Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - HOA KỲ - VIỆN TRỢ

Ngoại trưởng Mỹ đến Kiev để khẳng định ủng hộ cuộc phản công của Ukraina

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bất ngờ đến Kiev ngày 06/09/2023, bắt đầu chuyến công du hai ngày để khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với chiến dịch phản công của Ukraina. Hoa Kỳ sẽ viện trợ thêm hơn 1 tỉ đô la cho Kiev trong bối cảnh có nhiều nghi ngại về sự ủng hộ của Mỹ, cũng như về « hiệu quả » cuộc phản công của Ukraina.

Ảnh do bộ Ngoại Giao Ukraina cung cấp: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) cùng người đồng cấp Ukraina, Dmytro Kuleba, tới viếng nghĩa trang  Berkovetske, Kiev, ngày 06/09/2023.
Ảnh do bộ Ngoại Giao Ukraina cung cấp: Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) cùng người đồng cấp Ukraina, Dmytro Kuleba, tới viếng nghĩa trang Berkovetske, Kiev, ngày 06/09/2023. AP - Ukrainian Ministry of Foreign Affairs Press Service
Quảng cáo

Theo một quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ được AFP trích dẫn, trong chuyến công du Ukraina lần thứ 4 này, ông Blinken sẽ gặp tổng thống Volodymyr Zelensky, ngoại trưởng Dmitro Kuleba, nhiều quan chức cấp cao và đại diện xã hội dân sự. Washington muốn thảo luận với chính quyền Kiev về tiến triển của cuộc phản công, những nhu cầu quân sự, cũng như mọi biện pháp để bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng của Ukraina trước mùa đông.

Về tình hình chiến sự, sáng sớm 06/09, Nga lại oanh kích Kiev. Theo cơ quan quân sự thủ đô, toàn bộ « tên lửa hành trình »« tên lửa đạn đạo » trong vụ tấn công đã bị hệ thống phòng không Ukraina bắn hạ trước khi đến mục tiêu. Hiện tại, chưa có ghi nhận thiệt hại về người và vật chất. Matxcơva chưa bình luận về cuộc tấn công. Ngoài Kiev, Nga cũng dùng drone tấn công thành phố cảng Odessa, miền nam Ukraina, khiến 1 người thiệt mạng.

Rumani quan ngại Nga tấn công sát biên giới

Từ tháng 07, sau khi thỏa thuận ngũ cốc bị đình chỉ, Nga liên tục oanh kích các hải cảng ở tây nam Ukraina, gần biên giới với Rumani. Theo Kiev, nhiều drone tự sát của Nga đã nổ và rơi trên lãnh thổ Rumani trong đêm 03 rạng sáng 04/09. Trong cuộc họp báo ngày 05/09 với thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel, tổng thống Klaus Iohannis phủ nhận thông tin trên, nhưng không che giấu lo ngại :

« Không một mảnh vỡ nào, không một drone nào hay không một bộ phận nào rơi xuống Rumani. Chúng tôi kiểm soát hoàn toàn không phận quốc gia. Chúng tôi đã kiểm trả tất cả và chúng tôi có thể trấn an người dân. Không có gì rơi xuống Rumani. Nhưng đúng, chúng tôi lo ngại, bởi vì những vụ tấn công đó xảy ra rất gần biên giới Rumani. Ngay hôm nay (05/09), bộ trưởng Quốc Phòng của chúng tôi báo cho tôi biết là nhiều cuộc tấn công đã được xác nhận xảy ra cách biên giới nước chúng tôi có 800 mét. Có nghĩa là rất, rất gần ».

Hơn một năm chiến tranh đã khiến Ukraina trở thành quốc gia có số nạn nhân bom chùm nhiều nhất thế giới. Năm 2022, Ukraina có 890 người bị thiệt mạng hoặc bị thương vì bom chùm, chiếm khoảng 4/5 tổng số nạn nhân (1.172 người, chủ yếu là dân thường) trên khắp thế giới. Trong báo cáo công bố ngày 05/09, liên minh các tổ chức phi chính phủ do Human Rights Watch (Quan Sát Nhân Quyền) chủ trì, cho biết Nga sử dụng phổ biến loại vũ khí này từ khi xâm lược nước láng giềng vào tháng 02/2022.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.