Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGA - TÀI LIỆU MẬT

Rò rỉ tài liệu mật của Mỹ: Nga nêu khả năng Washington tung tin giả

Hôm qua, 13/04/2023, lần đầu tiên chính quyền Nga lên tiếng về vụ rò rỉ các tin quân sự mật liên quan đến chiến tranh Ukraina. Matxcơva nêu khả năng một chiến dịch tung tin giả từ phía Washington.

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov dự một cuộc họp của Quốc Hội Liên Bang Nga tại Matxcơva, Nga, ngày 12/04/2023.
Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergei Ryabkov dự một cuộc họp của Quốc Hội Liên Bang Nga tại Matxcơva, Nga, ngày 12/04/2023. AP
Quảng cáo

AFP dẫn lời thứ trưởng Ngoại Giao Nga Sergueï Riabkov, được đăng tải trên báo chí Nga, khẳng định Nga chưa có quan điểm chính thức về vấn đề này, nhưng theo ông, đây có thể là một vụ tung tin giả. 

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga giải thích: ‘‘Do Hoa Kỳ là một bên trong cuộc xung đột (tại Ukraina), và trên thực tế Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh lưỡng hợp chống lại chúng ta, những thủ đoạn như vậy có thể được sử dụng để đánh lừa đối phương, cụ thể là Liên Bang Nga’’. Về phần phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov, trong một cuộc họp báo hôm qua, ông có  phản ứng dè dặt hơn, cho biết hiện giờ Matxcơva ‘‘chưa xác định được tính xác thực của các tài liệu này’’.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW ở Washington, trong bản tin ngày 07/04, đã ghi nhận thái độ lo ngại trong giới blogger Nga chuyên về quân sự, có lập trường cổ vũ chiến tranh chống Ukraina. Một số blogger nổi tiếng trong giới này khẳng định các tài liệu ‘‘rò rỉ’’ là giả mạo, được đưa ra với mục tiêu đánh lừa quân đội Nga, trước cuộc phản công lớn dự kiến của Ukraina. 

Paris bác thông tin về quân Pháp tham chiến tại Ukraina

Cũng liên quan đến vụ tin quân sự mật của Mỹ rò rỉ, hôm qua bộ Quân Lực Pháp khẳng định với AFP là không có việc các lực lượng đặc nhiệm Pháp hoạt động tại Ukraina. Bộ Quân Lực Pháp nhấn mạnh : ‘‘Các tài liệu được dẫn không xuất xứ từ Quân đội Pháp, và cần phải xem xét cẩn trọng’’, ‘‘chúng tôi không phát biểu về các tài liệu không rõ ràng về nguồn gốc và không đủ độ xác thực’’. 

Tối thứ Ba, 11/04, trên Twitter, một người phát ngôn của bộ Quốc Phòng Anh cũng có phản ứng tương tự như Pháp. Theo đại diện bộ Quốc Phòng Anh, ‘‘các thông tin được coi là tin mật bị rò rỉ có mức độ không chính xác rất cao’’. Bộ Quốc Phòng Anh cũng nói đến nguy cơ tiếp tay cho nạn lan truyền tin giả, tin bóp méo. Trước đó, một số phương tiện truyền thông Anh, như BBC và The Guardian, dẫn một tài liệu, ghi ngày 23/03, nêu khả năng khoảng 50 lính đặc nhiệm Anh được triển khai tại Ukraina cùng với các đồng nghiệp phương Tây khác, trong đó có binh sĩ Pháp. Hôm 10/04, chính một phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Mỹ, Chris Meagher, cũng cùng lúc nhấn mạnh đến hai nguy cơ của vụ ‘‘rò rỉ tin mật’’, thứ nhất là "ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh quốc gia", và thứ hai là ‘‘tiếp tay cho nạn tin giả’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.