Vào nội dung chính
SYRIA - BACHAR AL ASSAD

Tổng thống Syria hóa giải thế cô lập từ thảm họa động đất

Trận động đất tang thương ngày 06/02/2023 khiến gần 6.000 người thiệt mạng tại Syria, chủ yếu ở những vùng do các lực lượng nổi dậy kiểm soát, lại trở thành cơ hội trời cho để tổng thống Bachar Al Assad tái xuất trên chính trường. Bị cô lập từ hơn 10 năm nay vì trấn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ dẫn đến một cuộc nội chiến chưa chấm dứt, nhà lãnh đạo độc tài đã nhận được nhiều lời chia buồn từ cộng đồng quốc tế.

Tổng thống Syria Bachar Al Assad được quốc vương Oman Haitham bin Tariq tiếp đón tại thủ đô Mascat, Oman, ngày 20/02/2023.
Tổng thống Syria Bachar Al Assad được quốc vương Oman Haitham bin Tariq tiếp đón tại thủ đô Mascat, Oman, ngày 20/02/2023. AP
Quảng cáo

Lãnh đạo ngoại giao nhiều nước Ả Rập láng giềng đến Damas thể hiện đoàn kết. Hai chuyến thăm gần đây nhất là của ngoại trưởng Ai Cập Sameh Chukri đến Damas hôm 27/02 và tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đến các vùng do quân nổi dậy chiếm đóng ở tây bắc Syria hôm 01/03, sau khi đến thăm thành phố bị nạn Aleppo (do quân chính phủ Syria kiểm soát) hôm 11/02 và gặp tổng thống Bachar Al Assad ở Damas. 

Từ gần một tháng nay, có thể thấy rõ tổng thống Syria ráo riết tranh thủ thương cảm của thế giới sau trận động đất để thoát khỏi thế cô lập ngoại giao. Ông Assad đã nhanh chóng kêu gọi phương Tây dỡ bỏ cấm vận, mà ông cáo buộc là gây cản trở cho hoạt động cứu trợ nhân đạo. Nhật báo Al-Watan thân chính phủ, được tờ Courrier International trích dẫn hôm 08/02, nhấn mạnh : « Thảm kịch đoàn kết chúng ta ; các biện pháp trừng phạt giết hại chúng ta »

Tổng thống Syria như được hồi sinh trên chính trường quốc tế, « cứ như 12 năm chiến tranh vừa qua chưa từng tồn tại »« cứ như hơn 500.000 người chết trong thập niên đen tối đã bốc hơi hết », theo nhận định của trang L’Orient-Le Jour ngày 26/02. Tuy nhiên, một số người Syria tị nạn lo ngại rằng thế giới bỗng quên đi những tội ác trước đây của ông Assad và công nhận tư cách của tổng thống Syria, như Charles Malek, hiện sống ở châu Âu, bày tỏ lo lắng với RFI : 

« Dĩ nhiên tôi ủng hộ mặt nhân đạo nhưng tôi phản đối mở rộng sang lĩnh vực chính trị. Đúng là phải trao đổi với ông Assad, nhưng xin chú ý đến việc là nếu con người đó (tổng thống Assad) tiếp tục bỏ tù, để ngăn những người như tôi trở lại Syria, để giết những người không nằm dưới quyền kiểm soát của ông ta, xin đừng trao cho ông ta thêm tính hợp pháp quốc tế. Họ phải nghĩ đến việc đó. 

Đúng, người ta biết là kể từ giờ ông Assad sẽ không bị lật đổ, và một nhà độc tài đã thắng. Chúng ta không thể tự dối nhau là giờ chúng ta phải ăn tối với tên xã hội đen này. Nhưng tôi không muốn Bachar Al-Assad nói kiểu : « Tôi đã buộc được tất cả các nước Ả Rập, rồi các nước châu Âu, rồi Hoa Kỳ, phải lắng nghe những gì tôi nói. Tôi đã thắng cuộc chiến và tôi thắng cả các nguyên tắc ». Một nhà độc tài đang cho mọi người một bài học »

Dựa vào thế « nạn nhân » động đất để hóa giải cô lập ngoại giao 

Syria bị tạm đình chỉ quy chế thành viên trong Liên Đoàn Ả Rập từ năm 2011 sau khi chính quyền của tổng thống Bachar Al Assad đàn áp phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Cuộc nội chiến bước sang năm thứ 12 khiến phần lớn cơ sở hạ tầng y tế của Syria bị hư hỏng, đặc biệt là ở những vùng do quân nổi dậy kiểm soát. Theo AFP, hơn 4 triệu người (tương đương khoảng 1/4 dân số cả nước) hiện sống tại những khu vực nổi dậy ở miền bắc Syria, trong đó khoảng một nửa là di dân trong nước và gần 90% trong số này phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo. 

