Vào nội dung chính
HOA KỲ - ẤN ĐỘ

Mỹ-Ấn khẳng định quan hệ « bền chặt hơn bao giờ hết »

Trong cuộc họp báo chung hôm 22/06/2023 tại Nhà Trắng sau khi thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kết thúc chuyến công du Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden khẳng định bang giao giữa Washington và New Delhi là « một trong những mối quan hệ tiêu biểu nhất của thế kỷ 21 ». Về phần thủ tướng Modi, ông nhấn mạnh hai quốc gia với « những giá trị nền tảng về dân chủ » này đang mở ra « một chương mới trong quan hệ đối tác chiến lược ».

Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 22/06/2023.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) tiếp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 22/06/2023. © REUTERS / ELIZABETH FRANTZ
Quảng cáo

An ninh, kinh tế là hai hồ sơ lớn trong các cuộc trao đổi giữa tổng thống Biden và thủ tướng Modi. Về chiến tranh Ukraina, thủ tướng Modi khẳng định New Delhi « hoàn toàn sẵn sàng » ủng hộ những nỗ lực vãn hồi hòa bình cho quốc gia đang bị Nga xâm chiếm. Lãnh đạo hai nước kêu gọi « tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ » của Ukraina.

Trước đó, phát biểu tại Hạ Viện Mỹ, lãnh đạo Ấn Độ tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đã nhấn mạnh « n định trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là mối quan ngại chính trong đối tác giữa New Delhi và Washington ». Về thương mại, đôi bên đồng ý khép lại 6 vụ kiện trước tòa trọng tài của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và trước khi lên đường về nước sáng nay, thủ tướng Ấn Độ tiếp các doanh nhân Mỹ tại thủ đô Washington. Tập đoàn Boeing thông báo đầu tư 100 triệu đô la vào Ấn Độ.

Thông tín viên Loubna Anaki từ New York tổng kết chuyến công du của thủ tướng Modi tại Hoa Kỳ : 

« Một mối quan hệ mạnh mẽ hơn, chặt chẽ hơn và năng động hơn bao bao giờ hết. Tổng thống Joe Biden hôm qua đã đánh giá như trên về bang giao giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Tiếp đón trọng thể thủ tướng Narendra Modi, chủ nhân Nhà Trắng đề cao một mối hợp tác song phương đang được mở ra một chương mới.

Lãnh đạo hai nước thông báo một loạt các hợp đồng vừa được ký kết trong các lĩnh vực quân sự, công nghệ và kinh tế. Đối với chính quyền Biden, mục đích là nhằm tăng cường quan hệ với một đồng mình then chốt để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, thủ tướng Modi đã phát biểu tại Hạ Viện, nhưng đã có sự cố xảy ra : nhiều dân biểu thuộc cánh tả bên đảng Dân Chủ đã tẩy chay buổi nói chuyện của thủ tướng Ấn Độ, để phản đối‘chính sách nhân quyền tệ hại’ của ông Modi. Trong một thông cáo, các vị dân biểu này kêu gọi không nên hy sinh  nhân quyền và những giá trị của nước Mỹ chỉ vì cơ hội chính trị. Trả lời báo chí về chủ đề này, thủ tướng Narendra Modi, một người có chủ trương bảo tồn bản sắc dân tộc Ấn, đã bác bỏ mọi cáo buộc vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử vì tôn giáo ở nước ông. »

Tăng cường hợp tác quốc phòng

Trong các thông báo về kết quả chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Ấn Độ, đáng chú ý có thỏa thuận ký với tập đoàn Mỹ General Electric về việc sản xuất tại Ấn Độ các loại động cơ cho chiến đấu cơ trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, New Delhi cũng ký các hợp đồng mua drone chiến đấu của Mỹ. Điều quan trọng là sự hợp tác này sẽ giúp Ấn Độ giảm bớt lệ thuộc lâu nay vào Nga trong lĩnh vực quân sự.

Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi cho biết thêm chi tiết :

Đã nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ cố gắng tự chế tạo các chiến đấu cơ hạng nhẹ. Dù mẫu máy bay mới đầu tiên có tên là Tejas mới đây đã được phiên chế vào không quân, nhưng các loại động cơ của máy bay đó không đủ mạnh để có thể thực hiện các cuộc không chiến hiện đại.

Do đó, thỏa thuận này, còn phải được Quốc Hội Mỹ phê chuẩn, có thể làm thay đổi tình hình. Tập đoàn General Electric Aerospace sẽ chia sẻ những kỹ năng chủ yếu của họ để chế tạo tại Ấn Độ loại động cơ hiện đại, vẫn được lắp cho các chiến đấu cơ F-18 của Mỹ. Công ty Pela sẽ cho phép New Delhi tăng cường phi đội cũ kỹ của mình với chi phí thấp nhất bằng cách chế tạo tại chỗ các chiến đấu cơ hạng nhẹ thay vì phải nhập khẩu. Điều này cũng có lợi cho Hoa Kỳ, theo giải thích của ông Sameer Patil, nhà nghiên cứu của Observer Research Foundation.

Ông nói :« Mục đích dường như là để giảm bớt sự lệ thuộc quân sự vào Nga. Ấn Độ từ giờ sẽ có thể chế tạo các chiến đấu cơ của mình hoặc mua của phương Tây những loại hiệu quả nhất. »

Hiện giờ, đa số các chiến đấu cơ của không quân Ấn Độ đều do Nga thiết kế. Sự lệ thuộc quân sự lớn như vậy là một trong những nguyên do khiến Ấn Độ giữ lập trường trung lập về cuộc xung đột tại Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.