Vào nội dung chính
ANH - ĐỨC

Đức tăng cường an ninh đón quốc vương Anh Charles III

Quốc vương Anh, Charles III công du Đức ngày 29/03/2023 cùng với hoàng hậu Camilla. Đức trở thành quốc gia đầu tiên tiếp đón nhà vua Anh sau khi chuyến công du Paris bị hủy vì những căng thẳng phản đối cải cách hưu trí tại Pháp. Berlin tăng cường an ninh.

Đức là chuyến xuất ngoại đầu tiên của quốc vương Anh, Charles đệ tam và hoàng hậu Camillia. Ảnh minh họa chụp ngày 20/01/2023 tại thành phố Bolton.
Đức là chuyến xuất ngoại đầu tiên của quốc vương Anh, Charles đệ tam và hoàng hậu Camillia. Ảnh minh họa chụp ngày 20/01/2023 tại thành phố Bolton. REUTERS - ED SYKES
Quảng cáo

Theo AFP, tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeir và phu nhân sẽ tiếp đón nhà vua và hoàng hậu Vương quốc Anh vào khoảng 15 giờ. Khu vực Quốc Hội liên bang và quanh Cổng Brandeburg ở Berlin được trang hoàng cờ Anh. Nhiều trục đường lớn ở trung tâm thủ đô bị cấm lưu thông. Khoảng 1.100 cảnh sát cơ động, cùng với lực lượng tăng cường được điều từ nhiều vùng khác tới và 20 con chó đánh hơi chất nổ, được bố trí bảo đảm an ninh cho phái đoàn Anh.

Theo tổng thống Đức, chuyến công du của vua Charles III là « một cử chỉ mang biểu tượng châu Âu quan trọng ». Vua Charles III và hoàng hậu Camilla đã bày tỏ mong muốn « phát biểu trực tiếp với người dân Berlin ». Sau lễ tiếp đón, vua Charles III sẽ đến phủ tổng thống, tham dự tiệc chiêu đãi ca ngợi « mối quan hệ chặt chẽ và hữu nghị » giữa hai nước.

Theo lịch trình thứ Năm 30/03, vua Charles III sẽ gặp thủ tướng Olaf Scholz, sau đó đi thăm một khu chợ với đô trưởng Berlin, phát biểu ở Hạ Viện và gặp một số người tị nạn Ukraina. Nhà vua và hoàng hậu Anh kết thúc chuyến công tại thành phố cảng Hamburg vào thứ Sáu. Vua Charles III đã đến Đức hơn 40 lần khi còn là thái tử.

Chuyến công du Đức cấp Nhà nước gần đây nhất là của nữ hoàng Elizabeth II vào năm 2015, dưới thời thủ tướng Angela Merkel, và được người dân Đức chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, chuyến thăm ấn tượng nhất của nữ hoàng là vào năm 1965 khi Berlin còn bị bức tường cắt làm đôi. Lúc đó, nữ hoàng được coi là người đánh dấu hòa giải giữa hai nước sau khi Thế Chiến II kết thúc.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.