Vào nội dung chính
HỘI NGHỊ ĐA DẠNG SINH HỌC COP15

COP15 : Những bước tiến lịch sử và những khiếm khuyết lớn

Hội nghị Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học (COP15) ở Montréal, Canada, hôm qua, 19/12/2022, đã thông qua "thỏa thuận toàn cầu về đa dạng sinh học" với một lộ trình gồm 4 mục tiêu chính và 23 mục tiêu cụ thể nhằm cố gắng ngăn chặn sự tàn phá thiên nhiên từ giờ đến năm 2030. Ngoài ra, hội nghị còn thông qua 5 văn bản khác để cho thỏa thuận này có thể được áp dụng một cách hiệu quả, quan trọng nhất là tài trợ cho những nỗ lực của các nước đang phát triển.

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị COP15 vỗ tay sau khi đạt được thỏa thuận Côn Minh-Montréal ở Montréal, Canada, ngày 19/12/2022.
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị COP15 vỗ tay sau khi đạt được thỏa thuận Côn Minh-Montréal ở Montréal, Canada, ngày 19/12/2022. © Julian Haber/UN Biodiversity/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Những tiến bộ của thỏa thuận

Bảo vệ 30% diện tích trái đất

Một trong những mục tiêu trọng tâm của thỏa thuận là từ giờ đến năm 2030, ít nhất 30% diện tích đất liền, vùng biển và ven biển quan trọng phải được bảo tồn và quản lý một cách hiệu quả. Điều này sẽ được thực hiện thông qua một mạng lưới các khu bảo tồn mang tính đại diện về mặt sinh thái, được kết nối tốt và được quản lý một cách thích đáng, nhưng vẫn bảo đảm việc khai thác bền vững mà không ảnh hưởng đến các mục tiêu đã đề ra. Đây là một mục tiêu toàn cầu chứ không phải của một quốc gia đơn lẻ nào, tức là tất cả các nước đều phải tích cực tham gia thỏa thuận. Đối với các nhà khoa học, bảo vệ 30% diện tích là mức tối thiểu, vì họ cho rằng con số này phải lên đến 50% mới thực sự thích đáng.

Hỗ trợ thêm 20 tỷ đô la cho những nước nghèo, tái tạo 30% diện tích Trái đất bị xuống cấp

Ngoài ra, theo thỏa thuận này, các nước giàu cũng cam kết sẽ cấp ít nhất 20 tỷ đô la mỗi năm từ giờ đến năm 2025 và ít nhất 30 tỷ đô la từ năm 2025-2030 để hỗ trợ các nước nghèo.

Còn theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), hiện nay, 1/3 diện tích Trái đất đã bị « xuống cấp vừa phải hoặc trầm trọng » do hoạt động của con người. Để khắc phục tình trạng này, thỏa thuận « Côn Minh-Montréal » cũng quy định rằng từ giờ đến năm 2030, ít nhất 30% hệ sinh thái trên cạn và ngoài biển bị suy thoái phải được phục hồi một cách hiệu quả.

Giảm sử dụng thuốc trừ sâu

Trong 60 năm qua, sự nguy hiểm của thuốc trừ sâu đối với đa dạng sinh học và sức khỏe đã được chứng mình. Vậy tại sao mô hình nông nghiệp, thực phẩm của nhiều nơi trên thế giới vẫn sử dụng thuốc trừ sâu ?

