Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - EU

Những điều cần biết về chương trình EU huấn luyện quân cho Ukraina

Họp tại Luxembourg, các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu đưa ra một chương trình đào tạo 15 nghìn quân Ukraina ngay trên lãnh thổ các nước Đức, Ba Lan và Pháp. Đây là một sáng kiến đầu tiên trong lĩnh vực này được thực hiện trên quy mô Liên Âu.

Binh sĩ Ukraina được huấn luyện sử dụng súng phóng rốc-két cơ động của Mỹ M141 tại một căn cứ quân sự ở Lviv, ngày 30/01/2022.
Binh sĩ Ukraina được huấn luyện sử dụng súng phóng rốc-két cơ động của Mỹ M141 tại một căn cứ quân sự ở Lviv, ngày 30/01/2022. AP
Quảng cáo

Sự hỗ trợ của châu Âu cho Ukraina vượt qua một giai đoạn mới với việc hôm 17/10, Liên Âu quyết định triển khai một chương trình đào tạo trên lãnh thổ của mình 15 nghìn quân Urkaina cũng như cung cấp thêm 500 triệu euro vũ khí cho Kiev.

« Đứng về khía cạnh tinh thần, chính trị và cả quân sự, Nga đang thất bại trong cuộc chiến tranh này. Chúng ta phải tiếp tục hậu thuẫn cho Ukraina », lãnh đạo Ngoại Giao Liên Hiệp Châu Âu, Joseph Borrell tuyên bố tại cuộc họp ngoại trưởng 27 nước thành viên tại Luxembourg, đồng thời ông hoan nghênh chương trình « đào tạo hùng hậu được triển khai ngoài biên giới Ukraina ». Dự án được các ngoại trưởng EU nhất trí sẽ bắt đầu từ giữa tháng 11 tới đây và sẽ còn mở rộng thêm số lượng nếu như cuộc xung đột còn kéo dài.

Hồi đầu mùa hè, sáng kiến này đã vấp phải thái độ nghi ngại của một số nước thành viên, nhưng theo ông Josseph Borrell, các nước cuối cùng đã vượt được lên trên sự dè dặt.

Nhiều chương trình đã được các nước thành viên chia nhau thực hiện rải rác, đặc biệt là Đức và Pháp để đào tạo lính Ukraina sử dụng các loại đại bác, dàn phóng tên lửa và các hệ thống phòng không do Liên Hiệp Châu Âu cung cấp. Nhưng đây là lần đầu tiên một chương trình đồng bộ như vậy được tiến hành trên phạm vi Liên Âu.

Một chương trình đào tạo cơ bản sẽ dành cho 12 nghìn quân, trong khi đó 3000 người khác sẽ được học các khóa huấn luyện chuyên biệt. Chương trình huấn luyện này nhằm đáp ứng nhiều nhu cầu mà bộ tham mưu quân đội Ukraina đã đề nghị, nhất là trong lĩnh vực rà phá mìn, tác chiến chiến thuật, phòng không, pháo binh và cả lĩnh vực quân y. Nhiệm vụ của châu Âu sẽ được bổ sung thêm bằng những khóa đào tạo của Anh và Mỹ.  

Đồng thời, các nước cung cấp vũ khí cho Ukraina sẽ tiếp tục phân bổ các khóa huấn luyện riêng biệt về loại vũ khí được cung cấp như : Đức huấn luyện sử dụng xe bọc thép Marder, Pháp thì đào tạo về đại bác Caesar và hệ thống phòng không mới Crotale.

Ba Lan, bàn đạp của chương trình huấn luyện 

Ban lãnh đạo của chương trình đào tạo này sẽ đặt ở Bruxelles, trong một bộ phận nhỏ thuộc bộ tham mưu. Đến giai đoạn này có hai tổng hành dinh chính, một đặt tại Đức, chưa rõ ở đâu và một đặt tại căn cứ quân sự Nowa Deba ở Ba Lan, nằm trên trục đường chiến lược nối với thành phố Lviv của Ukraina.

