Vào nội dung chính
ISRAEL - ĐỨC

Israel bán hệ thống phòng thủ tên lửa cho Đức

Bộ trưởng Quốc Phòng Israel, Yoav Gallant, hôm 17/08/2023 thông báo, với sự chấp thuận của Hoa Kỳ, đã ký thỏa thuận bán cho Đức hệ thống phòng thủ tên lửa Arrow 3, trị giá 3,5 tỷ đô la. Việc trang bị một hệ thống phòng không mới là một phần của kế hoạch tái vũ trang mà Berlin quyết định tiến hành sau khi Nga xâm lược Ukraina. 

Hệ thống phòng thủ Iron Dome (T), hệ thống tên lửa đất đối không (SAM), MIM-104 Patriot (G) và tên lửa Arrow 3 (P) trong cuộc tập trận của Juniper Cobra ở Israel, ngày 25/02/2016.
Hệ thống phòng thủ Iron Dome (T), hệ thống tên lửa đất đối không (SAM), MIM-104 Patriot (G) và tên lửa Arrow 3 (P) trong cuộc tập trận của Juniper Cobra ở Israel, ngày 25/02/2016. AFP - GIL COHEN-MAGEN
Quảng cáo

Theo AFP, hệ thống đánh chặn tên lửa tầm xa Arrow 3, do nhà sản xuất IAI của Israel phối hợp với hãng máy bay Boeing của Mỹ phát triển, có khả năng bắn chặn tên lửa trên bầu khí quyển và có tầm bắn tới 2.400 km. Arrow 3 vốn dĩ được thiết kế để Israel đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ các đối thủ trong khu vực như Iran và Syria. 

Thương vụ Arrow 3 được xem như thỏa thuận quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Israel. Theo tiết lộ của bộ trưởng Yoav Gallant, hợp đồng cuối sẽ được ký kết vào cuối năm 2023 sau khi được Quốc Hội Đức và Israel thông qua. Tên lửa dự kiến được giao cho Đức vào cuối năm 2025. RFI Pháp ngữ trích dẫn Miri Eisin, cựu sĩ quan tình báo quân đội Israel, theo đó đây chỉ là một hệ thống « phòng thủ » thuần túy và thỏa thuận này giúp Israel trở thành một yếu tố « quan trọng », không chỉ trong khu vực mà còn trên thế giới. 

Thỏa thuận này cũng có ý nghĩa lịch sử đối với Israel. Trong thông cáo, thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu, đã gợi nhắc lại rằng « cách nay 75 năm, dưới thời Đức quốc xã, dân tộc Do Thái đã bị tàn phá », nhưng « 75 năm sau, nhà nước Do Thái trao cho Đức, một nước Đức khác (so với trước đây), các công cụ để phòng thủ […] Quả là một bước ngoặt lịch sử! ». 

Không chỉ muốn trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Arrow 3 cho riêng mình, Berlin hồi tháng 10/2022 còn khởi động dự án « lá chắn bầu trời châu Âu » với lá chắn Arrow 3 nhằm củng cố hệ thống phòng thủ châu Âu. Dự án này của Đức được 17 nước châu Âu ủng hộ nhưng vẫn gây tranh cãi trong Liên Âu và đặc biệt bị Pháp phản đối. Paris cho rằng cần ưu tiên mua thiết bị do chính châu Âu chế tạo. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.