Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - NGA

Nga xếp giải Nobel Hòa bình Dmitri Muratov vào danh sách « nhân viên nước ngoài »

Nga đã đưa thêm nhà báo, đồng giải thưởng Giải Nobel Hòa bình năm 2021, Dmitry Muratov vào danh sách các « nhân viên nước ngoài ». Bộ Tư Pháp Nga hôm qua, 01/09/2023, cho rằng ông Muratov đã « sử dụng các diễn đàn nước ngoài để phổ biến một cái nhìn tiêu cực về chính sách đối nội và đối ngoại của Liên bang Nga ».

Ông Dmitry Muratov (phải) cùng với nhà báo Philippines Maria Ressa trong lễ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2021 tại tòa thị chính Oslo, Na Uy, ngày 10/12/2021.
Ông Dmitry Muratov (phải) cùng với nhà báo Philippines Maria Ressa trong lễ nhận giải Nobel Hòa bình năm 2021 tại tòa thị chính Oslo, Na Uy, ngày 10/12/2021. AP - Alexander Zemlianichenko
Quảng cáo

Trong bài phát biểu nhận giải Nobel, nhà báo Dimitry Muratov nhận định quy chế « nhân viên nước ngoài » nói trên tương đương với điều mà nhà cầm quyền Nga thời Stalin dùng để gọi « kẻ thù của nhân dân ». Thông tín viên Anissa El Jabri từ Matxcơva cho biết thêm :

Lần cuối cùng chúng ta nhìn thấy một bức ảnh có mặt Dimitry Muratov là vào ngày 4 tháng 7 năm 2022. Ông hiện diện cùng với lãnh đạo một cơ quan truyền thông khác, đã bị đóng cửa ở Nga, Alexei Vennediktov, cũng bị xếp vào danh sách « nhân viên nước ngoài ».

Dimitry Mouratov bị đưa về thủ đô Nga bằng máy bay, còn bà Elena Milachina, nhà báo nổi tiếng của Novaya Gazeta, chuyên gia về Chechnya, khi vừa đặt chân đến Grozny (hồi tháng 7/2023), đã bị đánh rất nặng, đầu bị cạo trọc và nhiều ngón tay bị gãy. 

Gần một năm trước, tờ Novaya Gazeta đã liên tiếp bị tấn công. Giấy phép cho phiên bản giấy của tờ báo bị thu hồi, tiếp theo đó đến lượt giấy phép phát hành trên internet. Hồi tháng 10/2021 khi Dimitry Mouratov nhận giải Nobel Hòa bình, người phát ngôn của Điện Kremlin đã ca ngợi « lòng dũng cảm và tài năng » của ông. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngay lập tức đưa ra cảnh báo « giải thưởng Nobel Hòa bình không phải là một phương tiện tự vệ ».

Dmitry Muratov cùng đoạt Giải Nobel Hòa bình năm 2021 cùng với nhà báo người Philippines Maria Ressa vì công lao đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận. Sáu nhà báo hoặc cộng tác viên của Novaya Gazeta đã bị giết hại kể từ năm 2000, trong đó có nhà báo điều tra Anna Politkovskaya. Trước khi phải đình bản, Novaya Gazeta được coi là một trong các phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng còn trụ lại được tại Nga kể từ đầu cuộc can thiệp quân sự chống Ukraina.

Hồi đầu chiến tranh Ukraina cuối tháng 2/2022, Novaya Gazeta chạy tựa trang nhất « Nga ném bom Ukraina ». Báo ra bằng tiếng Nga và tiếng Ukraina. Sau khi điện Kremlin siết chặt kiểm duyệt, tờ báo của Muratov chạy tựa trang nhất : « Ấn bản này tuân thủ tất cả các điều luật sửa đổi của luật Hình sự Nga », trên nền hình vở vũ ba lê « Hồ Thiên Nga ».

Vở « Hồ Thiên Nga », được truyền hình Nhà nước Nga chiếu khi xảy ra mưu toan đảo chính 1991 lật đổ tổng thống Gorbachev, đã trở thành biểu tượng về việc chính quyền Nga đang che giấu thông tin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.