Vào nội dung chính
CEDEAO - NIGER

Đảo chính tại Niger : Cộng Đồng Kinh tế Tây Phi ra tối hậu thư đe dọa can thiệp quân sự

Hôm qua, 30/07/2023, Cộng Đồng Kinh Tế Tây Phi – Cédéao, bao gồm 15 thành viên, trong đó có Niger, sau cuộc họp đặc biệt tại Nigeria,đã đưa ra tối hậu thư cho quân đội đảo chính ở Niger, yêu cầu lập lại trật tự hiến định trong vòng một tuần, trả tự do ngay lập tức cho tổng thống Mohamed Bazoum và khẳng định có thể can thiệp quân sự nếu cần.

Tổng thống Nigeria, Bola Ahmed Tinubu (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh với các nhà lãnh đạo Tây Phi khác sau cuộc gặp ở Abuja Nigeria, Chủ Nhật, 30/07/2023.
Tổng thống Nigeria, Bola Ahmed Tinubu (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh với các nhà lãnh đạo Tây Phi khác sau cuộc gặp ở Abuja Nigeria, Chủ Nhật, 30/07/2023. AP - Chinedu Asadu
Quảng cáo

Thông tín viên RFI tại khu vực Tây Phi Serge Daniel giải thích thêm : 

« Chính tổng thống Nigeria Bola Tinubu, trong vai trò chủ tịch Hội đồng Kinh Tế các nước Tây Phi, chủ trì cuộc họp thượng đỉnh hôm qua, đã nhấn mạnh : « Nếu trong vòng một tuần nữa, các định chế ở Niger không được lập lại, thì một trong những lựa chọn của Cédéao có thể là can thiệp quân sự. Tại sao tổ chức này lại có phản ứng cứng rắn và có thể cực đoan, đối với nhóm quân sự đảo chính ở Niger mà không có thái độ tương tự đối với trường hợp ở Guinée, Mali, Burkina Faso, là những nước cũng do quân đội lãnh đạo ? 

Một nhà ngoại giao Ghana trả lời : « Đó là vấn đề khả tín. Nếu chúng tôi bỏ qua cuộc đảo chính này, thì nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm hơn và Cooédéo chỉ còn là một định chế nào đó ».  

Một nhân vật khác thuộc tổ chức này giải thích rằng « ngay khi thượng đỉnh cuối cùng của Cédéao kết thúc tại Bissau, các chuyên gia đã làm việc về việc thành lập một lực lượng dự phòng tiểu khu vực. Dự án này gần như đã hoàn thành ».  

Tại Abuja, theo nguồn tin của chúng tôi, nhiều quốc gia đã thông báo sẵn sàng cung cấp lực lượng quân sự nếu cần thiết. Một nhà ngoại giao Nigeria còn nói rõ hơn : « Về phần mình, một số lực lượng của chúng tôi đã sẵn sàng, ở cách biên giới với Niger không xa, để chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự ». 

Cédéao cũng quyết định đình chỉ tất các các giao dịch thương mại, tài chính giữa các nước thành viên với Niger, đóng băng tài sản của các quan chức quân sự tham gia vào cuộc đảo chính do tướng Abdourahamane Tchiani lãnh đạo.  

Theo AFP, nhiều nước, trong đó có Mỹ và Nga đã lên án cuộc đảo chính. Hôm nay, theo AFP, Hoa Kỳ và Liên Âu ủng hộ quyết định của Cedeao. Cũng giống Pháp, sáng nay, Đức quyết định đình chỉ viện trợ phát triển cho Niger.   

Mặc dù có nguồn uranium dồi dào, với khoảng 20 triệu dân, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.