Vào nội dung chính
HOA KỲ - HÀN QUỐC - TRUNG QUỐC

Đối phó với Trung Quốc: Trọng tâm không được công bố của Thượng Đỉnh Mỹ-Hàn

Dù không hề được loan báo công khai, một trong những trọng tâm của thượng đỉnh Mỹ-Hàn ngày 26/04/2023, đặc biệt về phía Mỹ, là làm sao siết chặt liên minh Seoul-Washington để đối phó với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Ảnh minh họa: Trẻ em cầm cờ Mỹ và Hàn Quốc tham dự lễ đón tiếp Tổng Thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ở Nhà Trắng (Washington D.C., Hoa Kỳ) ngày 26/04/2023.
Ảnh minh họa: Trẻ em cầm cờ Mỹ và Hàn Quốc tham dự lễ đón tiếp Tổng Thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ở Nhà Trắng (Washington D.C., Hoa Kỳ) ngày 26/04/2023. AP - Andrew Harnik
Quảng cáo

Nhân chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của một tổng thống Hàn Quốc kể từ năm 2011 đến nay, ông Yoon Suk Yeol sẽ được tổng thống Mỹ Joe Biden long trọng tiếp đón tại Nhà Trắng vào hôm nay 26/04/2023. Chương trình nghị sự của thượng đỉnh Mỹ-Hàn ngay sau đó được dự kiến là rất dày đặc, và những tuyên bố chính thức từ cả hai bên đều nhấn mạnh đến nhu cầu đối phó với mối đe dọa Bắc Triều Tiên, bên cạnh vấn đề tăng cường quan hệ song phương về mọi mặt.

Giới quan sát tuy nhiên đều thấy rằng, dù không hề được loan báo công khai, một trong những trọng tâm của thượng đỉnh Mỹ-Hàn lần này – nhất là về phía Mỹ - là làm sao siết chặt liên minh Washington-Seoul để đối phó với thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Trong bài phân tích ngày 24/04 vừa qua về các điểm mấu chốt trong chương trình nghị sự cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Hàn vào hôm nay, hãng tin Anh Reuters đã nêu bật 4 hồ sơ trong đó có hai hồ sơ liên quan đến Trung Quốc: Tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan và vai trò quan trọng của Hàn Quốc trong tranh chấp Mỹ-Trung về công nghệ cao cấp.

Trên cả hai hồ sơ này, tổng thống Mỹ cần phải tìm mọi cách thuyết phục được đồng minh ngả về phía mình trong lúc tổng thống Hàn Quốc phải cẩn thận cân nhắc để khỏi mích lòng Trung Quốc.

Hàn Quốc dứt khoát theo Mỹ trên vấn đề Đài Loan?

Ngay từ trước ngày tổng thống Hàn Quốc lên đường công du Hoa Kỳ, vấn đề Đài Loan đã nổi cộm trong quan hệ Seoul-Bắc Kinh với một tuyên bố “thẳng thừng” của ông Yoon về tình hình căng thẳng tại vùng eo biển Đài Loan.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 18/04 dành cho Reuters, tổng thống Hàn Quốc không ngần ngại nhận định rằng vấn đề Đài Loan không chỉ là một vấn đề riêng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc mà mang tính chất toàn cầu và ông phản đối bất kỳ hành động thay đổi hiện trạng nào bằng vũ lực.

Tuyên bố của tổng thống Hàn Quốc đã lập tức bị Trung Quốc cực lực phản đối. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Hàn Quốc tại Bắc Kinh lên để bày tỏ thái độ hết sức bất bình trước những lời lẽ “sai lầm” và “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Hoàn Cầu Thời Báo, tiếng nói của phe diều hâu tại Bắc Kinh đã đánh giá rằng tuyên bố về Đài Loan của tổng thống Hàn Quốc là điều "tồi tệ nhất" kể từ khi Trung Quốc và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992.

