quan trọng. Liên Hiệp Châu Âu đặc biệt lo ngại khi nhìn thấy sau Thụy Điển, tại Ý, phe cực hữu, hoài nghi châu Âu, lên cầm quyền, lãnh đạo nền kinh tế thứ ba của khối trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát tăng vọt. Quan hệ giữa Roma và Bruxelles có nguy cơ gặp khó trong việc xử lý nhiều hồ sơ quan trọng như di dân, phá thai hay cuộc chiến tại Ukraina.  

AFP nhắc lại, trước cuộc bỏ phiếu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen đe dọa các biện pháp trừng phạt nếu các nguyên tắc dân chủ của Liên Âu bị vi phạm. Nước Ý có thể bị tước mất một số nguồn trợ cấp, chẳng hạn như nguồn tài trợ 70 tỷ euro từ kế hoạch chấn hưng kinh tế 750 tỷ của khối 27 nước thành viên. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.