Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA

Phá hoại đường ống Nord Stream và tấn công điện Kremlin: Ukraina là thủ phạm?

Trong tuần qua, báo chí phương Tây liên tiếp tiết lộ các manh mối điều tra nêu bật khả năng Ukraina là bên chịu trách nhiệm về vụ drone tấn công điện Kremlin tại Matxcova hôm 04/05/2023, và trước đó là vụ đường ống dẫn khí đốt Nord Stream từ Nga qua Đức bị phá hoại hôm 26/09/2022. Một trong những giả thuyết gây lo ngại là các vụ tấn công do cơ quan mật vụ Ukraina tự ý tiến hành mà không cần thông báo cho tổng thống Zelensky.

Ảnh chụp màn hình từ video giám sát cho thấy một vật thể bay phát nổ trên nóc điện Kremlin ở Matxcơva ngày 03/05/2023.
Ảnh chụp màn hình từ video giám sát cho thấy một vật thể bay phát nổ trên nóc điện Kremlin ở Matxcơva ngày 03/05/2023. © Ostorozhno Novosti/Handout via REUTERS
Quảng cáo

Về vụ hai đường ống dẫn khí đốt dưới đáy biển Nord Stream nối liền Nga với Đức bị phá hoại, tuần báo Đức Der Spiegel ngày 26/05 cho biết: Các cuộc điều tra do Đức, Thụy Điển và Đan Mạch thực hiện, đã tìm thấy một số quan hệ giữa một chiếc tàu bị tình nghi đứng sau vụ phá hoại và một số công dân Ukraina. Tuy nhiên, chưa thể biết liệu chính quyền Kiev có can dự vào vụ này hay không.

Vào cuối tháng 9 năm ngoái, cả hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được xây dựng để vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu đã bị bốn vụ nổ dẫn đến rò rỉ. Cuộc điều tra đã nhanh chóng hướng tới giả thuyết theo đó vụ phá hoại là do một Nhà nước tiến hành, nhưng không xác định đó là nước nào.

Vụ Nord Stream: Nhiều manh mối dẫn đến Ukraina

Theo Der Spiegel, các cuộc điều tra của cảnh sát hiện đang tập trung vào một chiếc thuyền buồm du lịch mang tên Andromeda, đã bị khám soát cách nay vài tháng sau khi bị tình nghi là có thể đã được sử dụng để vận chuyển chất nổ dùng để phá hoại.

Siêu dữ liệu từ một email được gửi đi khi chiếc du thuyền được thuê đã dẫn đến Ukraina. Vào đầu tuần trước, nhiều phương tiện truyền thông khác của Đức, thành viên của một tập đoàn phóng viên quốc tế, đã xác định rằng bên đứng ra thuê chiếc du thuyền là một công ty Ba Lan, nhưng trong thực tế chủ nhân lại là người Ukraina, cư ngụ tại Kiev.

Theo báo Süddeutsche Zeitung, nhóm truyền thông RND và đài phát thanh WDR của Đức, các nhà điều tra cũng đang tìm hiểu về sự liên can của “giới quân sự Ukraina”.

Theo các cuộc điều tra đang diễn ra, chiếc du thuyền đã rời cảng Rostock ở miền bắc nước Đức vào ngày 6 tháng 9 với một nhóm sáu người trong đó có thợ lặn và cả một bác sĩ. Một trong những hành khách mang hộ chiếu Roumanie, nhưng thực ra là công dân Ukraina, trước đây “từng phục vụ trong một đơn vị bộ binh”.

Ngoài ra, giới điều tra cũng tìm thấy trên chiếc du thuyền dấu vết của một chất nổ mang tên octogen, “rất thông dụng ở cả phương Tây lẫn khối Đông Âu cũ”.

Theo Der Spiegel, tất cả những manh mối nêu trên “phù hợp với giả thuyết của một số cơ quan tình báo, theo đó thủ phạm gốc gác ở Ukraina”.

Chính quyền Ukraina dính líu vào vụ phá hoại?

Tuy nhiên, theo Der Spiegel, vẫn còn một câu hỏi chưa tìm ra đáp án: Vụ phá hoại là một hành động đến từ “một toán biệt kích không được kiểm soát hay từ các cơ quan mật vụ Ukraina”. Nói cách khác, một phần chính quyền Ukraina có biết gì về vụ này trước lúc xẩy ra hay không.

Theo tờ New York Times, thông tin mà tình báo Mỹ có được không cho phép “có kết luận chắc chắn” và để ngỏ "khả năng chiến dịch phá hoại do một lực lượng thứ ba bí mật tiến hành, và lực lượng này có quan hệ với chính phủ hoặc các cơ quan an ninh của Ukraina”.

Cho đến nay, chưa có bên nào nhận trách nhiệm về các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream, và chính quyền Kiev luôn luôn bác bỏ mọi liên can tới vụ phá hoại này.