Ba Lan, nơi trú đầu tiên của những người dân Ukraina chạy nạn chiến tranh, giờ được sử dụng như là trung tâm cho nhiệm vụ mới này. Về phần mình, Đức muốn huấn luyện cả một tiểu đoàn quân Ukraina. Pháp sẽ đào tạo « tới 2000 lính Ukraina » trên lãnh thổ của mình, như thông báo của bộ trưởng Quân Lực Pháp, Sébastien Lecornu hôm thứ Bảy vừa rồi trên nhật báo Le Parisien. Lãnh đạo quốc phòng Pháp giải thích thêm, đó là khóa « đào tạo đại cương » cho lính chiến nhằm đáp ứng « các nhu cầu riêng biệt đã được phía Ukraina nêu ra, như hậu cần » và đào tạo các binh sĩ này sử dụng những thứ khí tài mới được cung cấp.

Các chương trình huấn luyện có thể được cung cấp tài chính từ quỹ hỗ trợ hòa bình FEP của châu Âu được lập ngoài nguồn ngân sách viện trợ quân sự cho Ukraina của châu Âu.

Dự trù ngân sách này có khoảng từ 50 đến 60 triệu euro mỗi năm, trước mắt là cho giai đoạn đầu của chương trình, Bruxelles cho biết. Số tiền này này đã được thông báo hôm thứ Hai vừa rồi, cùng lúc với khoản 500 triệu euro bổ sung viện trợ vũ khí.

Vẫn né tránh trở thành "đồng tham chiến"

Theo bộ trưởng Pháp Sébastien Lecornu, chương trình huấn luyện của châu Âu là phù hợp với chủ trương của Pháp là tìm kiếm sự cân bằng trong hồ sơ Ukraina. Ông nói trong cuộc phỏng vấn cuối tuần qua : « Chúng ta làm việc đó đồng thời tôn trọng các quy định pháp luật, không bao giờ (Pháp) là bên đồng tham chiến, vì chúng ta không ở trong cuộc chiến ».

Trái lại, một số ý kiến khác đánh giá rằng chính phủ Pháp làm như vậy là đùa với lửa. Dân biểu thuộc đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc (RN) ở Pháp, ông Thierry Mariani, hôm 14/10 trên kênh truyền hình BFMTV nhận định « Bây giờ, chúng ta không còn có chính sách đối ngoại Pháp về hồ sơ Ukraina mà đó là chính sách của châu Âu.  Người ta đang lôi kéo một vài nước vào cuộc leo thang ! Điều đó không có lợi cho nước Pháp ! »

« Đồng tham chiến không phải là khái niệm pháp lý, nó không có cơ sở nào trong các quy luật chiến tranh. Đó là khái niệm chính trị, được quyết định bởi người cảm thấy bị tấn công, và muốn hưởng lợi từ đó, tức là lôi cuốn các tác nhân vào trong xung đột », nhà báo Bilal Tarabey của France 24 nhấn mạnh. Ông cũng cho biết thêm là Anh Quốc đã đào tạo hàng nghìn binh sĩ Ukraina từ tháng 6 năm nay thông qua chiến dịch Interflex, một chương trình luấn luyện tác chiến cho quân đội Ukraina do cựu thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất. 

Ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (Iris) nhận định « Chương trình này trước hết là một thông điệp cho chính phủ Ukraina, vốn vẫn trách cứ Liên Âu làm chưa đủ ». Chuyên gia này phân tích tiếp : « Cần phải nhắc lại là ngoài những khóa huấn luyện do các nước châu Âu thực hiện, từ 2014, NATO vẫn đào tạo các binh sĩ cho Ukraina. Về phía Nga, chương trình của châu Âu không làm thay đổi căn bản ván cờ, đơn giản là bởi vì Nga không có phương tiện để lao vào một cuộc xung đột mở. Matxcơva cũng như các nước phương Tây, đều không có lợi gì khi phát động cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 ».

(Theo AFP và Reuters)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.