Vào nội dung chính
SERBIA - BIỂU TÌNH

Serbia: Biểu tình phản đối bạo lực lan rộng đến mười thành phố ở các tỉnh

Serbia đang trải qua tuần lễ biểu tình thứ tám sau hai vụ xả súng hàng loạt vào thượng tuần tháng 5 đã khiến 18 người chết và 20 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Lần đầu tiên vào hôm qua, 24/06/2023, các cuộc biểu tình được mệnh danh là “Serbia chống lại bạo lực” đã diễn ra ở mười thành phố.

Ảnh minh họa người biểu tình Serbia phản đối chính phủ của tổng thống Aleksandar Vucic tại Beograd, Serbia, ngày 17/06/2023.
Ảnh minh họa người biểu tình Serbia phản đối chính phủ của tổng thống Aleksandar Vucic tại Beograd, Serbia, ngày 17/06/2023. AP - Milos Miskov
Quảng cáo

Những người xuống đường phản đối chính phủ đã không kiểm soát chặt chẽ thông tin và để cho các phương tiện truyền thông cổ vũ bạo lực. Thông tín viên RFI Laurent Rouy tại Serbia đã đến thành phố Novi Sad ở miền bắc tìm hiểu thêm về phong trào biểu tình và gởi về phóng sự sau đây:

“Lần đầu tiên, các cuộc biểu tình chống bạo lực được tổ chức tại 10 thành phố ở các tỉnh. Những người biểu tình đã cản trở giao thông trong vài tiếng đồng hồ. Ở Novi Sad, họ đã chặn một cây cầu. Đối với Igor, 38 tuổi, bạo lực trong xã hội khiến mọi người tức giận. Ông nói: “Khi bị cướp, người ta còn có thể chịu đựng được, nhưng khi trẻ em bị giết, khi có quá nhiều bạo lực trên các kênh truyền hình quốc gia, thì đó là điều chưa từng thấy, một điều vô nhân đạo”.

Cô Angelina, 35 tuổi, thì thú nhận là cô từng ngần ngại trong việc tham gia biểu tình, nhắc lại những cuộc biểu tình năm 2020 kéo dài nhiều tháng trời nhưng không được kết quả gì, và cuối cùng đã bị chính quyền đàn áp dã man.

Thế nhưng, đối với Alexandra, cần phải quảng bá phong trào biểu tình vì các cuộc xuống đường bị các phương tiện truyền thông thân chính phủ ém nhẹm, mà đó lại là những phương tiện duy nhất có tầm hoạt động toàn quốc. Nhân vật này cho rằng: “Cần phải phá vỡ chế độ kiểm duyệt. Mọi người cần phải được biết về phong trào. Hãy quay phim những cuộc biểu tình bằng điện thoại và giúp phong trào lan rộng trên mạng xã hội”.

Cho đến nay, những người biểu tình đã không đòi được bộ trưởng bộ Nội Vụ từ chức, chấm dứt kiểm duyệt hay chấm dứt các chương trình bạo lực. Vấn đề là phải xem liệu chính phủ có chấp nhận việc các cuộc biểu lan rộng hay không.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.