Vào nội dung chính
XUNG ĐỘT ISRAEL - HAMAS

Xung đột Israel – Hamas: Iran cổ vũ, Nga quy trách nhiệm cho phương Tây

Trong khi Ai Cập – nước trung gian hòa giải truyền thống giữa Palestine và Israel – thực hiện một loạt các cuộc tiếp xúc trong khu vực và quốc tế nhằm kềm hãm cuộc khủng hoảng, thì chính quyền Teheran tỏ ra hoan hỉ và tuyên bố ủng hộ « chiến dịch đầy tự hào "hồng thủy Al Aqsa" » theo như phát biểu của một lãnh đạo Vệ binh Cộng hòa Iran. 

Cột khói cho thấy mục tiêu tại thành phố Gaza bị trúng tên lửa của Israel đap trả các vụ tấn công của Hamas, ngày 07/10/2023.
Cột khói cho thấy mục tiêu tại thành phố Gaza bị trúng tên lửa của Israel đap trả các vụ tấn công của Hamas, ngày 07/10/2023. AP - Fatima Shbair
Quảng cáo

Chính quyền Matxcơva một mặt bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình nghiêm trọng trên dải Gaza, kêu gọi đôi bên kềm chế, mặt khác, Nga quy trách nhiệm cho phương Tây đã không làm tròn bổn phận để giải quyết « gốc rễ » hồ sơ này. 

Từ Matxcơva, thông tín viên đài RFI Jean-Didier Revoin giải thích : 

« Lên án mà không theo một bên nào. Đây là thái độ của Nga sau cuộc tấn công của phong trào Hamas vào lãnh thổ Israel. Matxcơva đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước sự leo thang này đồng thời tái khẳng định lập trường nguyên tắc của mình, theo đó, cuộc xung đột này, kéo dài từ 75 năm qua, không có giải pháp vũ lực và chỉ có thể giải quyết qua các phương tiện ngoại giao – chính trị. 

Ngoại giao Nga kêu gọi ngưng bắn tức thì và các bên tham chiến phải tái lập tiến trình đàm phán hướng đến việc thành lập một nhà nước Palestine ở bên trong đường biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, chung sống hòa bình và an ninh với Israel. 

Đối với Matxcơva, bạo lực bùng phát lần này bắt nguồn từ việc không áp dụng thường trực các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Nga còn tố cáo phương Tây đã cản trở công việc trung gian hòa giải quốc tế bốn bên cho Trung Đông bao gồm Nga, Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc.  

Một thực tế mà Nga phải đối mặt từ hôm nay, trong phiên họp bất thường của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, diễn ra ở New York. » 

Nếu như nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức lên án mạnh mẽ cuộc tấn công « bất ngờ » của phe Hamas trên dải Gaza, các nước Hồi giáo đưa ra những tuyên bố trái chiều. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Israel và Palestine « nên hành động một cách hợp lý » và « tránh hành động quá khích, có nguy cơ gia tăng căng thẳng ». 

Chính quyền Qatar, một mặt hối thúc các bên « nên kềm chế », nhưng mặt khác bộ Ngoại giao nước này cũng cho rằng Israel là « bên chịu trách nhiệm duy nhất cho tình hình leo thang hiện nay do liên tiếp có những vi phạm », đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế « ngăn chặn khả năng sự kiện này sẽ bị sử dụng như là một cái cớ đển châm mồi lửa cho một cuộc chiến tranh mới bất cân xứng nhắm vào thường dân Palestine. » 

Về phía Trung Quốc, bộ Ngoại Giao nước này, trong thông cáo đã bày tỏ quan ngại về tình hình leo thang căng thẳng và bạo lực giữa Palestine và Israel, đồng thời kêu gọi các bên liên quan nên giữ bình tĩnh và kềm chế, « tức thì ngưng bắn, nhằm bảo vệ thường dân và ngăn chặn tình hình thêm xuống cấp ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.