Vào nội dung chính
PHÁP - LẠM PHÁT

Lạm phát càng cao, dân Pháp càng bớt đi ăn nhà hàng

Sau một mùa hè kinh doanh phát đạt, phần lớn nhờ vào số du khách nước ngoài đông đảo, ngành nhà hàng Pháp chuẩn bị bước vào mùa đông trong một bối cảnh kinh tế bấp bênh hơn. Theo khảo sát gần đây của công ty NPD Group, cứ trên 10 người Pháp là có 4 người muốn bớt đi ăn tiệm trong thời gian tới. Tỷ lệ lạm phát tại Pháp đạt 6,5%, nhưng trên thực tế giá trung bình của một bữa ăn trưa đã tăng hơn 15%.

Phòng ăn bên trong nhà hàng Au Petit Riche ở Paris ngày 09/06/2021 sau khi được phép mở cửa phục vụ khách, với những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Phòng ăn bên trong nhà hàng Au Petit Riche ở Paris ngày 09/06/2021 sau khi được phép mở cửa phục vụ khách, với những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. REUTERS - PASCAL ROSSIGNOL
Quảng cáo

Trong thời buổi khó khăn, vật giá trên đà gia tăng, đa số các hộ gia đình đều phải cắt giảm các chi phí liên quan đến các sinh hoạt vui chơi giải trí. Ngoài tiền nhà, họ còn phải chịu khó dành dụm thêm để có thể thanh toán tiền điện nước, giá nhiên liệu vốn đã tăng mạnh trong thời gian qua. Đối với các thực khách Pháp, chuyện đi ăn nhà hàng trở nên ít thường xuyên hơn. Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường NPD Group (tiền thân là cơ quan National Purchase Diary), sự kiện các tiệm ăn điều chỉnh thực đơn, tăng thêm 15% giá menu trong ngày dẫn tới việc số thực khách sẽ giảm khoảng từ -9% đến -12% so với năm 2019. Đó chủ yếu là những tiệm ăn hay hàng quán có phục vụ khách hàng tại chỗ.

Làm thế nào để đi chơi khi túi tiền đã cạn

Theo đánh giá của NPD Group, giá sinh hoạt tăng vọt (kể cả nhiên liệu và thành phần chế biến) tác động trực tiếp đến ngành phục vụ ẩm thực nói chung. Tuy nhiên mức độ nặng hay nhẹ là còn tùy thuộc vào mô hình kinh doanh của các hàng quán. Nhìn chung, ngành bán thức ăn nhanh (fast food) cũng bị tác động bởi lạm phát, nhưng nhẹ hơn. Giá trung bình của một menu thức ăn nhanh đã tăng thêm 7%, điều đó giúp bù đắp lại khoản thất thu trong năm qua, do số lượng khách hàng đã giảm đôi chút (-3% đến -5%).

Ngược lại, trong vòng 9 tháng qua, ngành nhà hàng với lối phục vụ truyền thống, tức có nhân viên chạy bàn chuyên phục vụ thực khách tại chỗ (thay vì chỉ bán thức ăn đem về nhà) lại gặp nhiều khó khăn hơn. Theo kết quả khảo sát, các hàng quán ''truyền thống'' đã mất khoảng từ 19% đến 25% khách hàng, nhưng gỡ gạc được một chút doanh thu nhờ tăng giá thực đơn, tính trung bình là tăng từ 7% đến 15%.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều hàng quán đã bắt đầu tổ chức lại mô hình kinh doanh, một mặt khuyến mại để cầm chân khách hàng, mặt khác tập trung vào việc gia tăng các kênh phân phối. Về điểm này, các hàng quán truyền thống vẫn ít linh hoạt hơn so với các cửa hàng sẵn sàng giao thức ăn tận nhà (hoặc tận văn phòng, công sở) cũng như chuyên phục vụ đồ ăn cho khách mua đem về nhà. Về điểm này, các tiệm bánh ngọt, tiệm kem hoặc cửa hàng ''traiteur'' chuyên bán thức ăn làm sẵn, thường hiện diện đông đảo trên các mạng trực tuyến. Điều đó cũng cho ra đời nhiều lò bếp không cần có mặt bằng để kinh doanh, nhưng vẫn làm ăn khấm khá, nhờ chuyên nấu đồ ăn rồi đem giao tận nhà người mua.

