Vào nội dung chính
VENEZUELA - MỸ - DẦU LỬA

Chiến tranh Ukraina : Khủng hoảng dầu lửa giúp TT Venezuela trở lại trường quốc tế

Trước khi Matxcơva gây chiến ở Ukraina, mỗi ngày Hoa Kỳ nhập khoảng 700.000 thùng dầu thô nặng của Nga, chủ yếu để sản xuất nhựa, nhựa đường và chất đốt cung cấp cho khu vực Vịnh Mêhicô. Tuy nhiên, Washington đã nhanh chóng cấm vận dầu lửa Nga ngay ngày 08/03/2022, khẩn cấp tìm những nguồn cung ứng thay thế. Venezuela, nước bị Mỹ cấm vận từ năm 2019, được chính quyền tổng thống Joe Biden nhắm đến nhờ trữ lượng vàng đen rất lớn.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tham dự Thượng đỉnh Khí hậu COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập (bên cạnh là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen), ngày 07/11/2022.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro tham dự Thượng đỉnh Khí hậu COP27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập (bên cạnh là chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen), ngày 07/11/2022. AP - Nariman El-Mofty
Quảng cáo

Trong tháng 01/2023, tập đoàn Chevron sẽ xuất khoảng 150.000 thùng dầu khai thác tại Venezuela sang Mỹ. Trước đó, ngày 26/11/2022, thông qua OFAC - cơ quan phụ trách triển khai các biện pháp trừng phạt của Mỹ, Nhà Trắng đã cấp phép cho Chevron nối lại một phần hoạt động khai thác trong vòng 6 tháng. Dầu nhập khẩu của Venezuela sẽ được lọc tại nhà máy của Chevron ở thành phố Pascagoula, bang Mississippi.

Dầu lửa khiến Mỹ nương tay với chính quyền Maduro ?

Phía Washington giải thích về việc cấp giấy phép là do cuộc đàm phán giữa chế độ của tổng thống Maduro và phe đối lập đã đạt được tiến bộ, cụ thể là « thỏa thuận bán phần thứ hai về bảo hiểm xã hội » ký ngày 26/11/2022 tại thủ đô Mêhicô trong khuôn khổ vòng đàm phán được Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Mêhicô và Colombia theo dõi sát sao.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, nguyên nhân chính đằng sau quyết định giảm nhẹ cấm vận này là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu do chiến tranh tại Ukraina gây ra, đã làm xáo trộn mọi thế cờ và buộc chính phủ Mỹ phải xem lại chính sách với Caracas. Trả lời đài RFI ngày 05/01/2023, tiến sĩ khoa học chính trị Thomas Posado, chuyên gia về Venezuela, nhận định :

« Hoa Kỳ tìm cách có thêm nhiều đối tác để tránh sử dụng dầu lửa của Nga, cố để một số nước thoát khỏi lệ thuộc vào Nga, trong đó có Venezuela, cũng như làm giảm giá dầu lửa. Vì thế, Venezuela, nước đang sản xuất hơn 700.000-800.000 thùng dầu, thay vì từ 2 đến 3 triệu thùng cách đây vài năm, có thể là một đối tác được lựa chọn. Điều đó có nghĩa là chiến tranh Ukraina trở thành cơ hội để xem xét lại các biện pháp trừng phạt, không hiệu quả, nhắm vào việc nhanh chóng thay đổi chế độ ở Venezuela nhưng lại hoàn toàn đã không xảy ra. Ngay trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2020, ông Joe Biden đã cam kết xem xét lại những biện pháp trừng phạt này ».

Venezuela không phải là hồ sơ chính của tổng thống Mỹ trong hai năm đầu nhiệm kỳ. Cuộc khủng hoảng năng lượng do chiến tranh Ukraina gây ra đã thúc đẩy Washington và tổng thống Venezuela hâm nóng lại quan hệ, theo nhà nghiên cứu Christophe Ventura của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) :

« Hoa Kỳ bắt đầu dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận đang đề nặng lên Venezuela, cho phép tập đoàn Chevron của Mỹ bắt đầu có những hoạt động thương mại tại nước này. Washington cũng cho phép Venezuela lấy lại một phần tài sản bị phong tỏa trong nhiều ngân hàng trên thế giới, với điều kiện số tài sản đó phải được chính phủ Maduro và phe đối lập phối hợp quản lý dưới sự chỉ đạo của Liên Hiệp Quốc. Cuối cùng thì cũng đã triển khai được một bước. Mỹ chờ ông Maduro xác nhận tổ chức bầu cử tổng thống vào năm 2024. Cuộc bầu cử có thể sẽ làm thay đổi thế cờ trong nước ».

