Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - HÒA BÌNH

Giải Nobel Hòa bình Carter chuyển sang ‘‘chăm sóc giai đoạn cuối’’

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter, 98 tuổi, hiện đang được ‘‘chăm sóc giai đoạn cuối’’ tại nhà riêng. Cựu tổng thống Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì ‘‘nhiều thập niên nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế’’. Tổng thống Carter, ngay khi lên cầm quyền năm 1977, đã có nhiều nỗ lực để thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter trả lời câu hỏi từ giới truyền thông trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Carter ở Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, ngày 20/08/2015.
Cựu tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter trả lời câu hỏi từ giới truyền thông trong một cuộc họp báo tại Trung tâm Carter ở Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ, ngày 20/08/2015. REUTERS - John Amis
Quảng cáo

Theo quỹ Carter hôm qua, 18/02/2023, cựu tổng thống 98 tuổi quyết định rời bệnh viện, từ chối mọi can thiệp y tế khác, để dành thời gian những ngày cuối đời cho gia đình. Jimmy Carter là cựu tổng thống cao tuổi nhất của nước Mỹ hiện còn sống. Hãng tin Pháp loan tin, trong một thông điệp trên Twitter, Jason Carter, cháu trai của cựu tổng thống, cho biết đã gặp ‘‘cả hai ông bà ngày hôm qua’’, ‘‘cả hai đều bình an, và như thường lệ, ngôi nhà của ông bà tràn ngập tình yêu’’.

‘‘Trại David’’ và Hòa bình Israel – Ai Cập

Cựu tổng thống Carter được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002 vì ‘‘nhiều thập niên nỗ lực không mệt mỏi nhằm tìm kiếm các giải pháp hòa bình cho các xung đột quốc tế’’. Ông Carter chỉ cầm quyền một nhiệm kỳ (1977- 1981). Thành tích lớn đầu tiên mà Carter đóng góp cho hòa bình là khi ông làm trung gian cho đàm phán Ai Cập và Israel, hiệp ước hòa bình đầu tiên giữa Israel và một quốc gia Ả Rập. Các thỏa thuận hướng đến tái lập hòa bình Ai Cập - Israel thường được gọi là ‘‘Các thỏa thuận Trại David’’.

Ngày 17/08/1978, các thỏa thuận đã được ký kết tại Nhà Trắng, sau 13 ngày thương lượng bí mật tại Trại David, khu nghỉ của tổng thống Mỹ, ở bang Maryland, cách Washington khoảng 100 cây số.  Ngày 26/03/1979, Israel và Ai Cập ký Hiệp định hòa bình, hơn 2 năm sau khi tổng thống Carter lên cầm quyền.

Hiệp ước hòa bình Ai Cập – Israel được coi là cái mốc quan trọng tại vùng Trung Cận Đông, chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài từ sau Thế Chiến Hai. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, Jimmy Carter đã có được một uy tín quốc tế rộng lớn do các đóng góp cho hòa bình chỉ sau khi ông rời khỏi Nhà Trắng.

Tháo gỡ khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, đối thoại với Cuba

Năm 1982, sau khi rời chức vụ, Jimmy Carter lập trung tâm Carter với sứ mạng vì phát triển, y tế, giải quyết hòa bình các xung đột. Theo Liberation, trong hai thập niên, cựu tổng thống đã liên tục có các nỗ lực trung gian hòa giải tại Nicaragua, Panama, Somalia, Soudan hay Ethiopia.

Năm 1994, ông đã giúp tháo gỡ cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, với chuyến công du ‘‘chưa từng có’’ đến Bình Nhưỡng, dự đám tang Kim Nhật Thành. Sau chuyến đi của Carter, Bình Nhưỡng và Washington đã ký thỏa thuận song phương tại Genève. Bắc Triều Tiên cam kết đình chỉ chương trình hạt nhân quân sự, chấp nhận giám sát quốc tế. Thỏa thuận bị đình chỉ thời tổng thống Bush con lên nắm quyền.

Đầu 2002, ông là lãnh đạo chính trị cao nhất đến Cuba kể từ cuộc cách mạng đầu 1960, nhằm thúc đẩy đối thoại với chế độ cộng sản La Habana. Việc Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Jimmy Carter năm 2002 được coi như một thông điệp nhằm lên án chính sách gây chiến của chính quyền Mỹ, thời tổng thống Bush con, đối với Irak. Vào thời điểm đó, Jimmy Carter khẳng định, nếu là dân biểu, ông sẽ bỏ phiếu chống việc tổng thống Bush con phát động chiến tranh.

Điều gì giúp cho một thỏa thuận hòa bình được thành công? Cuốn sách ‘‘Ce que les Nobel ont à nous dire’’ (Điều mà các giải Nobel nói với chúng ta), của hai tác giả Mathilde Aubinaud và Philippe Branche, đã dẫn lại một câu nói của Jimmy Carter (trích dẫn của Le Figaro): ‘‘một thỏa thuận (hòa bình) không thể bền vững trừ phi cả hai bên đều thắng’’ (nguyên văn ‘‘Unless both sides win, no agreement can be permanent’’). Điều đó có nghĩa là hành động vì lợi ích của người khác cũng là giúp cho lợi ích của chính mình.

Nỗ lực bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ

Gần đây, báo chí Việt Nam nhắc nhiều đến các nỗ lực thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - Việt, đã là ưu tiên của tổng thống Carter ngay khi ông lên cầm quyền. Mùa thu năm 1977, sau nhiều tháng nỗ lực của giới ngoại giao hai nước, khả năng thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và Hoa Kỳ có vẻ như trong tầm tay. Về cơ hội bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ bị lỡ thời Jimmy Carter, có nhiều cách giải thích khác nhau.

Một số người cho rằng cơ hội vẫn còn đến cuối năm 1978, tức là khi Việt Nam đã ngả hẳn sang Liên Xô, với việc ký kết một Hiệp ước hợp tác chiến lược toàn diện, để kháng cự lại các đe dọa từ Trung Quốc và Khmer Đỏ. Một số quan điểm khác cho rằng vấn đề chủ yếu nằm ở chỗ ngành ngoại giao Việt Nam đã không thuyết phục được ‘‘giới lãnh đạo cấp cao’’, mà trong đó, một bộ phận vẫn coi Mỹ là ‘‘kẻ thù chiến lược’’. Phương châm ‘‘hai bên cùng thắng’’ của Jimmy Carter rút cục đã không thể triển khai trong quan hệ Việt – Mỹ vào thời điểm đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.