Vào nội dung chính
SINH THÁI - THỔ DÂN

COP15: Bảo vệ quyền Thổ Dân là cách tốt nhất để bảo vệ Thiên Nhiên

Hội nghị về Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc (COP15), từ ngày 07 đến 19/12/2022, đang diễn ra. COP15 được kỳ vọng chặn đứng đà hủy diệt môi sinh do mô hình kinh tế đặt tăng trưởng và lợi nhuận lên trên hết hiện nay. Vấn đề là bảo vệ thế nào ?

Trương khẩu hiệu phản đối trong lúc thủ tướng Canada khai mạc COP15 tại Montreal, Canada, ngày 6/12/2022. Khẩu hiệu : "Diệt thổ dân là diệt môi sinh. Để cứu Đa dạng sinh học hãy ngừng xâm chiếm đất đai của chúng tôi - Chủ nghĩa thực dân không thể cứu được quý vị!"
Trương khẩu hiệu phản đối trong lúc thủ tướng Canada khai mạc COP15 tại Montreal, Canada, ngày 6/12/2022. Khẩu hiệu : "Diệt thổ dân là diệt môi sinh. Để cứu Đa dạng sinh học hãy ngừng xâm chiếm đất đai của chúng tôi - Chủ nghĩa thực dân không thể cứu được quý vị!" REUTERS - CHRISTINNE MUSCHI
Quảng cáo

Trước thềm COP15, lãnh đạo Liên Hiệp Quốc nêu bật tình trạng nguy hiểm tột độ hiện nay về môi trường, sinh thái, với cuộc đại diệt chủng sinh giới lần thứ 6 đang diễn ra, đã được giới khoa học báo động từ nhiều thập niên. Ông Antonio Guterres đồng thời chỉ ra thủ phạm chính: ‘‘mô hình tăng trưởng kinh tế không giới hạn, không chịu sự kiểm soát’’. Tổng thư ký LHQ kêu gọi ký kết một ‘‘Hiệp ước hòa bình với Thiên Nhiên’’. Nhưng một hiệp ước hòa bình với Thiên Nhiên cụ thể là gì ?

Đối với đông đảo giới tranh đấu vì môi trường, Thiên Nhiên mang gương mặt của các cộng đồng bản địa, hay ‘‘các thổ dân’’. Bởi Thổ Dân tuy chỉ chiếm 6% dân số thế giới, nhưng cư trú tại 25% diện tích hành tinh, nơi tập trung đến gần 80% đa dạng sinh học (hay các hệ sinh thái). Các cộng đồng bản địa có được thừa nhận như lực lượng trụ cột trong cuộc chiến bảo vệ đa dạng sinh học ? Hay sẽ bị chính quyền các nơi trục xuất khỏi khu bảo tồn, nhân danh bảo vệ đa dạng sinh học ? Vấn đề nóng bỏng này hiện đang được thương lượng tại COP15. Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin.

***

1/ Về vấn đề các cộng đồng bản địa với đa dạng sinh học, có gì đáng chú ý trên truyền thông ?

Báo chí Pháp và quốc tế trước thềm khai mạc và trong tuần lễ đầu của hội nghị COP15 tại Montreal, Canada, có nhiều bài viết về chủ đề này. Nhật báo Công giáo Pháp La Croix có bài ‘‘Hãy lắng nghe các cộng đồng bản địa để phục hồi đa dạng sinh thái’’. Trang mạng truyền hình quốc tế Pháp TV5 Monde truyền đi tiếng nói của một trong những đại diện của phong trào Thổ dân với Biến đổi khí hậu, với thông điệp : ‘‘Chúng tôi không chỉ là các nạn nhân do môi trường bị tàn phá, mà còn là các giải pháp’’. Trang mạng của đài phát thanh Canada có bài : ‘‘Lãnh thổ của các thổ dân, góc chết của Đa dạng Sinh học’’, tố cáo việc tiếng nói của các thổ dân bị làm ngơ. Nhật báo Pháp Liberation có bài phỏng vấn hôm qua mang tựa đề : ‘‘COP15 về Đa dạng Sinh học : Phương tiện tốt nhất để bảo tồn các hệ sinh thái là bảo vệ quyền của các cư dân bản địa’’.

