Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Israel và nguy hiểm từ hệ thống địa đạo như "mạng nhện" của Hamas ở Gaza

Đối với toàn dân và quân Israel, tấn công trên bộ vào dải Gaza là chuyện « không thể tránh » để xóa sổ toàn bộ lực lượng Hamas bị Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Israel coi là « khủng bố ». Tuy nhiên, cuộc chiến sẽ kéo dài, gây tổn thất rất nặng nề về nhân mạng cho cả lực lượng phòng thủ của Nhà nước Do Thái cũng như thường dân Palestine và đặc biệt sẽ rất khó khăn do mặt trận địa đạo dày đặc dưới lòng Gaza.

Ảnh minh họa ngày 18/01/2018 : Bên trong một đoạn đường hầm do lực lượng Thánh chiến Hồi Giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) xây dựng nối Gaza với Israel, được phát hiện gần làng Kissufim, phía nam Israel, vào cuối tháng 10/2017.
Ảnh minh họa ngày 18/01/2018 : Bên trong một đoạn đường hầm do lực lượng Thánh chiến Hồi Giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) xây dựng nối Gaza với Israel, được phát hiện gần làng Kissufim, phía nam Israel, vào cuối tháng 10/2017. AP - Jack Guez
Quảng cáo

Trả lời phỏng vấn đài France 24 ngày 16/10/2023, cựu thủ tướng Israel Ehud Barak (1999-2001) khẳng định Israel không có lựa chọn nào khác và cũng không cần ai « lên lớp », ý muốn nói đến cảnh cáo của tổng thống Mỹ Joe Biden rằng chiếm đóng Gaza sẽ là « sai lầm nghiêm trọng », trong khi những nước Ả Rập yểm trợ Hamas cảnh báo nguy cơ xung đột lan rộng trong vùng. Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã lên án biện pháp phong tỏa, cắt điện nước, nguồn sống của người dân Palestine. Cựu thủ tướng Ehud Barak khẳng định Israel tôn trọng luật pháp quốc tế khi để cho người dân Palestine di tản xuống miền nam :

« Chúng tôi hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và nên đã  thực hiện một số nghĩa vụ. Ví dụ chúng tôi đã báo trước khi tấn công cách đây vài ngày. Chúng tôi nói với họ rằng từ nơi họ sống, nơi họ làm việc, họ nhìn thấy hoạt động của Hamas, chí ít là từ hai năm qua, dù đó là các khu vực phóng rocket, hay các phòng thí nghiệm, kho vũ khí đạn dược, hoặc trung tâm huấn luyện, họ phải rời khỏi những khu vực trên, vì đó là mục tiêu mà chúng tôi sẽ tấn công. Cách đây 36 tiếng (ngày 13/10), chúng tôi cũng đưa ra cảnh báo mới rằng họ có 24 tiếng để rời khu vực miền bắc dòng sông cạn nước ở Gaza, vì chúng tôi sắp tấn công mạnh vào thành phố.

Chúng tôi không thể áp đặt quyết định của mình, nhưng chúng tôi cảnh báo và báo trước những gì chúng tôi làm. Đó là sự khác biệt giữa việc chúng tôi làm và Hamas, lực lượng đã hành động như Al Qaida hoặc Daesh, những tổ chức khủng bố tàn bạo. Đó là những cam kết mà chúng tôi tôn trọng. Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi cũng không thể tránh được các thiệt hại liên đới nếu người dân không rời khu vực. Thậm chí sau thời hạn 24 tiếng, chúng tôi vẫn đợi toàn bộ dân cư di tản. Khoảng 500.000 người đã đi trong vòng 24 tiếng, 500.000 người khác sẽ phải rời khu vực. Những người ở lại sẽ bị đe dọa. Đáng tiếc, chiến tranh là thế ».