Khách ăn ngoài tiệm đang giảm, đồ ăn giao tận nhà lại tăng

Theo một cuộc nghiên cứu khác gần đây của công ty Kantar FoodTech, sau các mạng chuyên về phim trực tuyến, nay đang phát triển các nền tảng chuyên bán thức ăn giao tận nhà. Dịch vụ này đang thay đổi sâu rộng cung cách kinh doanh của ngành công nghiệp thực phẩm. Theo kết quả khảo sát, vào lúc số người đi ăn nhà hàng đang có chiều hướng giảm xuống, thì số khách hành tại Pháp đặt mua thức ăn trên mạng lại tăng (+35% so với năm 2021),  Đó chủ yếu là những món ăn đơn giản với giá phải chăng như pizza, burger, bánh crêpes …. không bị tác động quá nhiều trong thời buổi lạm phát.

Cứ trên 10 thực khách, là có đến ba người chọn mua các món ăn giao tận nhà, và trong khá nhiều trường hợp, các hộ gia đình đặt mua đồ ăn theo gợi ý hay theo yêu cầu của con cái. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, số người tiêu dùng có thói quen đặt mua thức ăn (mỗi tuần ít nhất một lần) đã tăng gấp đôi ở châu Âu.

Tại các thành phố lớn như Paris hay Madrid, thực khách chủ yếu đặt mua các loại bánh pizza trên mạng, trong khi tại Luân Đôn hay Roma, khách hàng lại thích ăn bánh kẹp thịt burger. Các ứng dụng giao bữa ăn tận nhà luôn chiếm hạng nhất thị trường châu Âu. Tại vương quốc Anh, Uber Eats và Just Eat luôn dẫn đầu, ở Tây Ban Nha có Just Eat và Glovo, còn tại Pháp, Uber Eats và Deliveroo là hai ứng dụng được khách hàng sử dụng thường xuyên nhất.

Sau các rạp hát, đến phiên tiệm ăn có nguy cơ vắng khách

Nếu như có nhiều người Pháp trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã chuyển sang học nấu ăn hay làm bánh tại nhà, thì riêng trên các ứng dụng, dân Anh luôn chiếm hạng đầu các quốc gia châu Âu trong việc đặt mua đồ ăn trên mạng. Tính tổng cộng, người dân nước Anh đặt mua đồ ăn 67 lần trong năm 2022, tức ít nhất 5 lần mỗi tháng (con số này đã tăng 40 % so với năm 2021). Tỷ lệ lạm phát tăng vọt khiến cho dân Anh, một là giảm số bữa ăn đặt mua hàng tháng trên mạng, hai là duy trì các bữa ăn nhưng phải chọn các món rẻ hơn. Và như vậy chất lượng thức ăn cũng như độ dinh dưỡng chưa chắc gì sẽ được bảo đảm. 

Tuy đứng đầu các nước châu Âu, nhưng thói quen đặt mua đồ ăn trên mạng của người Anh vẫn còn thấp so với dân châu Á. Trên toàn cầu, dân Hàn Quốc vẫn là vô địch trong chuyện đặt mua các bữa ăn giao tận nhà. Tính trung bình, dân Hàn Quốc đặt mua 148 bữa ăn mỗi năm (tăng thêm 13 % so với năm 2021), tức cao hơn gấp đôi so với người Anh. Sau Hàn Quốc, hai nước Thái Lan và Trung Quốc đồng hạng nhì, với trung bình hơn 100 đơn đặt hàng mỗi năm.

Việc đặt mua bữa ăn giao tận nhà đang trở thành một thói quen nơi nhiều hộ gia đình. Các ứng dụng đã phát triển mạnh trong thời kỳ đại dịch và dần dần thay đổi cung cách người tiêu dùng. Trong bối cảnh lạm phát, khách hàng đang ngày càng chú ý đến cách tiêu tiền của mình. Nhưng bên cạnh vấn đề giá cả, còn có thêm yếu tố tiện ích thuận lợi, các dịch vụ chiếu phim trực tuyến khiến cho khán giả Pháp bớt đi xem phim chiếu ở ngoài rạp, ứng dụng mua thức ăn cũng khiến cho một số thực khách Pháp mua đồ ăn giao tận nhà, thay vì đi ăn ở ngoài tiệm.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.