Người cho tiếng nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của Liberation là bà Fiore Longo, phụ trách chương trình ‘‘Phi thực dân hóa việc bảo tồn thiên nhiên’’ của tổ chức phi chính phủ Survival International (đại diện tại Pháp), tổ chức chuyên tranh đấu cho các quyền của thổ dân trên toàn thế giới. Theo nhà tranh đấu môi trường của Survival International, một mục tiêu chủ yếu của hội nghị COP15 về Đa dạng Sinh học là bảo vệ ít nhất 30% diện tích trên đất liền và trên biển, nhưng vấn đề quan trọng số một là bảo vệ như thế nào. Nhà hoạt động được Liberation phỏng vấn đã lên án trực diện mô hình bảo tồn thống trị của phương Tây, đã được phát triển từ thế kỷ 19 cho đến nay, chủ yếu dựa trên một ‘‘quan điểm mang tính thực dân’’ về Thiên Nhiên.  Cụ thể là coi Thiên Nhiên là ‘‘thế giới hoang dã’’, ‘‘vô chủ’’ và thế giới ‘‘không có mọi hoạt động của con người’’. Trong khi đó, theo nhà tranh đấu của Survival International, trên thực tế, các không gian gọi là nguyên thủy cũng thường là nơi sinh sống từ ngàn đời của các cộng đồng bản địa. Vào thời điểm thành lập các khu bảo tồn đầu tiên, dân cư bản địa sinh sống trong các khu vực được quy hoạch, đã bị trục xuất ra ngoài.

2/ Việc nhiều cộng đồng bản địa bị loại khỏi các vùng đất của tổ tiên, với danh nghĩa bảo tồn, để lại những hậu quả gì ?

Việc các cộng đồng bản địa sống lâu đời tại các vùng đất giàu đa dạng sinh học bị loại trừ để lại hai hậu quả ghê gớm. Hậu quả thứ nhất là đối với cuộc sống của chính họ. Việc thổ dân bị cưỡng bức di dời khỏi các không gian sống truyền thống, nhân danh mục tiêu bảo tồn, là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rất nhiều thảm họa với các cộng đồng thổ dân, với ‘‘nạn đói, bệnh tật, bạo lực tàn khốc đủ kiểu (giết người, cưỡng hiếp, tra tấn…)". Hậu quả lớn thứ hai của việc này là tước đi của nhân loại những tri thức, kinh nghiệm truyền thống trong việc bảo tồn đa dạng sinh học mà các cộng đồng thổ dân đã tích lũy từ bao đời.

Diễn đàn Quốc tế Thổ dân về Đa dạng Sinh học (IIFB - The International Indigenous Forum on Biodiversity) (chú thích 1), thành lập năm 1996, là một tổ chức có tiếng nói quốc tế quan trọng trong lĩnh vực bảo vệ các hệ sinh thái, tập hợp nhiều đại diện chính phủ, tổ chức phi chính phủ, giới khoa học, các nhà tranh đấu thổ dân. Ngày 7/12 vừa qua, tức ngày khai mạc hội nghị COP15, các thành viên Diễn đàn Quốc tế Thổ dân về Đa dạng Sinh học đã truyền đi thông điệp kêu gọi tất cả các bên tham gia COP15 ‘‘tôn trọng, cổ vũ và hậu thuẫn’’ quyền của các cộng đồng bản địa.

Diễn đàn Quốc tế Thổ dân về Đa dạng Sinh học nhấn mạnh đến mối liên hệ lâu đời, bền chặt giữa các cộng đồng bản địa và thiên nhiên, nơi họ có được nguồn sống và nguồn sức mạnh tinh thần (hay tâm linh). Chính vì lẽ đó mà các cộng đồng thổ dân là ‘‘những người bảo vệ trung thành nhất’’ các môi trường sống quan trọng này. Đồng chủ tịch IIFB nhấn mạnh: ‘‘Chỉ khi  thừa nhận các quyền, các tri thức, các cách tân và giá trị của các cộng đồng bản địa, và các cộng đồng địa phương, chúng ta mới có thể thúc đẩy lịch trình hành động của nhân loại trong việc sử dụng và phát triển bền vững Đa dạng Sinh học’’.

Nhà tranh đấu của hiệp hội Survival International, trong bài trả lời Liberation, đã trực diện lên án mô hình bảo tồn thiên nhiên thống trị hiện nay, có xu hướng loại trừ các cư dân bản địa khỏi các khu bảo tồn, nhân danh bảo tồn. Bà Fiore Longo cáo buộc một số tổ chức như các tổ chức bảo vệ thiên nhiên hàng đầu thế giới như Tổ chức Bảo tồn Sự sống hoang dã (Wildlife Conservation Society – WCS) hay Quỹ Thiên nhiên Thế giới (World Wide Fund – WWF) (chú thích 2).