Cuộc đổ bộ kéo dài, tổn thất lớn

Trên trang Financial Times ngày 15/10, phó giáo sư Daphné Richemond-Barak, Trường Lauder về Chính phủ, Ngoại giao và Chiến lược thuộc Đại học Reichman lưu ý : « Hamas là một đội quân được thành lập cho chiến tranh đô thị, gắn sâu với thường dân ở Gaza. Khi bắn rocket sang bên kia biên giới Israel, họ bị bắn đáp trả và đạn pháo rơi vào cơ sở hạ tầng dân sự, trường học, đền thờ và các khu dân cư. Một trong những bộ chỉ huy của Hamas nằm dưới bệnh viện Al-Shifa ở Gaza, các trục đường được hình thành từ vài trăm km đường hầm ngang dọc dải Gaza dài gần 40 km. Tấn công vào một trong những trung tâm như thế này sẽ dẫn đến những hệ quả liên đới tang thương không tránh được ».

Israel đã bị Hamas tấn công ít nhất năm lần từ khi rút khỏi Gaza năm 2005. Những lần trước, hai bên đình chiến sau vài ngày hoặc vài tuần giao tranh hoặc thâm nhập lãnh thổ. Israel thường thắng nhờ giáng những đòn quyết định, Hamas thua nhưng vẫn duy trì được thiết bị quân sự bí mật. Tuy nhiên, lần này Israel quyết định đi đến cùng, sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công, sát hại 1.500 người và bắt cóc 200 người gồm nhiều quốc tịch khác nhau.

Để giáng đòn khủng bố đẫm máu nhất kể từ chiến tranh Kippour năm 1973, Hamas đã chuẩn bị rất kỹ từ nhiều tháng, thậm chí là vài năm, theo nhà nghiên cứu Daphné Richemond-Barak. Có lẽ họ đã quan sát, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức khủng bố thánh chiến ở Syria, Irak, kể cả từ Daesh và từ chính những vụ trước đó của họ.

Ngoài ra, Hamas còn có hệ thống địa đạo vô cùng lợi hại và một mặt trận dưới lòng đất rộng nhất thế giới. Sự kết hợp chiến tranh đô thị trong các thành phố đông dân và các trại tị nạn ở Gaza, với hàng trăm km đường hầm, khiến chiến trường thêm phức tạp. Chuyên gia Colin Clarke, giám đốc nghiên cứu Trung tâm Soufer ở New York, được France 24 trích dẫn, có cùng nhận định: « Cuộc tấn công trên bộ sẽ kéo dài và khó khăn, tổn thất cũng sẽ rất lớn dù những công nghệ như robot có thể tạo thuận lợi cho các lực lượng đổ bộ », « chuẩn bị tấn công trên một thực địa như vậy có lẽ phải cần đến những thông tin rất chi tiết mà có thể là Israel không có ».

Ảnh minh họa ngày 18/01/2018 : Lối vào một đường hầm do Lực lượng Thánh chiến Hồi Giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) xây dựng nối Gaza sang Israel, được phát hiện gần làng Kissufim, phía nam Israel, cuối tháng 10/2017.
Ảnh minh họa ngày 18/01/2018 : Lối vào một đường hầm do Lực lượng Thánh chiến Hồi Giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad) xây dựng nối Gaza sang Israel, được phát hiện gần làng Kissufim, phía nam Israel, cuối tháng 10/2017. AP - Jack Guez

Hệ thống địa đạo chằng chịt, kiên cố

Hệ thống địa đạo chẳng chịt mà Hamas nắm rõ như lòng bàn tay là lợi thế chiến thuật lớn của lực lượng vũ trang này. Dưới lòng đất, các hệ thống định vị GPS truyền thống, thiết bị giám sát hay nhìn trong bóng tối không thể hoạt động. Ngoài ra, chắc chắn Hamas đã gài mìn một số đường hầm, hoặc chuẩn bị tấn công bất ngờ. Hệ thống địa đạo cũng « có thể trở thành cái bẫy », vì theo giải thích của ông Colin Clarke, « khi đường hầm bị phát hiện, chúng cũng có thể bị đóng lại để nhốt những người ở đó. Trong trường hợp này, mệnh lệnh đưa ra sẽ không thương xót ».

