Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - ĐỨC

Quốc phòng, năng lượng : Một năm chiến tranh Ukraina làm xáo trộn mô hình Đức

Cuộc chiến do Nga phát động tại Ukraina đã buộc Đức phải thay đổi chiến lược. Từ một nước chủ hòa, dè dặt cung cấp thiết bị quân sự trong thời gian đầu, chính quyền Berlin thông báo viện trợ cho Kiev nhiều vũ khí hạng nặng. Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/02/2023, thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, khi giao vũ khí cho Ukraina, « một nước lớn về vị thế và mạnh về kinh tế như Đức thì phải đảm nhận trách nhiệm trong những thời điểm như hiện nay ».

Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius (G) và đại sứ Ukraina tại Đức Oleksii Makeiev (T) thăm nơi huấn luyện binh sĩ Ukraina dùng xe tăng Leopard, căn cứ quân sự Bundeswehr của Đức ở Munster, ngày 20/02/2023.
Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Boris Pistorius (G) và đại sứ Ukraina tại Đức Oleksii Makeiev (T) thăm nơi huấn luyện binh sĩ Ukraina dùng xe tăng Leopard, căn cứ quân sự Bundeswehr của Đức ở Munster, ngày 20/02/2023. REUTERS - FABIAN BIMMER
Quảng cáo

Theo thông tín viên RFI Pascal Thibaut tại Berlin, chiến tranh Ukraina đã làm đảo lộn những trụ cột của mô hình Đức, buộc nước này khẩn cấp thay đổi triệt để, đôi khi là trong đau đớn :

« Xe tăng Đức ở Ukraina, cách đây vài tháng, người ta chỉ thấy trong các sách về lịch sử. Trong vòng vài tuần, chuyện này lại thành hiện thực. Đức, vẫn nổi tiếng tiết chế quân sự sau thảm kịch của « Đệ tam Đế chế », lần đầu tiên đã cung cấp vũ khí cho một khu vực xung đột, cho dù phải mất một thời gian để làm việc này.

Bị cắt giảm kinh phí từ lâu, bộ Quốc Phòng Đức đã được cấp một ngân sách đặc biệt 100 tỉ euro. Tân bộ trưởng Quốc Phòng muốn có thêm ngân sách bổ sung và tuân thủ những cam kết chi tiêu quân sự đối với tổ chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương - NATO. Cuộc cách mạng này gây ra hàng loạt tranh luận và không được một bộ phận người dân Đức, vẫn ủng hộ mạnh mẽ tư tưởng chủ hòa.

Điểm thay đổi thứ hai là lĩnh vực năng lượng. Sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt của Nga đã bị ngừng một cách quá đột ngột. Việc khẩn cấp trước mắt là phải tìm các nguồn thay thế tốn kém, bắt đầu từ khí hóa lỏng. Chính quyền, cũng như các hộ gia đình, phải trả hóa đơn đắt hơn. Các doanh nghiệp cũng chịu tình trạng tương tự. Mô hình Đức, dựa trên các ngành công nghiệp xuất khẩu, bị tác động. Do ngốn quá nhiều năng lượng, ngành hóa chất và công nghiệp luyện kim đối mặt với tình trạng bùng nổ chi phí và gây nghi ngờ về tương lai của ngành tại Đức, cũng như ở những nơi khác ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.