Nhà tranh đấu của Survival International đơn cử ví dụ về việc cộng đồng bán du mục Massai, bị trục xuất khỏi vùng đất của tổ tiên từ năm 1959, nơi được lập công viên quốc gia Serengeti (Tanzania), giờ đây tiếp tục có nguy cơ bị trục xuất khỏi khu vực được bảo vệ ở Ngrongoro (khoảng 150.000 người Massai theo một thông tin mùa hè năm nay) (chú thích 3). Vùng đất của người Massai giờ đây là một trong ‘‘các công viên bảo tồn’’ có nhiều du khách nhất tại châu Phi. Mỗi ngày ước tính có 250 xe hơi đưa khách du lịch vào thăm khu bảo tồn. Đi liền đó là ô nhiễm tiếng ồn, không khí, đất bị hủy hoại. Nhà môi trường Survival International tố cáo ‘‘một nền công nghiệp bảo tồn’’, nhân danh bảo tồn để phát triển du lịch gây ô nhiễm và nhiều hậu quả khác.

Trang mạng của đài phát thanh Canada có bài : ‘‘Lãnh thổ của các thổ dân, góc chết của Đa dạng sinh học’’ của nhà báo Edith Bélanger, chuyên gia về các cộng đồng bản địa ở Canada, cũng đặt ra cùng một vấn đề : Thực trạng môi trường sinh thái toàn cầu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nỗi lo lắng ngày càng lớn hơn, nhưng vấn đề là người ta không lắng nghe tiếng nói của các cộng đồng bản địa, tiếng nói của các nhà khoa học. Bài viết trên trang mạng của Đài phát thanh Canada nhấn mạnh đến thực trạng tồi tệ ngay tại chính quốc gia phát triển, nơi đăng cai tổ chức hội nghị bảo vệ đa dạng sinh học thế giới. Các cộng đồng dân cư đầu tiên của vùng lãnh thổ này phải tranh đấu không ngừng nghỉ để khẳng định quyền của mình đối với các vùng đất truyền thống. Một ví dụ được đưa ra là các cộng đồng bản địa tại vùng Lãnh thổ Tây Bắc (Canada) đã phải mất 20 năm tranh đấu mới ‘‘đòi lại được quyền kiểm soát thực sự các vùng đất truyền thống’’.

Bên cạnh vấn đề thừa nhận các quyền và tri thức của các cộng đồng bản địa, tài chính là một yêu sách chủ chốt, cấp thiết. Trong bài trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Pháp TV5 Monde, nhà tranh đấu bản địa người Tchad, Hindou Oumarou Ibrahim, đồng chủ tịch của Diễn đàn Quốc tế của các Cộng đồng bản địa về Biến đổi Khí hậu, nêu bật hai đòi hỏi. Thứ nhất là các cộng đồng bản địa phải được quyền tiếp cận trực tiếp các nguồn lực tài chính (mới chỉ chiếm 7% tổng số đầu tư hiện tại). Và thứ hai là các cộng đồng bản địa cần phải được coi như là ‘‘các ĐỐI TÁC’’, chứ không phải là bên hưởng lợi, như hiện nay. Là đối tác có nghĩa là có quyền được tham gia vào việc đưa ra QUYẾT ĐỊNH, chứ không phải là chỉ nhận tiền và mục tiêu là do các bên chi tiền quyết định như hiện nay.

3/ Tại hội nghị COP15 lần này, quan điểm gắn liền quyền của Thổ Dân với bảo tồn Đa dạng Sinh học có cơ may thành hiện thực?

COP15 lần này chứng kiến sự hiện diện đông đảo chưa từng thấy của các đại diện cộng đồng bản địa, tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, không có đại diện thổ dân nào trong hàng ngũ những người ra quyết định. Dù sao, các cộng đồng bản địa đã kiên quyết gây áp lực để tiếng nói của họ được cộng đồng quốc tế lắng nghe. Bên ngoài Diễn đàn IIFB quan trọng nói trên, quyền của các thổ dân cũng được thúc đẩy trong các liên minh khác, trong đó có liên minh có trọng lượng lớn mang tên HAC ‘‘High Ambition Coalition for Nature and People/Coalition de la haute ambition pour la nature et les peuples’’, với đồng chủ trì là Pháp, Anh và Costa Rica (chú thích 4). HAC khởi sự từ đầu năm 2021 (Hoa Kỳ cùng các nước Liên Âu tham gia Liên minh. Tại Đông Bắc và Đông Nam Á, có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Cam Bốt và Philippines tham gia).