Những khó khăn này giải thích cho việc Israel tập trung không kích, oanh kích trên diện rộng để phá hủy cơ sở hạ tầng dưới lòng đất. Phó giáo sư Daphné Richemond-Barak cho rằng để đánh sập, phá hủy địa đạo, boong-ke và các căn cứ chằng chịt trên diện tích 365 km2 của Gaza có lẽ sẽ mất nhiều tháng, cần những nguồn lực lớn và ưu thế quân sự không ngớt, đồng thời phải chống trả được hỏa lực từ dưới lòng đất của Hamas.

Tổng chiều dài của hệ thống địa đạo, được Israel gọi là « metro Gaza », « một Gaza khác dưới lòng Gaza », vẫn là ẩn số. Năm 2021, Israel thông báo đánh phá được « hơn 100 km đường hầm nhờ oanh kích », Hamas đã đáp lại rằng Gaza có « khoảng 500 km đường hầm và chỉ khoảng 5% bị phá hủy ».

Theo tình báo Israel, có thể Mohamed Deif, chỉ huy các Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, nhánh vũ trang của Hamas, là người thiết kế chiến lược dùng địa đạo để đánh úp. Ban đầu, đường hầm được xây để đối phó với lệnh cấm vận do Israel áp đặt đối với dải Gaza sau cuộc đảo chính đưa Hamas lên nắm quyền ở Gaza năm 2007. Chúng được sử dụng để vận chuyển hàng lậu từ Ai Cập cho người dân. Đường biên giới Gaza-Ai Cập dài 14 km, chằng chịt vài trăm địa đạo, được sử dụng để điều chuyển lính, vũ khí và hàng giả. Nhiều đường hầm sâu đến 30-40 mét trong lòng đất, giúp các chiến binh Hamas thay đổi vị trí để tránh bị oanh kích.

Năm 2013, một đường hầm dài 2,5 km nối Israel với dải Gaza đã bị quân đội Israel phát hiện. Năm 2014, một phóng sự của đài France 24 cho thấy đoạn đường hầm được đổ bê tông kiên cố, chứ không phải bằng đất cát, có lắp đặt đường sắt, cáp điện thoại và dây điện. Một số chuyên gia thẩm định « chi phí để xây những đường hầm này có thể lên tới 1 triệu đô la ». Ngoài ra, « rất khó phát hiện lối vào đường hầm, đó là những lỗ nhỏ được che dưới ghế hoặc thảm ».

Trong chiến dịch năm 2014, Hamas đã sử dụng hệ thống địa đạo, đủ cao để một người có thể đứng thẳng, để thâm nhập vào lãnh thổ Israel, giết chết 11 lính Israel trong ba đợt tấn công riêng biệt, theo trung tâm chiến lược Begin-Sadat, Đại học Bar-Ilan tại Tel Aviv. Ba năm sau, một báo cáo chính thức cáo buộc thủ tướng Benjamin Netanyahu và quân đội Israel đã không chuẩn bị tốt cho đất nước trước mối đe dọa « chiến lược » trong cuộc xung đột năm 2014.

Từ đó, Nhà nước Do Thái đã dùng nhiều phương pháp khác nhau để phá hủy đường hầm này hoặc ngăn cản việc xây dựng những đường hầm khác bằng cách dựng một vành đai ngầm dưới lòng đất, gắn các bộ cảm biến để phát hiện mọi hoạt động khoan cắt và cũng để phân chia ranh giới dưới lòng đất với dải Gaza. Tuy nhiên, sự tồn tại của hệ thống địa dạo này cho thấy Hamas vẫn có khả năng bảo mật năng lực vũ trang bất chấp sự giám sát của Israel.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.