Theo François Dedieu, nhà xã hội học tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (INRAE), trả lời đài France Inter, các nhà sản xuất thuốc trừ sâu đang phát triển những chiến lược để tác động đến những nghiên cứu, kiến thức chuyên môn và quá trình ra quyết định của công chúng, và do đó duy trì sự nghi ngờ về tác động của thuốc trừ sâu đối với sức khỏe. Nhưng đối với ông Dedieu, cội nguồn của sự thiếu hiểu biết không chỉ liên quan đến sự thao túng của các nhà công nghiệp. Ông cũng tố cáo một hiện tượng làm ngơ có hệ thống, bao gồm cả các cơ quan chính thức vốn phải đánh giá các nguy cơ do thuốc trừ sâu gây ra. Ông Dedieu cũng giải thích lý do tại sao các nhà nông tiếp tục sử dụng ồ ạt thuốc trừ sâu : « Trong hệ thống hiện tại, chúng ta không thể làm khác. Thuốc trừ sâu là một công nghệ rất cũ đã được sử dụng từ 75 năm qua. Chúng đã được coi là phép màu trong một thời gian rất dài và cho đến tận ngày hôm nay đối với một lượng lớn các sản phẩm. Đầu tiên và quan trọng nhất là glyphosate, rất có lợi cho các nhà nông. Chúng không tốn kém, rất hiệu quả và tiết kiệm thời gian của các nhà nông với một khối lượng công việc khổng lồ. Vì vậy, hiện tại, họ thực sự không thể làm khác. »

Mặc dù vậy, sau cuộc « giằng co » kéo dài giữa các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) và những nước như Brazil, Ấn Độ hay Indonesia, cuối cùng, các bên đã đạt được thỏa thuận « giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và tác động tiêu cực của ô nhiễm từ tất cả các nguồn, từ giờ đến năm 2030, xuống mức không gây hại cho đa dạng sinh học ». Để đạt được điều này, cụ thể các bên phải « giảm ít nhất một nửa rủi ro tổng thể liên quan đến thuốc trừ sâu và hóa chất có độ nguy hiểm cao ».

Đây có thể coi là một bất ngờ bởi vì mới chỉ cách đây mấy hôm, bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái Pháp Christophe Béchu còn nói rằng đây là một trong những chủ đề mà Liên Âu bị « đơn độc » nhất, khi các đồng minh không chịu đưa ra một giải pháp cụ thể nào.

Những thiếu sót của thỏa thuận

Tuy được coi là « lịch sử », nhưng thỏa thuận « Côn Minh-Montréal » còn nhiều thiếu sót:

Một cơ chế giám sát chưa được xác lập

Vào năm 2010, tại Nhật Bản, cộng đồng quốc tế đã đặt ra một loạt mục tiêu nhằm ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Do không có cơ chế giám sát, phải đợi đến năm 2020 họ mới nhận ra là đã không đạt được bất kỳ mục tiêu nào trong vòng 10 năm. Đối với nhiều nhà quan sát, việc thiết lập một cơ chế như vậy là rất quan trọng để tránh lặp lại sai lầm tương tự.

Paul Leadley, nhà sinh thái học và cố vấn khoa học ở COP15, nhận định rằng kết quả của thỏa thuận vẫn còn thiếu sót : « Nhiều chỉ báo (liên quan đến cơ chế giám sát) đã được chuyển đến một ủy ban chuyên gia. Điều này sẽ phải được thông qua tại một cuộc họp khác. »

Một số đích liên quan đến mốc 2030 bị xóa bỏ

Mục tiêu chính A của thỏa thuận, đưa ra các hướng dẫn rộng rãi cho hệ sinh thái, về các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng và đa dạng di truyền, đã bị bỏ hết những nội dung liên quan đến năm 2030, và chỉ còn giữ lại những gì liên quan đến năm 2050. Cụ thể là các loài động vật vẫn có thể tiếp tục bị con người đẩy đến chỗ tuyệt chủng cho đến năm 2050, thay vì năm 2030.

Các công ty không phải chịu trách nhiệm

Trong mục tiêu cụ thể số 15, các công ty không có nghĩa vụ phải lượng hóa những tác động đến đa dạng sinh học và công khai các kết quả mà chỉ được khuyến khích làm như vậy.

Khái niệm về tác động sinh thái bị thu hẹp rất nhiều

Khái niệm này, bao gồm việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên và lượng phát thải khí nhà kính của con người, đã biến mất khỏi mục tiêu chính B và bị cho vào mục tiêu cụ thể số 16. Thỏa thuận chỉ đề cập đến việc tiêu dùng và lãng phí thức ăn. Chế độ ăn uống cùng với việc tiêu thụ quá nhiều thịt có tác động lớn đến môi trường không còn xuất hiện trong thỏa thuận.

Nguồn : 20 Minutes, Franceinfo, France Inter

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.