Vào nội dung chính
HỘI ĐỒNG BẢO AN LHQ - NGA

Chiến tranh Ukraina là tâm điểm trong khóa họp tại Hội Đồng Nhân Quyền LHQ

Kể từ hôm nay,  thứ Hai 27/02/2023, và kéo dài trong 6 tuần lễ, Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc họp lại tại Genève (Thụy Sĩ) để xem xét tình trạng nhân quyền tại nhiều nước trên thế giới, từ Iran, Ethiopia, cho đến Haiti, Nicaragua… 

Phòng họp của Hội đồng Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc, Genève, Thụy Sỹ, ngày 27/02/2023.
Phòng họp của Hội đồng Nhân Quyền tại Liên Hiệp Quốc, Genève, Thụy Sỹ, ngày 27/02/2023. REUTERS - DENIS BALIBOUSE
Quảng cáo

Tranh cãi giữa các thành viên Hội Đồng chắc chắn sẽ bùng lên gay gắt, đặc biệt trên cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina do Nga khởi động từ hơn một năm nay, với đỉnh điểm là việc công bố một cuộc điều tra về các tội ác chiến tranh xẩy ra ở nước này.

Theo hãng tin Pháp AFP, gần 150 lãnh đạo cấp cao, trong đó có cả những người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Iran và Ukraina, sẽ lần lượt phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền từ hôm nay thứ Hai cho đến thứ Năm. Đây là một kỷ lục.

Riêng đại diện Nga là thứ trưởng Ngoại Giao Sergei Ryabkov sẽ tham dự vào thứ Năm. Bất chấp những lời kêu gọi từ các tổ chức phi chính phủ, năm nay không chắc là các nhà ngoại giao phương Tây sẽ rời bỏ hội trường vào lúc ông phát biểu như đã từng làm vào năm ngoái khi ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu qua cầu truyền hình.

Ngay từ phiên khai mạc hôm nay, các phát biểu của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và cao ủy nhân quyền Volker Türk rất được chờ đợi sau khi đaị đa số quốc gia vào tuần trước đã thông qua nghị quyết của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga rút quân "ngay lập tức" khỏi Ukraina.

Căng thẳng cũng sẽ tăng cao vào cuối khóa họp khi Hội Đồng Nhân Quyền bỏ phiếu về việc tiếp tục công việc của các nhà điều tra về Ukraina, những người này, vào ngày 20 tháng 3, sẽ trình bày báo cáo bằng văn bản đầu tiên của họ về tội ác chiến tranh tại Ukraina.

Đại sứ Ukraina Yevheniia Filipenko yêu cầu "củng cố" thêm nghị quyết xác định nhiệm vụ của các nhà điều tra, nhưng không chắc văn bản chung cuộc sẽ đáp ứng ý muốn này vì Kiev và các đồng minh phương Tây sẽ phải thuyết phục một số thành viên không muốn chỉ trích Nga.

Việc gia hạn nhiệm vụ của Báo Cáo Viên về tình hình nhân quyền ở Nga cũng sẽ là chủ đề của các cuộc thảo luận gay gắt.

Theo AFP, chưa bao giờ một khóa họp của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc lại kéo dài như vậy. Đối với nhiều quốc gia, đó là một dấu hiệu chứng tỏ tầm quan trọng định chế này vào thời điểm kỷ niệm 75 năm bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ngược lại, theo một số nước thiếu tôn trọng nhân quyền và đang đòi chấm dứt nhiệm vụ của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, khóa họp kéo dài này là kết quả của việc Liên Hiệp Quốc can thiệp quá nhiều vào công việc nội bộ của các quốc gia.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.