Thực ra, một số nước Ả Rập trong vùng không chờ đến trận động đất tang thương để xích lại gần với chế độ của tổng thống Bachar Al Assad. Vương quốc Oman là một trong những nước triệu hồi đại sứ về nước năm 2012, chỉ một năm sau khi các cuộc trấn áp phong trào Mùa Xuân Ả Rập. Nhưng 8 năm sau, Oman bổ nhiệm lại đại sứ tại Syria và luôn duy trì quan hệ với Damas, khác với nhiều nước láng giềng vùng Vịnh. Trong lần xuất ngoại hiếm hoi từ cuộc cách mạng năm 2011, tổng thống Syria chọn Oman. Ngày 20/02/2023, ông đã được trải thảm đỏ tiếp đón trọng thể theo nghi lễ cấp Nhà nước và được người đứng đầu vương quốc Oman khẳng định « sự ủng hộ liên tục của Oman với những người anh em Syria »

Trước đó, năm 2022, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã tiếp tổng thống Bachar Al Assad. Đại sứ quán của nước này được mở tại Damas ngay năm 2018. Tại sao Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vẫn duy trì quan hệ với chế độ Damas ? Nhà nghiên cứu Thomas Pierret, chuyên gia về Syria, giải thích : 

« Ngay từ năm 2011, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã dẫn đầu cuộc phản cách mạng trong thế giới Ả Rập. Đó là một chế độ luôn bị các phong trào cách mạng làm cho khiếp sợ từ năm 2011 đến 2019. Chế độ đó cũng làm mọi cách để chống lại những phong trào cách mạng và cho rằng kết nạp Assad vào hoạt động của các nước Ả Rập giống như là đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của phong trào cách mạng thập niên 2010 »

Bình thường hóa với Syria để giải quyết vấn đề di dân 

Thảm họa động đất lại tạo cho « Assad và các đối tác của ông ở trong vùng một cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ song phương và cổ vũ cam kết với chính phủ Damas », theo nhận định của nhà nghiên cứu Aron Lund, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI) và Quỹ Century. Nhận định này là chính xác đối với trường hợp Ai Cập và Jordani. 

Lần đầu tiên trong suốt nhiều năm, tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sissi, rồi quốc vương Jordani Abdallah II gọi điện cho tổng thống Syria để chia buồn và hứa « hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp ». Dù Ai Cập và Syria chưa bao giờ cắt đứt quan hệ bất chấp cuộc xung đột ở Syria, nhưng cuộc điện đàm với tổng thống Al-Siss cũng giúp phủ tổng thống Syria tuyên truyền rằng lập trường của Cairo « thể hiện cho mối quan hệ huynh đệ giữa hai nước và hai dân tộc anh em »

Cũng lần đầu tiên trong suốt hơn 10 năm, ngoại trưởng Ai Cập và Jordani lại lần lượt đến Damas để thể hiện tình đoàn kết với Syria. Năm 2021, Jordani và Syria đã mở cửa trở lại đồn biên phòng Jaber-Nassib, nối lại đối thoại, đặc biệt liên quan đến quản lý làn sóng nhập cư trong bối cảnh Jordani đã tiếp nhận hơn 650.000 tị nạn Syria. 

Ai Cập, Jordani, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, cùng với  Algérie, nằm trong nhóm các nước ủng hộ Syria trở lại Liên Đoàn Ả Rập. Ngược lại với Qatar, Maroc và Koweit phản đối hoặc lưỡng lự. Bước ngoặt ngoại giao đối với chế độ Damas còn phụ thuộc vào lập trường của Ả Rập Xê Út. Ngay năm 2012, Riyad cắt đứt ngoại giao với chính quyền Damas, công khai ủng hộ lật đổ tổng thống Bachar Al Assad và ủng hộ các lực lượng nổi dậy. 

Nhưng lập trường của Riyad đã thay đổi. Tại Hội nghị An ninh Munich ngày 18/02, ngoại trưởng Ả Rập Xê Út cho rằng « trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh đang có sự đồng thuận về việc nguyên trạng không còn khả thi ». Vài tuần sau, ông nói thêm : « Đến lúc nào đó sẽ phải đối thoại với chính phủ Damas để chí ít đạt được các mục tiêu quan trọng nhất, đặc biệt là về mặt nhân đạo và hồi hương người tị nạn ». Lập trường của Riyad có thể làm thay đổi cán cân, nhất là năm 2023, thượng đỉnh của Liên Đoàn Ả Rập được tổ chức tại Ả Rập Xê Út. 

Không chỉ muốn tổng thống Bachar Al Assad được công nhận trong khu vực, dường như Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Jordani đã đề nghị một số nước phương Tây nối lại bang giao với Damas. Nhiều nước châu Âu như Hy Lạp, Ý, Hungary hay CH Séc không có thái độ cứng rắn đối với Syria như Pháp. Ông Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp tại Syria hiện là cố vấn đặc biệt tại Viện Montaigne, không tin là Pháp thay đổi lập trường về chế độ Bachar Al Assad : 

« Pháp có lẽ chẳng được lợi gì đặc biệt nếu bình thường hóa quan hệ với Assad. Việc đó sẽ không mang thêm đòn bẩy nào cho Paris. Hai lần, Pháp chìa bàn tay với Assad, dưới thời Chirac và Sarkozy thì cả hai lần đều bị Assad cắn vào tay. Vì thế, thêm lần thứ ba, tôi nghĩ là các nhà lãnh đạo Pháp sẽ do dự. Có lẽ phải thực sự có những lợi íchh cụ thể để trao đổi, còn hiện tại, chúng tôi chưa thấy bất kỳ điều gì ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.