Vào nội dung chính
NIGER - PHÁP - NGOẠI GIAO

Pháp tiếp tục duy trì đại sứ tại Niger và gây sức ép với phe quân đội làm đảo chính

Trong cuộc gặp các đại sứ Pháp tại điện Elysée, Paris, ngày hôm qua, 28/08/2023, tổng thống Emmanuel Macron đã hoan nghênh việc đại sứ Pháp Sylvain Itté không rời Niger dù quá hạn tối hậu thư mà phe quân đội làm đảo chính đưa ra, tức tối Chủ Nhật 27/08 và bảo vệ sự hiện diện của Pháp tại Niger.

Nhiều người dân Niger ủng hộ tập đoàn quân sự, treo cờ Nga trong cuộc biểu tình chống can thiệp của nước ngoại tại Niamey, Niger, ngày 03/08/2023.
Nhiều người dân Niger ủng hộ tập đoàn quân sự, treo cờ Nga trong cuộc biểu tình chống can thiệp của nước ngoại tại Niamey, Niger, ngày 03/08/2023. AP - Sam Mednick
Quảng cáo

Theo báo Le Monde, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định chính sự nương nhẹ với các cuộc đảo chính trước đây trong khu vực, tại Mali, Burkina Faso, Guinea và nay là Niger, do vậy đang có một « nạn dịch đảo chính khắp vùng Sahel ».

Tổng thống Macron một lần nữa khẳng định lập trường cứng rắn của Pháp, không công nhận chính quyền của phe đảo chính, mà chỉ công nhận ông Bazoum là tổng thống dân cử của Niger, Paris ủng hộ giải pháp ngoại giao hoặc quân sự nếu CEDEAO quyết định điều quân can thiệp. 

Thế nhưng, một nhà quan sát trong vùng, ông Tenenbaum, được Le Monde trích dẫn, nhận định vị thế của Pháp khó có thể được duy trì ở Niger, bởi vì đi ngược lại ý muốn của chính quyền quân sự Niamey. Cho dù về mặt pháp lý, chính quyền này là bất hợp pháp, nhưng trên thực tế tập đoàn quân sự đang là thế lực thực cầm quyền ở Niger. Trong bối cảnh như vậy, « hoặc Pháp duy trì vị thế bằng vũ lực và mạo hiểm đối đầu » với chế độ mới ở Niger, « hoặc rút lui », nhưng « ý tưởng bằng mọi giá duy trì sự hiện diện của Pháp » ở Niger là « mong manh ». 

Liên Hiệp Châu Âu hôm qua 28/08 khẳng định « hoàn toàn ủng hộ » ông Itté cho dù ông đã bị chính quyền quân sự Niamey yêu cầu rời khỏi Niger. Theo Bruxelles, quyết định trục xuất đại sứ Pháp là « một hành vi khiêu khích mới » không thể giúp tìm ra một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng hiện nay » ở Niger, và Liên Âu « không công nhận và sẽ không công nhận chính quyền mà phe đảo chính dựng lên ở Niger ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.