Vào nội dung chính
Ý - TRUNG QUỐC - CON ĐƯỜNG TƠ LỤA

Bộ trưởng Quốc Phòng Ý: Tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc là một quyết định “tồi tệ”

Ý đã đưa ra một quyết định “ngẫu hứng và tồi tệ” khi tham gia Sáng Kiến Một Vành Đai Một Con Đường (tên tắt tiếng Anh là BRI) của Trung Quốc cách đây 4 năm, cụ thể là vào năm 2019. Trong một cuộc phỏng vấn công bố ngày 30/07/2023, bộ trưởng Quốc Phòng Ý Guido Crosetto đã có nhận xét như trên.

(Ảnh minh họa) - Các container hàng tại cảng Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ngày 19/02/2021.
(Ảnh minh họa) - Các container hàng tại cảng Thanh Đảo, phía đông tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ngày 19/02/2021. AP
Quảng cáo

Phát biểu trên báo Corriere della Sera, ông Guido Crossetto giải thích: “Quyết định tham gia Con Đường Tơ Lụa (Mới) là một hành động ngẫu hứng và tồi tệ” vì đã giúp Trung Quốc gia tăng xuất khẩu sang Ý, nhưng lại không có tác động tương tự đối với xuất khẩu của Ý sang Trung Quốc.

Theo vị bộ trưởng nặng ký trong chính quyền Ý hiện nay, vấn đề đặt ra là làm thế nào để rút ra khỏi thỏa thuận đã ký mà không làm tổn hại đến quan hệ với Bắc Kinh vì “Trung Quốc quả thực là một đối thủ cạnh tranh, nhưng đồng thời cũng là một đối tác”.

Ý đã ký kết thỏa thuận tham gia sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” của Trung Quốc vào năm 2019 dưới thời chính phủ tiền nhiệm của thủ tướng Giuseppe Conte, trở thành quốc gia lớn duy nhất của phương Tây tham gia dự án của Bắc Kinh, bất chấp việc kế hoạch này luôn bị coi là công cụ công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế.

Tuy nhiên, ngay từ trước khi lên cầm quyền tại Roma sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 09/2022, bà Giorgia Meloni đã không che giấu ý muốn rút nước Ý ra khỏi sáng kiến của Trung Quốc.

Sau cuộc gặp tại Nhà Trắng với tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm 27/07 vừa qua, thủ tướng Ý Meloni cho biết chính phủ vẫn đang cân nhắc về BRI và “sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12” tới đây.

Khi để Ý tham gia sáng kiến của Trung Quốc vào năm 2019, thủ tướng lúc bấy giờ, Giuseppe Conte, hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy nền kinh tế kém hiệu quả của Ý.

Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trong 4 năm qua, thỏa thuận này đã không mang lại lợi ích mong muốn, với xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng nhẹ, đạt tổng cộng 16,4 tỷ euro vào năm 2022 so với 13 tỷ euro vào năm 2019. Ngược lại, xuất khẩu của Trung Quốc vào Ý đã tăng vọt từ 31,7 tỷ năm 2019, lên thành 57,5 tỷ năm 2022. Không những thế, vào năm ngoái, hai đối tác thương mại chính của Ý trong khu vực đồng euro là Pháp và Đức đã xuất khẩu nhiều hơn đáng kể sang Trung Quốc, mặc dù không nằm trong dự án BRI.

Trên nguyên tắc, thỏa thuân Ý-Trung Quốc về Con Đường Tơ Lụa Mới sẽ hết hạn vào tháng 03/2024 và sẽ tự động được triển hạn trừ phi một trong hai bên thông báo quyết định rút lui.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.