Vào nội dung chính
KỶ NIỆM CHIẾN THẮNG STALINGRAD

Nga rầm rộ kỷ niệm chiến thắng Stalingrad trong bối cảnh chiến sự ác liệt ở Ukraina

Hôm nay, 02/02/2023, Nga kỷ niệm 80 năm chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trong trận Stalingrad (1942-1943), một bước ngoặt quan trọng trong Đệ Nhị Thế Chiến, luôn được Matxcơva coi là sự kiện đã cứu Châu Âu khỏi ách Đức Quốc Xã. Lễ kỷ niệm năm nay có thêm tầm quan trọng vào lúc cuộc xâm lược Ukraina do Matxcơva khởi động sắp tròn một năm, một cuộc chiến mà Điện Kremlin cho là nhằm “phi quân sự hóa” và “phi phát xít hóa” nước láng giềng.

Một đôi nam nữ mặc quân phục của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II khiêu vũ trước tượng của Stalin vào ngày 01/02 tại Volgograd, Nga, nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng Stalingrad.
Một đôi nam nữ mặc quân phục của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II khiêu vũ trước tượng của Stalin vào ngày 01/02 tại Volgograd, Nga, nhân kỷ niệm 80 năm chiến thắng Stalingrad. © AP
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, đích thân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến thành phố Volgograd, tên hiện nay của Stalingrad, để dự lễ kỷ niệm. Hôm 27/01, tổng thống Nga đã không ngần ngại so sánh cuộc kháng chiến chống Hitler với chiến dịch tấn công của Nga vào Ukraina cũng nhằm "tiêu diệt phát xít".

Phát biểu nhân Ngày Quốc Tế tưởng niệm các nạn nhân cuộc diệt chủng người Do Thái thời Đệ Nhị Thế Chiến, ông Putin khẳng định: “Việc quên đi những bài học lịch sử dẫn đến sự lặp lại những thảm kịch khủng khiếp. Bằng chứng của điều này là tội ác đối với thường dân, cuộc thanh lọc chủng tộc (và) các hành động trừng phạt mà các thành phần tân phát xít tiến hành ở Ukraina”.

Khánh thành tượng Stalin

Theo ghi nhận của đặc phái viên RFI Anissa el Jabri tại Volvograd, gần như là lần đầu tiên trong vòng 70 năm gần đây, hôm qua, 01/02/2023, một bức tượng bán thân của Stalin đã được khánh thành tại Volgograd, mà mỗi năm nhân ngày kỷ niệm trận đánh người ta lại gọi bằng cái tên Stalingrad thời Liên Xô:

Trên mặt tiền của viện bảo tàng vinh danh lòng dũng cảm của những người lính, nhiều tấm bảng khổng lồ ghi rõ: “Stalingrad, quê hương của chiến thắng". Xa hơn phía sau là một vài mảng đã bảo tồn được của những tòa nhà bị phá hủy, tàn tích của thành phố bị phá hủy sau khi quân đội Đức Quốc Xã rút đi.

Vào hôm qua, thứ Tư, trên sân trước của viện bảo tàng, dưới chân những chiếc xe tăng và máy bay thời Đệ Nhị Thế Chiến, dọc theo bờ sông Volga bị đóng băng trắng xóa, hàng trăm người đã tập hợp lại vào giữa trưa, trong đó có một số cựu chiến binh, gia đình của họ, thành viên một phong trào thanh niên yêu nước. Họ dự lễ khánh thành ba bức tượng bán thân của hai lãnh đạo quân sự nổi tiếng về vai trò của họ trong trận chiến "thần thoại", Gueorgui Joukov và Alexandre Vasilevsky, và tượng của Stalin.

Việc dựng tượng Stalin là một sự kiện quan trọng ở Nga, vì các tượng đài vinh danh cựu lãnh đạo rất hiếm. Chúng đã biến mất vào những năm 50 sau khi Stalin chết đi và sau những lời chỉ trích đầu tiên, khá rụt rè, về các cuộc thanh trừng và các trại cải tạo, về nạn sùng bái cá nhân.

Một số tượng đã xuất hiện trở lại vào những năm 90, đôi khi trong các trụ sở của đảng Cộng Sản ở các thị trấn nhỏ, nhưng chưa bao giờ trong một khung cảnh trang trọng như trong buổi lễ hôm qua, với  phát biểu của dân biểu, với nhạc phát đi từ loa phóng thanh, với những bó hoa cẩm chướng đỏ được đặt dưới chân tượng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.