Vào nội dung chính
ĐAN MẠCH - ĐỐT KINH CORAN

Đan Mạch muốn hạn chế các cuộc biểu tình « báng bổ đạo Hồi »

Sau vụ đốt kinh Coran trong các cuộc biểu tình ở Thụy Điển và Đan Mạch, gây căng thẳng với một số quốc gia Trung Đông, hôm qua, 30/07/2023, chính quyền Đan Mạch cho biết muốn hạn chế các cuộc biểu tình đốt kinh Coran vì lý do an ninh. Thụy Điển cũng đang tìm công cụ pháp lý phù hợp để ngăn chặn các cuộc biểu tình báng bổ đạo Hồi. 

Một số thành viên nhóm “Những người yêu nước Đan Mạch" biểu tình trước đại sứ quán Irak ở Copenhagen, Đan Mạch ngày 24/07/ 2023.
Một số thành viên nhóm “Những người yêu nước Đan Mạch" biểu tình trước đại sứ quán Irak ở Copenhagen, Đan Mạch ngày 24/07/ 2023. via REUTERS - RITZAU SCANPIX
Quảng cáo

Theo yêu cầu của Ả Rập Xê Út và Irak, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OCI) tổ chức một cuộc họp đặc biệt vào hôm nay 31/07 tại Djeddah, để thảo luận về việc người biểu tình ở Đan Mạch và Thụy Điển xúc phạm đạo Hồi. Trước căng thẳng với các nước Hồi giáo, Đan Mạch và Thụy Điển tìm giải pháp qua công cụ pháp lý, chẳng hạn như hạn chế các cuộc biểu tình như vậy.

Từ Stockholm, thông tín viên RFI Carlotta Morteo giải thích:  

« Ví lý do an ninh, chính phủ Đan Mạch sẽ tìm kiếm tất cả các biện pháp tư pháp để đưa ra lệnh cấm một số cuộc biểu tình (báng bổ đạo Hồi), một cách nhất thời và không đụng chạm tới quyền tự do ngôn luận được Hiến Pháp bảo vệ.  

Để hợp pháp hóa các trường hợp ngoại lệ này, ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen đã nhắc lại rằng « các hành động báng bổ kinh Coran, do một số cá nhận thực hiện với mục đích chính là kích động, gieo rắc sự chia rẽ và hùa theo lập trường của những kẻ cực đoan ».  

Ông Lars Lokke Rasmussen cho rằng đây không chỉ là vấn đề về hình ảnh hay danh tiếng của Đan Mạch. Ngoại trưởng Đan Mạch rất có thể vẫn nhớ đến các vụ tẩy chay, các đe dọa giết người hay các cuộc khủng bố đã bị ngăn cản vào năm 2005, sau khi một tờ báo Đan Mạch đăng tải hình ảnh biếm họa Nhà tiên tri Mohammed.   

Thụy Điển cũng ghi nhận tình hình khẩn cấp tương tự. Stockholm cũng đang tìm kiếm một công cụ pháp lý. Tối hôm qua, thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nhận định rằng  « tình hình này nguy hiểm (…) đối với an ninh quốc gia », sau sự cố đốt kinh Coran. Ông Kristersson sẽ phải tìm cách thỏa hiệp với liên minh cực hữu tại Quốc Hội, đảng Những người Dân Chủ Thụy Điển. Một số nghị sĩ của đảng này đã đưa ra những tuyên bố bài Hồi giáo những ngày gần đây.  

Trong lúc chờ đợi, theo những thăm dò gần đây, phần lớn người Thụy Điển và Đan Mạch ủng hộ việc cấm đốt kinh Coran. » 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.