Trong một phân tích đăng trên trang mạng The Conversation ngày 25/04, giáo sư Triều Tiên học Lee Sung Yoon thuộc Đại Học Tufts ở Hoa Kỳ, cho rằng nội dung phát biểu về Đài Loan của tổng thống Yoon không có gì mới, chỉ lặp lại những gì mà ông cùng với tổng thống Biden đã tuyên bố tại thượng đỉnh đầu tiên của hai người ở Seoul vào tháng 5 năm 2022 về tầm quan trọng của việc giữ gìn “hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan như một yếu tố thiết yếu đối với an ninh và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”.

Thế nhưng, theo giáo sư Lee, phát biểu được lập lại này cho thấy khả năng lãnh đạo Hàn Quốc ngả thêm về phía Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh từ ngày lên nhậm chức, ông Yoon đã có nhiều cố gắng cải thiện bang giao với Nhật Bản mà dấu hiệu rõ nhất là cuộc gặp song phương đầu tiên sau 12 năm giữa hai lãnh đạo Nhật-Hàn tháng Ba vừa qua.

Triển vọng thân thiện hơn giữa Tokyo và Seoul – cả hai đều là nền dân chủ – rất thuận lợi cho kế hoạch của Washington nhằm hình thành gần như là một liên minh ba bên chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và các chế độ chuyên chế trong khu vực.

Vai trò Hàn Quốc trong tranh chấp công nghệ Mỹ-Trung

Ngoài Đài Loan, vấn đề căng thẳng Mỹ-Trung trong lãnh vực công nghệ cao cấp cũng chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của thượng đỉnh Biden-Yoon hôm nay với việc Washington được cho là sẽ gia tăng sức ép để lôi kéo Seoul về phía mình.

Theo giáo sư Lee Sung Yoon, tổng thống Mỹ hy vọng cô lập được Trung Quốc nhiều hơn nữa thông qua các biện pháp kinh tế, trong đó Hàn Quốc có thể đóng một vai trò quan trọng.

Lãnh vực tiêu biểu là ngành sản xuất các linh kiện bán dẫn, với việc các nhà sản xuất vi mạch hàng đầu của Hàn Quốc, bao gồm Samsung và SK Hynix, đang phải đối mặt với áp lực từ Hoa Kỳ trong việc cắt giảm hoạt động kinh doanh sản phẩm bán dẫn của họ tại Trung Quốc.

Theo ghi nhận của Reuters, chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý cho Samsung và SK Hynix, hai nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới, được tiếp tục cung cấp chip cho các cơ sở sản xuất của họ ở Trung Quốc trong vòng một năm, cho đến tháng 10 năm nay. Sau thời điểm đó, chưa biết điều gì sẽ xảy ra.

Mặt khác, theo nhật báo Anh Financial Times ngày 23/04 vừa qua, Hoa Kỳ đã yêu cầu Hàn Quốc thúc giục các nhà sản xuất chip của họ là không được lấp đầy bất kỳ khoảng trống thị trường nào ở Trung Quốc nếu Bắc Kinh cấm nhà sản xuất chip bộ nhớ Micron Technology của Hoa Kỳ hoạt động.

Văn phòng của Yoon cho biết chuyến đi Mỹ của ông sẽ mang đến cơ hội tăng cường hợp tác trong chuỗi cung ứng công nghệ cao, và tổng thống Hàn Quốc sẽ tìm cách thúc đẩy đầu tư chung giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn để bù đắp cho tác hại từ việc giảm doanh số bán hàng sang thị trường Trung Quốc.

Seoul phải “đi dây” giữa Washington và Bắc Kinh

Nhìn chung, giới phân tích cho rằng Hàn Quốc vẫn sẽ phải tìm cách đi dây giữa Mỹ, đồng minh chính của họ và Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Theo ông Victor Cha, phó chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế, “Hàn Quốc có truyền thống rất ngại nói về Đài Loan và rất ngại can dự vào bất kỳ tranh chấp nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc…, không muốn bị kẹt giữa người bảo trợ an ninh chính và người bảo trợ kinh tế chính. Thế nhưng tình hình đang hoặc đã thay đổi”.

Trong tình hình đó, theo chuyên gia này, hai nhà lãnh đạo có khả năng thảo luận về Trung Quốc, nhưng khó có khả năng các nội dung được loan báo công khai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.