Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Khí thải và đa dạng sinh học: Vì sao cuộc chiến khí hậu phải đi bằng cả “hai chân” ?

Hôm nay, 04/09/2023, là ngày khai mạc Thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi tại Nairobi, Kenya. Thượng đỉnh, diễn ra trong ba ngày với sự tham gia của nhiều lãnh đạo châu Phi và quốc tế, được coi là sự kiện mở màn cho bốn tháng thương lượng quốc tế về khí hậu căng thẳng nhất của năm, với đỉnh điểm là hội nghị COP28 tại Dubai.

San hô tại vùng Paradise Reef gần Key Biscayne, Florida, Hoa Kỳ, ảnh chụp ngày 04/08/2023.
San hô tại vùng Paradise Reef gần Key Biscayne, Florida, Hoa Kỳ, ảnh chụp ngày 04/08/2023. AP - Wilfredo Lee
Quảng cáo

Theo giới quan sát, thành công của thượng đỉnh Nairobi này được hy vọng sẽ tạo đà cho các hội nghị sắp tới. Để thành công trong công cuộc chiến khí hậu nói riêng và cuộc chuyển đổi sinh thái nói chung, châu Phi cần được đầu tư gấp bội, một mặt để phát triển các năng lượng tái tạo, thích nghi với biến đổi khí hậu, mặt khác để bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái, các nguồn ‘‘đa dạng sinh học’’, được coi là thế mạnh lớn của châu lục, cụ thể như với vùng rừng Congo được coi là ‘‘lá phổi’’ thứ hai của Trái đất.

Phối hợp hai cuộc chiến, cuộc chiến cắt giảm khí thải với cuộc chiến bảo tồn, phát triển ‘‘đa dạng sinh học’’ ngày càng được coi là con đường đúng hướng để có thể thành công trong cuộc chuyển đổi sinh thái đầy gian nan hiện nay.

Vì sao công cuộc ‘‘chuyển đổi sinh thái’’ phải đi bằng cả “hai chân”, chân năng lượng và chân đa dạng sinh học ? RFI xin giới thiệu nhận định của hai chuyên gia về kinh tế khí hậu, Christian de Perthuis và Edouard Civel, Đại học Paris Dauphine. 

***

Bài viết ‘‘Climat et biodiversité, les deux jambes de la transition écologique” (Khí hậu và đa dạng sinh học, hai chân của công cuộc chuyển đổi sinh thái’’ (trên The Conversation, ngày 03/09/2023) đưa ra một cái nhìn tổng hợp, cô đúc, giúp công chúng nhận rõ sự liên hệ mật thiết của hai cuộc chiến, khí hậu và đa dạng sinh học. Theo các tác giả, cho đến nay, tuy các nghiên cứu khoa học quốc tế đã có nhiều tiến triển, hai lĩnh vực nói trên nhìn chung vẫn thường được xem xét một cách riêng rẽ. Đây là một ứng xử rất nguy hại, bởi ‘‘không thể hành động một cách hiệu quả trong lĩnh vực khí hậu mà không quan tâm đến đa dạng sinh học, và ngược lại’’.

‘‘Cac-bon hóa thạch’’ và ‘‘các giếng hút cac-bon’’

Hai chuyên gia về kinh tế khí hậu nêu bật tính thống nhất của hai lĩnh vực qua khái niệm ‘‘cac-bon’’. Khí hậu là vấn đề ‘‘cac-bon’’. Cac-bon có hai loại, ‘‘cac-bon hóa thạch’’ và ‘‘cac-bon tồn tại trong thế giới sinh vật’’, có mặt trong các hệ sinh thái (các tác giả gọi là ‘‘carbone vivante’’, tạm dịch ‘‘cac-bon sống’’). ‘‘Cac-bon hóa thạch’’ nằm trong than đá, dầu hỏa, khí đốt… khi chuyển hóa thành năng lượng sẽ tạo khí thải gây hiệu ứng nhà kính hâm nóng Trái đất. Để hãm lại đà hâm nóng Trái đất, một mặt phải cắt giảm lượng cac-bon do các năng lượng hóa thạch tạo ra, mặt khác cần phát triển ‘‘các giếng hút cac-bon’’ để tăng cường hấp thu lượng cac-bon trong khí quyển, do các hoạt động của con người tạo ra (các giếng cac-bon bao gồm rừng và đại dương, cũng như đất đai tự nhiên không bị thoái hóa, do tác động của con người – cũng được gọi chung là ‘‘các hệ sinh thái’’)

