Vào nội dung chính
THỤY SĨ - NGÂN HÀNG

Credit Suisse: Thụy Sĩ tạm dập tắt nguy cơ khủng hoảng ngân hàng

Viễn cảnh Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn của thế giới, thiếu hụt thanh khoản tạm thời được xua tan. Cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sĩ này trong phiên giao dịch hôm nay, 16/03/2023, đã tăng mạnh trở lại sau khi sụt giảm 24 %, do Ngân Hàng Trung Ương Thụy Sĩ thông báo sẵn sàng dành 50 tỷ franc để cứu Credit Suisse.

Ảnh minh họa:  Trước trụ sở chính ngân hàng Crédit Suisse, tại Bern, Thụy Sĩ, ngày 29/11/2022.
Ảnh minh họa: Trước trụ sở chính ngân hàng Crédit Suisse, tại Bern, Thụy Sĩ, ngày 29/11/2022. REUTERS - ARND WIEGMANN
Quảng cáo

Vào giờ mở cửa sáng nay, các sàn chứng khoán tại Paris, Luân Đôn hay Frankfurt khởi sắc trở lại sau thông báo Credit Suisse cầu viện Ngân Hàng Trung Ương Thụy Sĩ để được vay 50 tỷ franc (50,7 tỷ euro) tiền mặt. Nhưng Châu Á thì chưa hẳn yên tâm, chỉ số của các thị trường từ Tokyo đến Seoul, Hồng Kông và Thượng Hải hôm nay đã mất giá trong khoảng trên dưới 1 %.

Hôm qua, sau khi bị cổ đông chính là Ngân Hàng Quốc Gia Ả Rập Xê Út từ chối cấp thêm vốn, cổ phiếu của Credit Suisse đã mất giá 24 %. Đây là mức sụt giảm tệ hại nhất từ khi ngân hàng này tham gia các sàn chứng khoán. Giới trong ngành lo ngại Credit Suisse là nạn nhân từ vụ ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank SVB phá sản tuần trước và đây là bước khởi đầu của một cuộc khủng hoảng toàn cầu như hồi 2008.

Từ Genève, thông tín viên RFI Jérémie Lanche giải thích lí do Thụy Sĩ đã phải vội vã can thiệp : 

Khủng hoảng bắt nguồn từ việc Ngân Hàng Quốc Gia Ả Rập Xê Út, cổ đông chính, từ chối tăng vốn cho ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse. Đối với thị trường, đây là tín hiệu cho thấy định chế tài chính này mất tín nhiệm. Ngay sau tuyên bố nói trên, cổ phiếu Credit Suisse sụt giá mạnh trên thị trường chứng khoán. Được kêu gọi để cầu viện, Ngân Hàng Trung Ương Thụy Sĩ tuyên bố sẵn sàng cấp tiền mặt cho Credit Suisse trong trường hợp cần thiết.

Đây là cách để trấn an những người ký gởi tiền tiết kiệm và các đối tác của Thụy Sĩ, đang lo ngại khủng hoảng lan rộng do hiệu ứng đô-mi-nô từ sau vụ ngân hàng Silicon Valley Bank ở Mỹ phá sản. Các giới chức tài chính Thụy Sĩ khẳng định là không có nguy cơ khủng hoảng lây lan. 

Không còn là một ngân hàng lớn của Thụy Sĩ như vào đầu những năm 2000, nhưng với hơn 500 tỷ đô la vốn, Credit Suisse vẫn có ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế toàn cầu.

Thực ra ngân hàng này đang trả giá đắt cho việc quản lý kém cỏi trong những năm gần đây. Bị phạt nặng về những vụ trốn thuế. Credit Suisse còn bị cáo buộc rửa tiền và đầu tư bất cẩn. Trước khi khủng hoảng lần này bùng ra, ngân hàng đã biết trước là trong năm nay sẽ lại phải đối mặt với mức thua lỗ nặng nề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.