Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - LUẬT PHÁP - THIÊN NHIÊN

Luật ‘‘Thiên Nhiên’’ vượt cửa ải Nghị Viện Châu Âu: Một ‘‘bước tiến lịch sử’’?

Ngày 12/07/2023 vừa qua, Luật Phục Hồi Thiên Nhiên (Nature Restoration Law) của châu Âu đã vượt qua ''cửa ải Nghị Viện''. Chỉ thiếu 12 phiếu, liên đảng cánh hữu và cực hữu châu Âu đã có thể chôn vùi được dự luật này. Các liên đảng cánh tả, môi trường và cánh trung châu Âu đã dồn sức cứu dự luật. Việc Nghị Viện Châu Âu thông qua Luật Phục Hồi Thiên Nhiên được nhiều nhà quan sát đánh giá là "một bước tiến lịch sử". Vì sao? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này. 

Giới bảo vệ môi trường tập hợp bảo vệ dự luật ''Phục Hồi Thiên Nhiên'' trước Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 11/07/2023,  trước ngày Nghị Viện bỏ phiếu.
Giới bảo vệ môi trường tập hợp bảo vệ dự luật ''Phục Hồi Thiên Nhiên'' trước Nghị Viện Châu Âu, Strasbourg, ngày 11/07/2023, trước ngày Nghị Viện bỏ phiếu. GREENS/EFA GROUP via REUTERS - GREENS/EFA GROUP
Quảng cáo

‘‘Cửa ải Nghị Viện’’ : Cuộc cản phá quyết liệt của đảng PPE

Về dự luật Phục Hồi Thiên Nhiên ( gọi tắt là luật ‘‘Thiên Nhiên’’), Nghị Viện Châu Âu đã có nhiều cuộc bỏ phiếu trong ngày 12/07. Trước hết là một cuộc bỏ phiếu chính về đề xuất bác bỏ dự luật do đảng cánh hữu PPE, đảng lớn nhất tại châu Âu đưa ra. Đề xuất hủy bỏ dự luật bị bác với 324 phiếu chống và 312 phiếu thuận. Tiếp theo đó, các nghị sĩ châu Âu đã bỏ phiếu thông qua 140 đề nghị sửa đổi đối với dự luật (do Ủy Ban Châu Âu đề xuất), trước khi tiến hành bỏ phiếu lần hai để thông qua dự luật. Trong lần bỏ phiếu chính thứ hai, dự luật đã được 336 phiếu thuận và 300 phiếu chống.

Đài France 24, trong bài tổng thuật về chủ đề này nhan đề ‘‘Phục Hồi Thiên Nhiên: Nghị Viện Châu Âu thông qua một văn bản luật sau một cuộc đấu lâu dài’’, nhấn mạnh, nếu như trong giới chuyên gia, việc phục hồi thiên nhiên như dự luật chủ trương đã nhận được ‘‘một đồng thuận rộng rãi’’, thì đã có ''một sự đối đầu quyết liệt về chính trị tại Nghị Viện Châu Âu''. Chủ trương của đảng bảo thủ châu Âu PPE là bác bỏ hoàn toàn dự luật, coi đây là một ''đe dọa với nông nghiệp, ngư nghiệp và kể cả các năng lượng tái tạo''.

Theo những người phản đối, Luật Phục Hồi Thiên Nhiên sẽ dẫn đến việc làm sụt giảm mạnh sản lượng nông nghiệp của châu Âu, hủy hoại các cơ sở hạ tầng năng lượng của châu Âu, trong bối cảnh Liên Âu đang phải nỗ lực tăng cường khả năng tự túc, đặc biệt sau đại dịch Covid 19 và trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraina.

Nếu dự luật bị bác, ‘‘Green Deal’’ tổn thất nặng nề

Trong các cuộc bỏ phiếu ở cấp ủy ban trước đó, dự thảo đã bị Ủy Ban Ngư nghiệp và Nông nghiệp, và Ủy Ban Môi Trường của Nghị Viện Châu Âu ngăn chặn. Trước thềm cuộc bỏ phiếu tại Nghị Viện, việc liên đảng cánh hữu và cực hữu phối hợp dồn sức tấn công dự luật đã khiến nhiều người cho rằng dự luật hoàn toàn có nguy cơ bị gạt bỏ. Viễn cảnh được thua dự đoán sẽ chỉ chênh nhau một vài phiếu bầu. Nếu dự luật bị bác bỏ, thì gần như không có cơ hội nào cho một dự luật về Phục Hồi Thiên Nhiên được Nghị Viện Châu Âu thông qua trong khóa này.

