Vào nội dung chính
ANH - TRUNG QUỐC

Trùm gián điệp Anh tố cáo Trung Quốc “đồng lõa” với Nga trong cuộc chiến Ukraina

Trong một lần xuất hiện công khai hiếm hoi hôm 19/07/2023, giám đốc cơ quan tình báo Anh MI6 không ngần ngại khẳng định: Trung Quốc và lãnh đạo đảng Cộng Sản Tập Cận Bình “hoàn toàn đồng lõa” với Nga trong cuộc xâm lược Ukraina. Đối với lãnh đạo cơ quan gián điệp đầy huyền thoại của Vương Quốc Anh, Trung Quốc hiện là trọng tâm theo dõi chính của MI6, trước cả Nga hay bất kỳ nước nào khác.

 Lãnh đạo cơ quan tình báo Anh Richard Moore phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, Luân Đôn (Anh) ngày 30/11/2021.
Lãnh đạo cơ quan tình báo Anh Richard Moore phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế, Luân Đôn (Anh) ngày 30/11/2021. AP - Matt Dunham
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn của tuần báo Mỹ Politico, giám đốc cơ quan MI6 Richard Moore đã có những tuyên bố thẳng thắn khác thường khi nhận định về vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina mà Nga đang tiến hành, nhấn mạnh đến vai trò “đồng lõa” của Bắc Kinh:

“Khi Putin xâm lược Ukraina, Trung Quốc đã hỗ trợ rất rõ ràng cho Nga… Họ đã hoàn toàn ủng hộ Nga về mặt ngoại giao, đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Liên Hiệp Quốc, đã nhẫn tâm lặp lại tất cả những lập luận lố bịch của Nga, đặc biệt là ở những nơi như Châu Phi và Châu Mỹ Latinh - đổ lỗi cho NATO và đại loại những thứ như vậy”.

Đối với ông Moore, cái giá mà Nga phải trả cho sự hỗ trợ đó là tổn hại về quyền lực và uy tín: “Điều có thể là đã xảy ra, mà tôi biết đã khiến nhiều người Nga cảm thấy vô cùng khó chịu, là việc cán cân quyền lực giữa hai nước đã thay đổi. Khi nhìn vào họ, thật khó để không nhận ra rằng người này (tức là Nga) hiện đang lệ thuộc rất nhiều vào người kia (tức là Trung Quốc).”

Theo Politico, đảng Cộng Sản Trung Quốc đã đề xuất một “kế hoạch hòa bình” mang rất nhiều tai tiếng về Ukraina và thường tuyên bố họ là một bên trung lập trong cuộc xung đột.

Trung Quốc trở thành mục tiêu chính của MI6

Từ cuối những năm 1970 cho đến khoảng một chục năm trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã áp dụng một chính sách đối ngoại gọi là “thao quang, dưỡng hối - 韬光养晦 tao guang yang hui” nghĩa là “ẩn mình chờ thời”. Thế nhưng, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã từ bỏ chủ trương thận trọng đó và ngày càng trở nên hung hăng ở nước ngoài, đồng thời tăng cường đàn áp ở trong nước.

Trong bối cảnh đó, lãnh đạo tình báo Anh khẳng định: “Giờ đây chúng tôi dành nhiều nguồn lực cho Trung Quốc hơn bất kỳ nơi nào khác. Các nguồn lực và quy mô hoạt động của tình báo Trung Quốc rất lớn và họ triển khai ở nước ngoài với số lượng lớn.”

Bắc Kinh và “bẫy dữ liệu”

Ông cảnh báo là Trung Quốc đã đặt “bẫy dữ liệu” đối với các nước khác, làm suy yếu chủ quyền và tăng khả năng bị tổn thương của các quốc gia này. Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, Bắc Kinh đã yêu cầu các nước chia sẻ dữ liệu tiêm chủng như là một điều kiện để nhận được vắc xin Trung Quốc. 

Giám đốc MI6 cũng lưu ý rằng viêc chính quyền Trung Quốc được tự do truy cập các tập dữ liệu khổng lồ trong nước và “thu thập” dữ liệu bất hợp pháp từ nước ngoài đã mang lại cho Bắc Kinh một số lợi thế trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo AI.

Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc không quá bận tâm với các vấn đề quyền riêng tư hoặc bảo mật dữ liệu cá nhân, họ tập trung vào việc kiểm soát thông tin và ngăn chặn việc tiết lộ những sự thật bất tiện”. Tuy nhiên, lãnh đạo tình báo Anh nói rõ: “Cơ quan của tôi, cùng với các đồng minh của chúng tôi, dự định sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua làm chủ việc sử dụng AI một cách có đạo đức và an toàn”.

Hậu thuẫn cho các chế độ độc tài

Cũng liên quan đến Trung Quốc, theo giám đốc MI6, ngoài việc ủng hộ Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraina, Bắc Kinh còn hậu thuẫn cho một số chế độ độc tài đồi bại và tham nhũng trên khắp thế giới, chẳng hạn như Iran và Miến Điện: “Tại Myanmar (tên chính thức của Miến Điện), thật kinh hoàng khi chứng kiến những gì đang xảy ra trên đất nước tuyệt vời đó… thật là bi thảm, thật bi thảm. Tôi cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, vì họ là bên ủng hộ hàng đầu của chế độ đó và thật khó để thấy rằng chế độ đó có thể hoạt động theo cách hiện tại nếu không nhận được hỗ trợ của Bắc Kinh.”

Nhân vật nổi tiếng nhờ điệp viên 007

Phải nói là trùm tình báo Anh là nhân vật rất nổi tiếng trên thế giới nhờ vai của người tên là “M”, sếp của điệp viên James Bond 007 trong tiểu thuyết của nhà văn Anh Ian Fleming.

Nhưng trong thực tế, theo Politico, lãnh đạo của cơ quan tình báo Anh được biết đến dưới bí danh là “C” (chứ không phải là “M” như trong các truyện về điệp viên 007). Cách gọi này đã có từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 1909, với việc vị giám đốc đầu tiên tên là Mansfield Smith-Cumming luôn ký tên là “C” trong công văn của mình, một truyền thống sau đó đã được những người kế nhiệm ông duy trì.

Dĩ nhiên là người lãnh đạo MI6 rất ít khi xuất hiện trước công chúng, và việc ông Richard Moore, được cử làm giám đốc cơ quan gián điệp Anh từ năm 2020, đồng ý trả lời phỏng vấn của tuần báo Politico tại tư dinh của đại sứ Anh ở Praha, thủ đô Cộng Hòa Séc hôm 19/07/2023 là một sự kiện cực kỳ hiếm hoi.

Theo Politico, đây mới là lần thứ hai từ ngày nhậm chức mà “C” chấp nhận xuất đầu lộ diện, và là lần xuất hiện trước công chúng duy nhất mà nhân vật này dự định thực hiện trong năm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.