Liên minh tập hợp hơn 100 quốc gia thuộc tất cả các châu lục này là một động lực hàng đầu thúc đẩy thỏa thuận bảo tồn ít nhất 30% diện tích Trái đất, và trong đó quyền của thổ dân được tính đến (trích tôn chỉ của liên minh HAC : ‘‘The 30% target is not just a quantitative target. It is about ensuring that protected areas cover sites of particular importance for biodiversity, and that they are connected and effectively managed, while involving indigenous peoples and local communities’’). Costa Rica, đồng chủ trì liên minh, quốc gia Trung Mỹ đi đầu về bảo vệ môi sinh (với 6% Đa dạng Sinh học toàn cầu) được biết đã và đang có nhiều vận động cho quyền của thổ dân.

Theo báo Pháp Ouest-France (12/12), văn bản dự thảo thỏa thuận COP15 đang được thảo luận đã dẫn ra rõ quyền của các cộng đồng thổ dân. Vấn đề hiện nay là chọn lựa những diễn đạt nào để thể hiện quyền này. Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ ngay từ đầu việc hội nhập mật thiết của các cộng đồng thổ dân trong các khu vực bảo tồn, trong khi đó một số quốc gia như Brazil, Paraguay, và một số nước Nam Mỹ khác thiên về một số diễn đạt lỏng lẻo hơn, cho phép những diễn giải có thể mang lại những hệ quả tiêu cực sau này.

Theo nhận định của Diễn đàn Quốc tế Thổ dân về Đa dạng Sinh học (IIFB) (ngày 10/12), Mục Tiêu số 3 (tức mục tiêu bảo vệ 30% diện tích đất liền và biển) của dự thảo thỏa thuận COP15 chỉ có thể đạt được chất lượng thực sự, nếu các không gian bảo tồn được kết nối, tức không bị khuôn lại một cách máy móc theo từng địa giới quốc gia, và thu hẹp trong các vùng bảo tồn theo nghĩa hẹp. Bảo vệ 30% diện tích Trái đất không có nghĩa là bỏ mặc 70% diện tích còn lại. Bảo vệ các hệ sinh thái trong tính liền mạch là truyền thống của các cộng đồng bản địa. Diễn đàn Quốc tế Thổ dân về Đa dạng Sinh học kêu gọi các bên đàm phán xem xét đưa quan điểm của các cộng đồng bản địa vào Thỏa thuận cuối cùng.

Trước thềm COP15, Viện Phát triển Bền vững Canada IISD (International Institute for Sustainable Development) có bài nhận xét đáng chú ý về những điều kiện thành công của Mục Tiêu số 3 nói trên. Tinh thần chính là phối hợp các quan điểm khác biệt. Với IISD, điểm mấu chốt dẫn đến thành công của Mục Tiêu số 3 (về mặt số lượng cũng như chất lượng) phụ thuộc vào việc mỗi quốc gia ‘‘tôn trọng quyền con người, và giao quyền lãnh đạo cho cư dân bản địa và các cộng đồng địa phương’’ đến mức nào (chú thích 5). Bản thân Canada trong thời gian vừa qua đã một số kinh nghiệm trong việc ủy quyền cho các cộng đồng thổ dân trong việc đồng quản lý các vùng đất đai của tổ tiên.

Ghi chú 

1/ Diễn đàn Quốc tế Thổ dân về Đa dạng Sinh học (IIFB - The International Indigenous Forum on Biodiversity) https://iifb-indigenous.org/

2/ Tổ chức Quỹ Thiên nhiên Thế giới (WWF) được coi là một trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế đầu tiên đề cập đến vấn đề quyền của các cộng đồng bản địa trong các khu vực bảo tồn. Tuy nhiên, những năm gần đây, có nhiều cáo buộc về các hành động xâm phạm nghiêm trọng quyền của người dân bản địa tại một số khu vực nơi có sự hoạt động của các nhân viên bảo vệ được WWF tài trợ. Năm 2020, một nhóm chuyên gia độc lập, đứng đầu là cựu cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay, đã ra một báo cáo ghi nhận nhiều sai phạm của WWF (‘‘Le WWF s’engage à mieux respecter les droits des populations riveraines des aires protégées’’, Le Monde, ngày 25/11/2020).

3/ ‘‘Ở Tanzania, người Massai bị trục xuất khỏi vùng đất của họ với danh nghĩa bảo vệ động vật hoang dã và du lịch’’, Le Monde ngày 20/06/2022.

4/ Trang nhà của High Ambition Coalition for Nature and People (tạm dịch là Liên minh quyết tâm vì Thiên nhiên và Cộng đồng) https://www.hacfornatureandpeople.org/

5/ ‘‘The Global Biodiversity Framework's "30x30" Target: Catchy slogan or effective conservation goal?’’, Viện IISD, ngày 06/12/2022.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.