Việc dự luật về Phục Hồi Thiên Nhiên – một trụ cột trong thỏa ước chuyển sang nền kinh tế Xanh của châu Âu (tức ‘‘Green Deal’’) – bị bác bỏ sẽ là một đòn gây tổn thất nặng nề cho nỗ lực chuyển sang kinh tế Xanh của toàn khối, đã được đông đảo giới lãnh đạo chính trị châu Âu nỗ lực để xác lập cách đây ít năm. Green Deal được coi là một chính sách chủ chốt giúp Liên Âu duy trì vị trí đứng đầu trong các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm chặn đứng đà hủy hoại thiên nhiên, tránh cho nhân loại các hậu quả thảm khốc do các biến đổi về môi trường, khí hậu.

Giới khoa học vào cuộc

Giới khoa học cũng đã nỗ lực vào cuộc để cứu vãn dự luật Luật Phục Hồi Thiên Nhiên. Ngày 13/06, hơn 3.300 nhà khoa học đã công bố một bức thư ngỏ bảo vệ dự luật, lên án một cuộc tấn công ‘‘không thể biện minh được’’ chống lại dự luật này, mà chủ yếu dựa trên việc tung các thông tin giả, tin bóp méo. Bức thư ngỏ nói trên đã trình bày các căn cứ để bác bỏ 6 luận điểm chính, mà nhân danh chúng, phe chống dự luật đòi xóa bỏ. Trong số các luận điểm chính bị bác bỏ, có việc quy cho dự luật ‘‘làm mất an ninh thực phẩm’’, luận điểm đã được đảng PPE phổ biến rộng rãi.

Theo ông Patrick ten Brink, tổng thư ký European Environmental Bureau (EEB), đồng tác giả bài ''Luật Phục Hồi Thiên Nhiên, một cơ hội cần nắm lấy'' (socialeurope.eu), việc hàng nghìn nhà khoa học vào cuộc, với khoảng 1 triệu chữ ký ủng hộ của người dân, đã góp phần đáng kể giúp dự luật đứng vững. EEB là liên minh 180 hiệp hội môi trường, thuộc 38 quốc gia trong đó có nhiều nước châu Âu.

‘‘Kinh tế cần Thiên nhiên’’: Thông điệp cốt lõi

Phát biểu sau khi dự luật được thông qua, dân biểu đảng Xã Hội châu Âu César Luena, người chủ trì dự luật này tuyên bố đây là ‘‘một thắng lợi lớn của cộng đồng xã hội’’, ‘‘một tin tức tuyệt vời với thiên nhiên’’. Dân biểu môi trường Karima Delli nói đến ‘‘một sự thở phào nhẹ nhõm vô cùng, và một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những kẻ tàn phá thiên nhiên’’.

‘‘Hòa giải kinh tế với môi trường, bởi kinh tế cần đến môi trường’’ là tinh thần cối lõi của dự luật. Phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Frans Timmermans, trong một phát biểu hồi cuối tháng 5/2023, nhấn mạnh: ‘‘Không có các hệ sinh thái mạnh mẽ hơn, bền vững hơn, đơn giản là không thể bảo đảm được việc sản xuất lương thực, thực phẩm, cũng như các phương tiện giúp các nhà làm nông duy trì hoạt động’’. Theo giới môi trường, hiểm họa lớn với nông nghiệp hiện nay là ‘‘sự sụp đổ của các hệ sinh thái’’.

Dự luật phục hồi thiên nhiên chứa đựng những mục tiêu rõ ràng về dài hạn cũng như về ngắn hạn. Về dài hạn, phục hồi lại toàn bộ các hệ sinh thái bị suy thoái trước 2050. Trong hiện tại, các nghiên cứu khoa học của châu Âu cho thấy khoảng 70% đất đai Liên Âu suy thoái, 80% các hệ sinh thái trong tình trạng xấu. Dự luật đặt mục tiêu ‘‘phục hồi ít nhất 20%’’ các vùng đất và biển của Liên Âu trước 2030. Với một số vùng đặc biệt (như ven biển, vùng đất ngập, vùng đồi cát, hay vùng đồng cỏ…), tỉ lệ phục hồi dự kiến lên đến 30%. Các vùng đầm than, vốn là giếng hút khí thải hiệu quả, dự kiến phải phục hồi đến 70% vào năm 2050. Ít nhất 25.000 km dòng chảy tự nhiên phải được khôi phục trước 2030. 10% diện tích đất nông nghiệp phải được che phủ bởi các hệ sinh thái đa dạng, như cây to, cây bụi, rặng cây, hồ nhỏ, tường lũy, hoặc đơn giản là để đất nghỉ ngơi, không khai thác….