Cắt giảm khí thải và phát triển năng lượng tái tạo thuộc về ‘‘công cuộc chuyển đổi năng lượng’’ (transition energétique). Đây là lĩnh vực hàng đầu, bởi khoảng 70% khí thải là do các năng lượng hóa thạch. Lĩnh vực không kém phần quan trọng thứ hai là ‘‘cac-bon tồn tại trong thế giới sinh vật’’ (cac-bon sống), đặc biệt liên quan đến các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Việc phá rừng, hay các tác động khác đến đất đai (như nông nghiệp dùng nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học), sẽ khiến ‘‘các giếng cac-bon tự nhiên’’ giảm khả năng hấp thu cac-bon trong bầu khí quyển. Thậm chí chúng còn trở thành nguồn phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Bảo vệ và phát triển ‘‘các giếng cac-bon tự nhiên’’ là một mục tiêu chủ yếu của điều mà giới chuyên môn gọi là ‘‘công cuộc chuyển đổi nông nghiệp - khí hậu’’ (transition agroclimatique).

Hai lĩnh vực rất khó phối hợp

Hai chuyên gia kinh tế khí hậu học Pháp nhấn mạnh rằng, một trong các thách thức khó khăn nhất là phối hợp được cả hai cuộc chuyển đổi lớn này trên thực tế, bởi đây vốn là hai lĩnh vực liên quan đến ‘‘các cơ chế kinh tế khác nhau’’. Đối với ‘‘cac-bon hóa thạch’’, cần phải có các biện pháp chế tài để buộc phải cắt giảm mạnh, ngược lại đối với ‘‘cac-bon sống’’, tức các giếng hút cac-bon cần phải đầu tư mạnh mẽ. Nguyên tắc này nếu không được thực hiện đúng sẽ dẫn đến tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Hai hướng hành động chính được các tác giả vạch ra. Về mặt chuyển đổi năng lượng, cần không chỉ hướng đến đầu tư nhiều hơn cho năng lượng tái tạo, mà điều quan trọng và khó khăn hơn nhiều là cắt giảm mạnh đầu tư vào năng lượng hóa thạch, vốn đang mang lại các nguồn lợi khổng lồ trong ngắn hạn. Định hướng hành động này đã và đang được nhấn mạnh nhiều. Hướng hành động thứ hai, liên quan đến đa dạng sinh học được nói đến ít hơn nhiều, nhưng có liên kết mật thiết với cuộc chiến khí hậu, như chúng tôi đã giới thiệu ở trên.

Nếu 2050 không còn năng lượng hóa thạch, thế giới có ‘‘trung hòa khí thải’’ ?

Thiếu hành động đủ mức trong lĩnh vực đa dạng sinh học thì tình hình sẽ ra sao ? Hai tác giả nhấn mạnh : Hãy tưởng tượng thế giới hoàn toàn không còn năng lượng hóa thạch vào năm 2050, liệu chúng ta sẽ tự động có được một thế giới ‘‘trung hòa về khí thải’’ hay không ? Điều được các tác giả lưu ý ở đây là, tất cả phụ thuộc vào ''chiếc chân thứ hai’’ của cuộc chiến khí hậu, mặt trận ‘‘cac-bon sống’’, các hệ sinh thái – những chiếc ‘‘giếng hút cac-bon’’, vốn chiếm đến 1/4 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Các tác giả nêu một ví dụ nhỏ để cho thấy việc các giếng hút cac-bon bị suy yếu sẽ nguy hại như thế nào, với việc khả năng khả năng hấp thu khí thải CO2 của rừng trên toàn bộ lãnh thổ nước Pháp, kể từ năm 2005 đến nay, giảm chỉ còn một phần ba. Hệ quả chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu. Diện tích rừng có thể không suy giảm nhiều, nhưng chất lượng của rừng, chất lượng của hệ sinh thái suy giảm mạnh được coi là một nguyên nhân chính.

