Vào nội dung chính
UKRAINA - NATO

Tổng thống Zelensky muốn NATO mời Ukraina gia nhập liên minh quân sự

Tại Praha, tổng thống Ukraina Voldymyr Zelensky, hôm 06/07/2023, tuyên bố Kiev mong muốn một mối quan hệ « trung thực » với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Phát biểu này được đưa ra vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh khối NATO tại Litva ngày 11-12/07/2023. 

Tổng thống Cộng Hòa Séc Petr Pavel (P) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy trong cuộc họp báo chung tại Praha, Cộng hòa Séc, ngày 06/07/2023.
Tổng thống Cộng Hòa Séc Petr Pavel (P) và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskyy trong cuộc họp báo chung tại Praha, Cộng hòa Séc, ngày 06/07/2023. AP - Petr David Josek
Quảng cáo

Tại Praha, tổng thống Ukraina, Voldymyr Zelensky, hôm qua, 06/07/2023, tuyên bố Kiev mong muốn một mối quan hệ « trung thực » với Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương – NATO. Phát biểu này được đưa ra vài ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh khối NATO tại Litva ngày 11-12/07/2023.  

Trong cuộc họp báo bên cạnh đồng nhiệm Cộng Hòa Séc, Petr Pavel, tổng thống Zelensky cho rằng đã đến lúc liên minh quân sự này phải chứng tỏ « sự can đảm và sức mạnh », và kêu gọi cần phải có « tín hiệu rõ ràng » là Ukraina sẽ gia nhập NATO. Ông nói : « Ukraina vẫn chưa nhận được lời mời dưới bất kỳ hình thức nào ».  

Trước khi đến Praha, tổng thống Ukraina hôm thứ Năm 06/7 đã đến Bulgarie để thảo luận về việc gia nhập NATO, đồng thời đề nghị Bulgarie – quốc gia sản xuất đạn – tăng tốc giao vũ khí vào lúc Kiev đang tiến hành cuộc phản công.  

Theo AFP, các nước đồng minh của Kiev hiện vẫn đang tìm kiếm một đường hướng chung, liên quan đến việc bảo đảm an ninh cho Ukraina cũng như là việc mời nước này gia nhập liên minh quân sự trong dài hạn.   

TT. Zelensky đến Thổ Nhĩ Kỳ : Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc là trọng tâm  

Sau Cộng hòa Séc, hôm nay, 07/07, tổng thống Ukraina đến Istanbul gặp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ngoài hồ sơ chiến tranh Ukraina, nguyên thủ hai nước thảo luận về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, được Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc bảo trợ.   

Kể từ ngày thỏa thuận được ký kết hồi tháng 8/2022, Ukraina đã xuất khẩu được gần 33 triệu tấn lương thực ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Nga liên tiếp đe dọa có thể không được triển hạn văn bản này sau ngày 17/07/2023.  

Từ Istanbul, thông tín viên đài RFI, Anne Andlauer giải thích thêm :  

« Ukraina cần đến Biển Đen để xuất khẩu nông sản. Thổ Nhĩ Kỳ, nhờ vào thỏa thuận ngũ cốc này, đã có thể thiết lập vai trò trung gian ưu tiên giữa Nga và Ukraina. Còn Liên Hiệp Quốc thì tỏ ra lo lắng cho một cuộc khủng hoảng lương thực nếu ngũ cốc của Ukraina không được xuất khẩu. Sự sống còn của thỏa thuận là một ưu tiên cho tất cả các bên, ngoại trừ Nga, một lần nữa đe dọa chấm dứt thỏa thuận.  

Matxcơva cho rằng họ không được lợi gì trong việc duy trì cơ chế này, nếu chúng không cho phép Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón mà không gặp trở ngại. Các nông sản của Nga không phải chịu lệnh trừng phạt. Nhưng trên thực tế, những biện pháp này làm giảm khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, bảo hiểm và vận chuyển của các nhà xuất khẩu Nga. 

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần kêu gọi các chính phủ và khu vực tư nhân hợp tác với nhau để gạt bỏ những trở ngại này. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cũng thường xuyên ủng hộ lập trường của Nga trong hồ sơ này. 

Cho dù quan hệ với Vladimir Putin có tốt đi chăng nữa, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có ít lá bài trong tay để « cứu » thỏa thuận ngũ cốc. Và việc tổng thống Ukraina Zelensky tới Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về hồ sơ này là một tín hiệu cho thấy nguy cơ thỏa thuận bị hủy bỏ là có thật. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.