Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP CHÂU ÂU - UKRAINA

Liên Hiệp Châu Âu : Gần 240 ngàn đạn pháo đã được cấp cho Ukraina

Ngày 11/08/2023, một phát ngôn viên của Liên Hiệp Châu Âu khẳng định rằng khối 27 nước đã cung cấp cho Kiev 223 800 quả đạn pháo. Số viện trợ này nằm trong khuôn khổ phần đầu của bản kế hoạch hỗ trợ quân sự trị giá hai tỷ euro được Liên Âu thông qua hồi tháng 3/2023.

Ảnh minh họa: Binh sĩ Ukraina tập huấn sử dụng hệ thống pháo rốc-kết Carl Gustaf M4 của Thụy Điển ngày 07/04/2022
Ảnh minh họa: Binh sĩ Ukraina tập huấn sử dụng hệ thống pháo rốc-kết Carl Gustaf M4 của Thụy Điển ngày 07/04/2022 AP - Andrew Marienko
Quảng cáo

Theo Le Monde, lời khẳng định này được đưa ra vào lúc các lực lượng Ukraina phàn nàn tình trạng khan hiếm đạn dược vào lúc cuộc phản công của Ukraina bắt đầu từ tháng Sáu nhằm đánh bật quân Nga ra khỏi nhiều vùng chiếm đóng đang gặp khó khăn.

Cuối tháng 5/2023, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell đã thông báo rằng 200 ngàn quả đạn pháo đã được giao vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp, Liên Hiệp Châu Âu dường như khó đạt được mục tiêu của bản kế hoạch là giao một triệu đạn pháo cho mùa xuân tới. Hồi tháng Hai, nhiều nước châu Âu đã bày tỏ ngờ vực về khả năng của châu Âu đạt được kế hoạch đề ra.

Tính đến hôm nay, Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên khẳng định đã chi ra khoảng 20 tỷ euro để cung cấp vũ khí cho Ukraina. Còn theo Lầu Năm Góc, đến ngày 25/7, Hoa Kỳ đã chi viện hơn 43,7 tỷ đô la cho Ukraina trong khuôn khổ viện trợ an ninh.

Nhà Trắng, ngoài việc hôm thứ Năm 10/8 đề nghị Quốc Hội thông qua khoản viện trợ bổ sung 13 tỷ cho Ukraina, hôm qua cũng cho biết để ngỏ khả năng đào tạo phi công Ukraina sử dụng chiến đấu cơ F-16, theo như tuyên bố của phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby.

Về phần Đức, theo thông tin từ tạp chí Der Spiegel, được Le Monde dẫn lại, chính phủ thủ tướng Olaf Scholz đang xem xét các điều kiện để có thể cung cấp cho Ukraina các loại tên lửa hành trình loại Taurus trích ra từ trong kho dự trữ của quân đội Đức.

Với chiều dài năm mét và bay ở độ cao thấp, tên lửa Taurus đặc biệt có độ chính xác cao, tầm bắn là 500 km và khó bắn chặn nhờ vào hệ thống phòng không. Quân đội Đức hiện có đến hơn 600 chiếc trong kho dự trữ. Tuy nhiên, bộ Quốc Phòng Đức đã yêu cầu nhà sản xuất giảm tầm bắn của Taurius để chúng không thể đi đến lãnh thổ Nga.

Trước việc thủ tướng Đức e ngại rằng việc cung cấp loại tên lửa này cho Ukraina chỉ dẫn đến leo thang xung đột, ngoại trưởng Ukraina, Dmytro Kuleba, hôm qua, trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) đã cam kết rằng quân đội Ukraina sẽ không sử dụng loại tên lửa này để đánh vào lãnh thổ Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.