Điều quan trọng và khẩn cấp cần làm ở đây là phải có được các cách thức quản lý rừng để rừng nhanh chóng thích nghi được với khí hậu bị hâm nóng, và ngày một khắc nghiệt hơn trong tương lai, để giúp cho rừng tiếp tục là các giếng hút cac-bon hiệu quả. Tình hình tương tự với đất nông nghiệp. Để đất đai có thể là các giếng hút cac-bon hiệu quả, thay vì là nơi tạo khí thải, cần áp dụng các kỹ thuật cho phép lưu giữ ‘‘cac-bon sống’’ trong lòng đất (nhờ ở các phương thức canh tác bảo tồn, kết hợp làm nông với trồng rừng, không cày bừa đất quá sâu, bảo vệ các vùng đất ẩm ướt – nơi hấp thu nhiều cac-bon).

Các tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ ‘‘các giếng hút cac-bon’’ trong đại dương, điều vốn rất ít được nói đến. Một con số tự nó cho thấy tầm cỡ ghê gớm của đại dương với khí hậu : Nếu như các hệ sinh thái trên mặt đất hấp thu lượng cac-bon gấp 4 lần lượng cac-bon tồn tại trong bầu khí quyển, thì đại dương hấp thụ nhiều gấp 47 lần. Điều đó có nghĩa là, với lượng khí thải hiện nay, nếu không có đại dương hấp thụ, thì cuộc sống của con người trên Trái đất đã lâm nguy. Tuy nhiên, các hệ sinh thái trong đại dương cũng thể có khả năng hấp thu khí thải đến vô tận. Tình trạng khí hậu hâm nóng và môi trường đại dương bị tàn phá khiến các giếng cac-bon, các hệ sinh thái trong đại dương, đặc biệt là san hô (thường được mệnh danh là ‘‘rừng của biển’’) suy yếu, không tiếp tục đảm nhiệm được vai trò.

Phát triển ‘‘kinh tế sinh học’’ để hãm đà hâm nóng khí hậu

Hai tác giả đưa ra khái niệm ‘‘bioéconomie’’, nền kinh tế sinh học, tức nền kinh tế với một trong những mục tiêu chính là thúc đẩy lĩnh vực hành động thứ hai, bảo vệ và phát triển ‘‘các giếng hút cac-bon’’. Lĩnh vực kinh tế sinh học, còn được gọi là ‘‘kinh tế sinh học tuần hoàn’’ bắt đầu được nói đến nhiều trong thời gian ít năm trở lại đây, nhưng dường như chưa có được một tiếp cận mang tính toàn cầu, hệ thống được cộng đồng quốc tế công nhận.

Viện chính sách công Ấn Độ Observer Research Foundation, một tổ chức tư vấn độc lập có trụ sở tại New Delhi, trong một tài liệu được đưa ra hồi tháng 7/2023, đã kêu gọi nhóm G20, mà Ấn Độ là chủ tịch thường niên, chính thức thông qua một cơ chế ‘‘Đối tác Kinh tế Sinh học Tuần hoàn Toàn cầu’’ (GCBP - Global Circular Bioeconomy Partnership). Cơ chế này sẽ ‘‘đóng vai trò như một nền tảng giúp chia sẻ các phương pháp hay nhất trong lĩnh vực này, liên quan đến chính sách, các cách tân khoa học-công nghệ…’’ 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.