Bảo vệ đa dạng sinh học: Tín hiệu mạnh mẽ từ Liên Âu

Đây là lần đầu tiên sau 30 năm, Liên Âu ra luật về bảo vệ thiên nhiên, tiếp theo Luật 92/43/CEE, mang tên ‘‘Habitats’’. Nhưng khác với quy định bảo vệ thiên nhiên 30 năm về trước, tập trung vào các khu bảo tồn, dự luật Phục Hồi Thiên Nhiên (Nature Restoration Law) lần này hướng đến khôi phục toàn bộ đất đai và các hệ sinh thái bị suy thoái. Luật Phục Hồi Thiên Nhiên đặt các mục tiêu đầy tham vọng như trên bởi vì đà hủy diệt môi sinh trên quy mô toàn cầu nói chung, và tại châu Âu nói riêng, cũng đang ở mức vô cùng ghê gớm. Giới khoa học nói đến cuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ 6. Các hệ sinh thái, các giống loài sinh vật bị diệt vong, đất đai bị suy kiệt cũng là một tác nhân căn bản làm trầm trọng thêm tình trạng khí hậu bị hâm nóng, với các hậu quả càng ngày càng dữ dội hơn.

Ít tháng sau khi cộng đồng quốc tế đạt đồng thuận về việc bảo vệ ít nhất 30% diện tích đất liền và biển cả, tại hội nghị về Đa dạng sinh học Montreal, tháng 12/2022, việc Nghị Viện Châu Âu thông qua Luật Phục Hồi Thiên Nhiên, mang tính cưỡng chế, đặt mục tiêu khôi phục hoàn toàn các hệ sinh thái, và đưa ra mục tiêu hành động cấp bách từ đây đến 2030, là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Liên Âu đang tiếp tục dẫn đầu trong cuộc chiến về môi trường.

Cửa ải cuối cùng

Văn bản dự luật này sẽ phải được thảo luận lại với Ủy Ban Châu Âu, và đặc biệt là với Hội Đồng Châu Âu (tức định chế đại diện cho 27 nước thành viên). Bộ Ba này phải so dây cho dàn nhạc ăn khớp nhau. Bởi để đạt được sự ủng hộ của đa số dân biểu, dự luật vừa được Nghị Viện thông qua đã không còn nguyên vẹn so với dự luật của Ủy Ban Châu Âu. Một số nhà môi trường nói đến nhiều thay đổi quá lớn khiến luật bảo vệ môi trường này mất đi thực chất. Ngược lại, những người chiến đấu để bảo vệ dự luật ‘‘Phục Hồi Thiên Nhiên’’ thì khẳng định điều quan trọng là trước hết phải thông qua dự luật. Bản thân việc thông qua các mục tiêu chung như trên đã là một bước tiến, tạo đà cho các thay đổi tiếp theo theo hướng này.

Trong giai đoạn tới, Hội đồng Châu Âu sẽ có vai trò lớn hơn nhiều so với Ủy Ban Châu Âu. Hội Đồng Châu Âu và Nghị Viện Châu Âu sẽ phải thống nhất về một văn bản luật mới dựa trên văn bản được Quốc Hội thông qua. Dự luật sẽ phải được thông qua vào đầu năm tới, trước khi nhiệm kỳ Nghị Viện kết thúc.

Dự Luật Phục Hồi Thiên Nhiên đã vượt qua cửa ải Nghị Viện lần một vào ngày 12/07. Đây tự thân đã là một bước tiến lịch sử. Về nguyên tắc, dự luật ‘‘Phục Hồi Thiên Nhiên’’ vẫn có thể tiếp tục được sửa đổi, theo hướng có lợi hơn cho Thiên Nhiên. Theo ông Patrick ten Brink, tổng thư ký Văn phòng Môi trường châu Âu EEB, bộ ba Ủy Ban Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu và Hội Đồng châu Âu cần chống lại các thông tin sai lệch, và ‘‘tập trung vào các đàm phán dựa trên bằng chứng, nhằm phục vụ lợi ích của nông dân, đảm bảo một tương lai đáng sống cho con em chúng ta và bảo tồn thiên nhiên cho tất cả mọi người, bởi sẽ không có tương lai, nếu không có Thiên nhiên’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.