Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NAM MỸ-CARIBÊ

Liên Âu không thuyết phục được các nước Nam Mỹ-Caribê lên án Nga gây chiến ở Ukraina

Sau nhiều cuộc thảo luận dài, trước và trong hai ngày họp thượng đỉnh tại Bruxelles, Liên Hiệp Châu Âu đã không thuyết phục được các nước Nam Mỹ và vùng Caribê (CELAC) lên án Nga gây chiến ở Ukraina và tuyên bố chung công bố ngày 18/07/2023 chỉ dừng ở mức bày tỏ « quan ngại sâu sắc ».

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh Liên Âu-CELAC, Bruxelles, Bỉ, ngày 18/07/2023.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh Liên Âu-CELAC, Bruxelles, Bỉ, ngày 18/07/2023. REUTERS - JOHANNA GERON
Quảng cáo

Theo AFP, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel thừa nhận « không dễ dàng » để cả 60 nước nhất trí về nhiều chủ đề như chiến tranh ở Ukraina. Nhưng « người ta thấy rằng những chủ đề gắn kết chúng tôi nhiều hơn là những chủ đề gây chia rẽ ». Liên Âu và cộng đồng các nước Nam Mỹ và vùng Caribê đã thể hiện « bước khởi đầu mới giữa những người bạn cũ » sau 8 năm tạm ngừng các cuộc họp thượng đỉnh, lẽ ra được tổ chức 2 năm một lần.

Đặc phái viên RFI Aabla Jouaidi tường trình từ Bruxelles :

« ‘Quan ngại sâu sắc’ thay vì lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga ở Ukraina. Đó là tất cả những gì mà 27 nước có thể nhận được từ 32 quốc gia ký bản tuyên bố bế mạc thượng đỉnh. Nicaragua, thân với Matxcơva, đã không ký vào tuyên bố này. Nhưng nhìn chung, các nước châu Mỹ la-tinh và vùng Caribê (CELAC) cùng với Liên Hiệp Châu Âu đã vượt qua được những bất đồng để triển khai một lộ trình chung.

Ông Ralph Gonsalves, thủ tướng nước Saint Vincent và Grenadines, hiện là chủ tịch CELAC, trích dẫn một vài trong số nhiều chủ đề được nêu trong tuyên bố : Các nước đã không nhận được những gì họ mong muốn trong bản tuyên bố. Có những bất đồng như người ta biết, nhưng chúng tôi đã đạt được một số chủ đề như tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cải cách cấu trúc tài chính thế giới hoặc phát triển xã hội toàn diện. Nhiều vấn đề khác trong lịch sử của chúng tôi vẫn còn để lại dấu vết như chế độ nô lệ hoặc buôn bán nô lệ.

Mặt khác, một câu trong bản nghị quyết hồi tháng 11/2022 của Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt cấm vận Cuba đã cho phép có được sự ủng hộ của La Habana đối với lộ trình chung được coi là đánh dấu bước khởi đầu mới trong quan hệ giữa hai vùng  ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.