Washington vẫn khẳng định không công nhận ông Nicolás Maduro là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Ngày 04/01, người phát ngôn của Nhà Trắng Ned Price cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với chính trị gia đối lập Juan Guaido và « các nhà lãnh đạo dân chủ khác có lập trường tương tự », dù phe đối lập đã chấm dứt « chính phủ lâm thời » của tổng thống tự xưng Juan Guaido hôm 30/12/2022. Trong suốt bốn năm, chính phủ này không có thực quyền nhưng kiểm soát khối tài sản của Venezuela ở nước ngoài, được ông Nicolás Maduro thẩm định là 24 tỉ đô la.

Đối lập chia rẽ giúp tổng thống Maduro củng cố vị thế ?

Khủng hoảng dầu lửa đã giúp tổng thống Nicolás Maduro trở lại tuyến đầu chính trường. Sau bốn năm đấu tranh không thành công, phe đối lập bị suy yếu, chia rẽ và mất dần ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Ba trong bốn đảng đối lập chính của Venezuela (Primero Jussticia, Accion Democratica và Un Nuevo Tiempo) ra một thông cáo chung ngày 27/12/2022 cho rằng « chính phủ lâm thời » đã « ngừng có ích ». Nhà nghiên cứu Thomas Posado phân tích :

« Đa số phe đối lập Venezuela muốn đàm phám vì họ thấy, thông qua thương thuyết, một lối thoát tối ưu nhất để chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống của ông Nicolás Maduro. Hiện giờ, chiến lược cần triển khai để đạt được mục đích đó, và có rất nhiều bất đồng lớn, là chấm dứt chức tổng thống lâm thời của Juan Guaido. Quyết định này không được nhất trí hoàn toàn trong phe đối lập. Một cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức và có ba đảng thiên về đàm phán đã chấm dứt nhiệm kỳ tổng thống lâm thời này. Đảng của ông Juan Guaido không đồng ý, và một số nhánh không hẳn được tổ chức thành các đảng lớn - và thậm chí còn cứng rắn hơn ông Juan Guaido - cho rằng chấm dứt chức tổng thống lâm thời chỉ là món quà cho « chế độ độc tài » Nicolás Maduro. Càng còn có nhiều chỉ trích, nội bộ đối lập càng căng thẳng thì khả năng một ứng viên của phe đối lập đánh bại ông Nicolas Maduro trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2024 càng ít ».

Đối với ông Juan Guaido, giải tán « chính phủ lâm thời »« cú nhảy vào vô định », « 72 nghị sĩ (Quốc Hội lập hiến) bị buộc đầu hàng ». Nhà đối lập Freddy Guevara, phản đối mạnh mẽ quyết định trên, « không hiểu tại sao chúng ta lại tự sát » và lo ngại khối tài sản của Venezuela ở nước ngoài rơi vào tay tổng thống Maduro. Tuy nhiên, trang France 24 trích luật sư về hiến pháp Juan Miguel Matheus, người ủng hộ chấm dứt « chính phủ lâm thời », cho rằng « khối tài sản không bị nguy hiểm. Luật pháp cung cấp những công cụ đủ để bảo về tài sản ở Bồ Đào Nha, Mỹ và Anh ».

Trong khi nội bộ bị chia rẽ, phe đối lập cũng không thuyết phục được người dân Venezuela về khả năng đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị và kinh tế từ nhiều năm qua. Không lật đổ được chính quyền của ông Maduro, phe đối lập buộc phải cải tổ để chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống năm 2024. Nhà nghiên cứu Christophe Ventura cho rằng cuộc bầu cử sơ bộ trong các đảng đối lập, dự kiến được tổ chức năm 2023, có thể là cơ hội để tìm ra một gương mặt thay thế ông Juan Guaido, cũng như làm thay đổi bế tắc hiện tại.

« Tôi nghĩ đó sẽ là một kỳ bầu cử sơ bộ, nơi các chính đảng cố tìm cách xây dựng vai trò lãnh đạo mà họ không có. Không có một phe đối lập đoàn kết với nhau. Có rất nhiều khuynh hướng, từ cánh tả đến cánh hữu khá cứng rắn, vì thế các cuộc bầu cử sơ bộ sẽ cho thấy vai trò của họ. Hiện giờ, người mà tôi nghĩ có thể được ủng hộ nhất, đó là Henrique Capriles. Ông từng là ứng viên tổng thống, thất bại trước Chavez, sau đó thua Nicolás Maduro năm 2013. Hiện giờ, có lẽ chỉ có ông Capriles có thể giữ vai trò thủ lĩnh tương đối được đồng tình. Nhưng cũng có thể sẽ xảy ra nhiều chuyên trong năm tới ở Venezuela ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.