Lãnh đạo cơ quan tình báo Đức BND ông Bruno Kahl hôm 22/05 đã dập tắt hy vọng nhanh chóng làm rõ ai là thủ phạm vụ phá hoại đường ống dẫn khí Nord Stream và "không một quốc gia, một cơ quan tình báo nào trên thế giới hiện có thể quy kết điều này cho bất kỳ ai cụ thể”. Tuy nhiên nhân vật này vẫn hy vọng: “Có thể điều này sẽ thay đổi, có một số thành công đáng chú ý trong cuộc điều tra”.

Dẫu sao thì phía Nga đã tỏ ra khó chịu vì thiếu kết quả điều tra. Đại sứ của ba nước tham gia cuộc điều tra đã bị triệu mời lên bộ Ngoại Giao Nga vào tuần trước để nghe lời “phản đối mạnh mẽ trước việc cuộc điều tra hoàn toàn không có kết quả”.

Matxcơva đã nhiều lần yêu cầu được tham gia vào cuộc điều tra, những đã bị từ chối. Cuối tháng tư vừa qua, báo chí Đan Mạch từng nêu lên sư kiện là một tàu hải quân Nga chuyên hoạt động dưới nước đã hiện diện gần địa điểm xảy ra vụ phá hoại ngay trước khi xảy ra vụ nổ.

Kiev “có thể” đã can dự vào vụ drone tấn công điện Kremlin

Nếu vai trò của chính quyền Ukraina trongvụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream còn trong vòng nghi vấn, thì sự liên can của Kiev vào vụ drone tấn công điện Kremlin vào đầu tháng 5 này ngày càng được xác định thêm.

Tờ New York Times ngày 24/05 đã dẫn lời các quan chức Mỹ cho rằng vụ tấn công vào điện Kremlin có khả năng là một chiến dịch của một đơn vị đặc nhiệm của quân đội hay của cơ quan tình báo Ukraina.

Theo tờ báo, tình báo Mỹ đã nghe lén thông tin liên lạc của Nga và Ukraina, và đã ghi nhận được việc quan chức Ukraina tin rằng đất nước của họ đứng sau vụ tấn công, trong khi thông tin liên lạc giữa các quan chức Nga cho thấy đó không phải là một hoạt động “giá họa”. Đối với tình báo Mỹ, cuộc tấn công rất có thể là một phần trong một loạt các hoạt động bí mật của tình báo Ukraina.

Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ bác bỏ khả năng chính tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã bật đèn xanh cho vụ tấn công, cho dù chưa thể biết là ông được báo trước đến đâu về vụ việc .

Ngay khi nổ ra vụ tấn công, Matxcơva cáo buộc Kiev tìm cách ám sát Vladimir Putin, trong lúc ông Zelensky thì cực lực bác bỏ mọi liên can của Ukraina vào vụ tấn công.

Vụ tấn công điện Kremlin: Zelensky bị “qua mặt”?

Nếu quả thực như tình báo Mỹ nhận định là mật vụ Ukraina đã lên chiến dịch tấn công điện Kremlin mà không báo cho tổng thống Ukraina biết, thì đối với nhiều nhà quan sát, đây là một vấn đề đáng lo ngại.

Một tờ báo địa phương lớn của Pháp, tờ Midi Libre hôm 26/05 không ngần ngại tự hỏi là phải chăng tổng thống Zelensky đã bị các cơ quan tình báo của Ukraina “phản bội”.

Theo tờ báo, các tiết lộ mới đây của truyền thông Mỹ cho thấy rõ là Ukraina đứng đằng sau vụ drone đánh vào điện Kremlin, cụ thể là các cơ quan mật vụ của Kiev, nhưng tổng thống Zelensky lại không hề hay biết.

Để giải thích nghịch lý này, các chuyên gia được báo chí Mỹ tham khảo, một trong những lý do có thể là giới tình báo muốn bảo vệ ông Zelensky bằng cách không báo cáo vụ việc để cho ông có thể dễ dàng phủ nhận và do đó tránh làm cho xung đột leo thang thêm.

Một giả thuyết khác được đưa ra là tổng thống Ukraina có thể đã bị các cơ quan mật vụ của ông “phản bội”. Một số nhà quan sát cho rằng tướng Kyrylo Budanov, lãnh đạo ngành tình báo quân đội Ukraina  nuôi tham vọng lên làm tổng thống và đang cố hãm hại ông Zelensky.

Bản thân tổng thống cũng có vẻ cảnh giác với thuộc cấp của mình, khi gần đây đã từ chối đưa ông Budanov lên làm bộ trưởng Quốc Phòng, thay thế ông Oleksiy Reznikov lẽ ra phải bị cách chức sau một vụ bê bối tham nhũng.

Một chi tiết khác có thể chứng minh cho việc ông Kyrylo Budanov thực sự đứng sau vụ tấn công điện Kremlin. Trong một bài phỏng vấn trên báo chí Đức ngày 25/05 vừa qua, một trong những cánh tay phải của ông Budanov khẳng định rằng Ukraina đã coi việc ám sát Putin là “ưu tiên tuyệt đối”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.