Vào nội dung chính
CHÍNH TRỊ - BULGARIE

Bulgarie bầu Quốc Hội trước thời hạn lần thứ 5 trong vòng 2 năm

Vào hôm nay, 02/04/2023, cử tri Bulgarie một lần nữa lại được mời đến phòng phiếu để bầu một Quốc Hội mới. Đây là lần thứ năm trong vòng hai năm : một kỷ lục ở Liên Hiệp Châu Âu. Sự kiện Nghị Viện Bulgarie phải bầu đi bầu lại phản ánh cuộc khủng hoảng trầm trọng tại quốc gia Đông Âu này.

Bulgarie bầu Quốc Hội : Một người đàn ông đạp xe dưới áp phích tranh cử, có nội dung "Chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi" và "Bulgarie dân chủ" ở Sofia, Bulgarie, ngày 30/03/2023.
Bulgarie bầu Quốc Hội : Một người đàn ông đạp xe dưới áp phích tranh cử, có nội dung "Chúng ta sẽ tiếp tục thay đổi" và "Bulgarie dân chủ" ở Sofia, Bulgarie, ngày 30/03/2023. REUTERS - SPASIYANA SERGIEVA
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, khác xa những hy vọng nảy sinh từ làn sóng biểu tình chống tham nhũng vào mùa hè năm 2020, quốc gia 6,5 ​​triệu dân thuộc diện nghèo nhất Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chính trị gây nhiều tác hại. Kể từ khi chính quyền của cựu thủ tướng đảng bảo thủ Boïko Borissov sụp đổ sau một thập kỷ cầm quyền, các đảng khác nhau đã không thể xây dựng một liên minh vững chắc khiến cho các chính phủ bị lật đổ liên tục.

Khủng hoảng thêm nghiêm trọng với cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraina tại một đất nước rất gần gũi về mặt lịch sử và văn hóa với Nga, vào lúc mà quan điểm chung của Liên Âu là ủng hộ Kiev.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, hai thế lực chính trị chính đang trong thế ngang ngửa, với từ 25 đến 26% cử tri có ý định bầu cho mỗi bên. Hai đảng chính là đảng Gerb bảo thủ của ông Borissov, 63 tuổi, và phong trào cải cách thân phương Tây của Kiril Petkov, một doanh nhân 42 tuổi, người đã cầm quyền trong thời gian ngắn vào năm 2022. Tình trạng này lại dự báo cho nguy cơ Bulgarie lại sẽ không có được một liên minh ổn định để cầm quyền. Cử tri có thể sẽ lại phải bầu một Quốc Hội mới.

Cực hữu có thể thắng thế tại Phần Lan

Tại Phần Lan, một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, vào hôm nay cũng diễn ra cuộc bầu lại Nghị Viện. Theo giới quan sát, vấn đề cần theo dõi tại quốc gia Bắc Âu có 5,5 triệu dân này là mức độ vươn lên của phe cực hữu.

Theo AFP, đảng Dân Chủ Xã Hội cánh tả, của thủ tướng sắp mãn nhiệm, bà Sanna Marin, có nguy cơ bị cánh hữu, thậm chí cánh cực hữu chống nhập cư đánh bại.

Một trận chiến tay ba với kết quả dự báo sẽ rất sít xao. Ba đối thủ là bà Marin, đảng Dân Chủ Xã Hội, ông Petteri Orpo lãnh đạo Liên Minh Quốc Gia, được xếp vào phe trung hữu, và lãnh đạo đảng cực hữu Riikka Purra, được cho là đang nhắm tới một chiến thắng chưa từng thấy với một tỷ lệ kỷ lục.

Theo các nhà quan sát, Phần Lan rất có thể sẽ đi theo xu hướng ghi nhận được tại Thụy Điển và tại Ý, nơi các đảng cực hữu đã vươn lên mạnh mẽ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.