Vào nội dung chính
HOA KỲ - NHẬT BẢN

Mỹ, Nhật mở rộng hiệp ước phòng thủ chung sang lĩnh vực không gian

Kết thúc cuộc họp 2+2, hôm 11/01/2023, các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ-Nhật thông báo tăng cường hợp tác an ninh, mở rộng hiệp ước phòng thủ chung sang lĩnh vực không gian. Tokyo và Washington đồng ý xem « Trung Quốc là thách thức chiến lược chung lớn nhất ». Hoa Kỳ hoan nghênh Nhật Bản tăng cường khả năng quân sự, nhân lên gấp đôi ngân sách quốc phòng.

Hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Mỹ  Antony Blinken và  Lloyd Austin họp báo chung với hai đồng nhiệm Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Yasukazu Hamada tại  Washington, ngày 11/01/2023.
Hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng của Mỹ Antony Blinken và Lloyd Austin họp báo chung với hai đồng nhiệm Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Yasukazu Hamada tại Washington, ngày 11/01/2023. REUTERS - JOSHUA ROBERTS
Quảng cáo

Trong cuộc họp báo với đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cùng với bộ trưởng Quốc Phòng hai nước, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chính thức thông báo hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Tokyo được mở rộng sang « lĩnh vực không gian ». Trong trường hợp một « sự cố » xảy ra trong không gian, nhắm vào Nhật hoặc Hoa Kỳ, lập tức quốc gia kia sẽ « khởi động điều khoản 5 » trong hiệp ước.

Về phần bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, ông xác nhận tin Hoa Kỳ chuẩn bị triển khai một lực lượng phản ứng nhanh của Hải Quân Mỹ Kỳ tại đảo Okinawa nhằm « tăng cường khả năng phòng thủ cho Nhật Bản », vào lúc Tokyo càng lúc càng lo ngại trước các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Có nhiều khả năng tướng Austin sẽ đi sâu hơn vào chi tiết của dự án này nhân cuộc họp hôm nay với đồng cấp Nhật Bản, Yasukazu Hamada.

Lãnh đạo ngoại giao Nhật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một liên minh quân sự « được hiện đại hóa » để thích nghi với một thời đại mới mà ở đó « cạnh tranh về mặt chiến lược với Trung Quốc » càng lúc càng lớn. Tháng 12/2022, Tokyo đã công bố chiến lược phòng thủ mới, dự trù tăng mạnh các chi phí quân sự trong 5 năm sắp tới và tăng cường khả năng « đáp trả » trong trường hợp bị tấn công. Nhật Bản không loại trừ khả năng nhắm vào các trung tâm phóng tên lửa của đối phương.

Về điểm này, trả lời đài RFI Pháp ngữ, bà Guibourg Delamotte, chuyên gia Viện Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương INALCO, phân tích thêm :

« Trên thực tế, khả năng Mỹ can thiệp ngay trên lãnh thổ Nhật Bản là điều đã được chấp nhận từ lâu nay trong khu vực. Về nguyên tắc, chính phủ Nhật phải được tham khảo và Tokyo phải đồng ý trước khi Hoa Kỳ sử dụng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật dưới bất kỳ hình thức nào.

Thế nhưng, trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa, các bên phải phản ứng nhanh, điều đó gần như có nghĩa là phía Mỹ có thể tiến hành kể cả các các đợt tấn công răn đe, và hoàn toàn có khả năng can thiệp trong trường hợp nổ ra xung đột ở khu vực Đài Loan. Tất cả chiến lược của Nhật Bản là nhằm đối phó với sức mạnh của Trung Quốc và đây cũng là mục tiêu của Hoa Kỳ. Hai quốc gia này hoàn toàn nhất trí về điểm đó. Nhật Bản theo đuổi logic của các đối tác phương Tây qua các chương trình hợp tác như là với khối G7 hay NATO. Điều mà phương Tây và Nhật muốn đạt được là tăng cường hợp tác an ninh nhằm thuyết phục Trung Quốc tránh đi đến xung đột »

Thủ tướng Fumio Kishida sẽ hội kiến tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày mai, 13/01/2023.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.