Vào nội dung chính
NOBEL HÒA BÌNH - KHÁNG CHIẾN CHỐNG NGA

Nga xâm lăng Ukraina: Nobel Hòa bình 2022 kêu gọi không ‘‘hạ vũ khí’’

Lễ trao giải Nobel Hòa bình diễn ra hôm qua, 10/12/2022, tại Oslo. Ba đồng khôi nguyên của giải kêu gọi thế giới không hạ vũ khí, tiếp tục chống lại cuộc xâm lăng ‘‘điên cuồng và tội phạm’’ của tổng thống Nga ở Ukraina.

Bà Natalia Pinchuk (T), đại diện cho nhà hoạt động Ales Bialiatski (Belarus), ông Jan Rachinsky (G), đại diện cho tổ chức Nga Memorial và cô Oleksandra Matviichuk (P), đại diện cho tổ chức Ukraina Center for Civil Liberties (CCL) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2022 tại Oslo, Na Uy, ngày 10/12/2022.
Bà Natalia Pinchuk (T), đại diện cho nhà hoạt động Ales Bialiatski (Belarus), ông Jan Rachinsky (G), đại diện cho tổ chức Nga Memorial và cô Oleksandra Matviichuk (P), đại diện cho tổ chức Ukraina Center for Civil Liberties (CCL) nhận giải Nobel Hòa bình năm 2022 tại Oslo, Na Uy, ngày 10/12/2022. via REUTERS - NTB
Quảng cáo

Theo AFP, phát biểu trong buổi trao giải, cô Oleksandra Matviïtchouk, chủ tịch Trung tâm Ukraina về các quyền tự do dân sự (CCL), đồng khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, nghẹn ngào xúc động một lần nữa kêu gọi thành lập tòa án quốc tế để xét xử ‘‘Putin, (nhà độc tài Belarus) Lukachenko và các tội phạm chiến tranh khác''. Chủ tịch Trung tâm Ukraina về các quyền tự do dân sự nhấn mạnh : ‘‘Không thể có hòa bình cho một quốc gia đang bị tấn công, nếu chấp nhận hạ vũ khí’’, hạ vũ khí đồng nghĩa với việc chấp nhận ách chiếm đóng, chứ không có được hòa bình.

Trung tâm Ukraina về các quyền tự do dân sự (CCL) ra đời từ năm 2007. Kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina năm 2014, tổ chức này đã thu thập các bằng chứng về tội ác của các lượng Nga, từ tra tấn đến giết người, hủy diệt khu dân cư, nhà thờ, trường học, bệnh viện, ném bom các hành lang sơ tán, cưỡng bức dân chúng rời khỏi bản quán. Kể từ cuộc xâm lăng Nga đến nay, CCL đã thu thập được hơn 27.000 hành động tội ác chiến tranh của Nga. Theo chủ tịch CCL, đây chỉ là ''phần nổi của tảng băng''. Mục tiêu mà tổ chức này đặt ra là không nạn nhân chiến tranh nào bị quên lãng.

Lên án ‘‘tham vọng đế quốc’’ của điện Kremlin

Trung tâm Ukraina về các quyền tự do dân sự cùng với nhà tranh đấu người Belarus Ales Beliatski, hiện đang bị cầm tù, và tổ chức bảo vệ nhân quyền Nga Memorial (bị chính quyền Nga giải tán), là ba cá nhân và tổ chức được vinh danh Nobel Hòa bình, vì ‘‘các quyền con người, nền dân chủ, và sự chung sống hòa bình’’ chống lại các thế lực độc tài.

Đồng giải thưởng Nobel Hòa bình, ông Ian Ratchinski, chủ tịch của hiệp hội Nga Memorial, có mặt tại Oslo lên án ‘‘các tham vọng đế quốc’’ của chế độ Putin, kế thừa thời Liên Xô, ‘‘vẫn luôn luôn có nhiều ảnh hưởng trong hiện tại’’. Cũng như Trung tâm Ukraina về các quyền tự do dân sự, tổ chức Memorial, thành lập năm 1989, chuyên ghi lại các dấu ấn tội ác, và đây là các tội ác trong  thời toàn trị Stalin. Memorial cũng thu thập thông tin về việc các quyền tự do tại Nga bị xâm phạm trong hiện tại.

Phát biểu tại buổi lễ nhận giải, chủ tịch Memorial lên án việc chính quyền Putin ‘‘dùng ý thức hệ để biện minh cho cuộc xâm lăng điên rồ và tội ác chống Ukraina’’. Hiệp hội đã giải thể vào cuối năm 2021, sau khi tư pháp Nga ra lệnh lục soát văn phòng của Hiệp hội ở Matxcơva. Chủ tịch của hiệp hội Nga Memorial báo động về tình trạng : ‘‘tổng số tù nhân chính trị tại Nga hiện nhiều hơn tổng số tù chính trị trên toàn Liên Xô vào đầu giai đoạn Perestroika những năm 1990’’.

Tố cáo Nga dựng lên ‘‘nền độc tài chư hầu’’

Đồng giải thưởng Nobel Hòa bình thứ ba, ông Ales Beliatski, cha đẻ tổ chức bảo vệ nhân quyền Viasna, không đến được Oslo. Ông bị cầm từ tháng 7/2021. Người bạn đời của ông, bà Natalia Pintchouk, đại diện cho ông tại lễ trao giải, kêu gọi chống lại sự liên minh của các thế lực độc tài.

Thay mặt nhà tranh đấu Ales Beliatski, người vợ chuyển đến công chúng tuyên bố như sau : tại Ukraina, chính quyền Nga đang cố gắng ‘‘dựng lên một nền độc tài chư hầu, tương tự như tại Belarus hiện nay, nơi tiếng nói của người dân bị áp bức bị làm lơ. Nền độc tài chư hầu được áp đặt dựa vào các căn cứ quân sự Nga, sự phụ thuộc nặng nề về kinh tế, nỗ lực đồng hóa người Ukraina bằng văn hóa Nga và ngôn ngữ Nga’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.