Vào nội dung chính
KHÍ HẬU - AN NINH

Khí hậu: LHQ báo động 6 hiểm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại

Hơn một tháng trước hội nghị Khí hậu COP28, hôm qua 25/10/2023, một cơ sở nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo về 6 hiểm họa dẫn đến tổn thất hệ thống, ‘‘không thể phục hồi’’, đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Nhiều hiểm họa còn rất ít được nhắc đến trong các thảo luận quốc tế về khí hậu như hệ thống ‘‘nước ngầm’’, ‘‘rác thải không gian’’ và việc các công ty bảo hiểm rút khỏi những vùng có nguy cơ cao về khí hậu.

Tổn thất về nước ngầm, một trong sáu hiểm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại.
Tổn thất về nước ngầm, một trong sáu hiểm họa đe dọa sự tồn vong của nhân loại. Ảnh Wikipedia
Quảng cáo

RFI tổng hợp thông tin về vấn đề này.

***

Báo cáo mới của Viện Môi trường và An ninh Con người (UNU-EHS) của Đại học Liên Hiệp Quốc cho biết: “Những tác động thảm khốc, không thể đảo ngược đối với con người và hành tinh” sẽ sắp xảy ra nếu các hệ sinh thái toàn cầu bị tàn phá đến mức ‘‘vượt quá điểm tới hạn’’ (tipping points), hay ‘‘không thể phục hồi’’. Các điểm tới hạn là những ngưỡng mà quá mức đó ‘‘các hệ thống’’, bao gồm các hệ thống trong thiên nhiên, như ‘‘các hệ sinh thái’’, các hệ nước ngầm, hay các hệ thống của con người lập ra, như hệ thống bảo hiểm, hệ thống vệ tinh giám sát, không còn có khả năng tái lập như trước.

Ba ‘‘điểm tới hạn’’ được nêu ra trong ‘‘Báo cáo về những rủi ro của các thảm họa liên hoàn năm 2023’’ (Interconnected Disaster Risks Report 2023), liên quan đến đà diệt chủng các giống loài sinh vật tăng tốc, băng hà trên các núi cao tan chảy, các đợt nóng dữ dội, là những vấn đề trung tâm trong các thảo luận về khí hậu, nhưng có ba vấn đề khác rất ít được nói đến, cũng không kém phần quan trọng, là hệ thống nước ngầm, rác thải không gian và nguy cơ bảo hiểm rút hoàn toàn khỏi các vùng có nguy cơ cao về khí hậu.

Nước ngầm cạn kiệt

Nước ngầm là kho chứa nước ngọt lớn nhất hành tinh bên cạnh các sông băng trên núi cao. Theo các nhà nghiên cứu, nước ngầm, được lưu giữ trong các hồ chứa ngầm gọi là ‘‘tầng ngậm nước’’ (aquifers), cung cấp nước ngọt cho hơn 2 tỷ người. Nguồn nước này rất quan trọng trong thời kỳ mà nước ngày càng trở nên khan hiếm nước, do bị sử dụng quá mức và Trái đất bị hâm nóng do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

‘‘Hơn một nửa tầng ngậm nước chính trên thế giới’’ đang cạn kiệt nhanh hơn mức chúng có thể được bổ sung bằng con đường tự nhiên do các mạch nước ngầm tích tụ từ hàng nghìn năm nay. Khoảng 70% lượng nước ngầm đang được sử dụng cho nông nghiệp. Bà Zita Sebesvari, chuyên gia Viện Môi trường và An ninh Con người, cho biết ví dụ như ở vùng khô hạn Punjab, tây bắc Ấn Độ, việc trồng lúa, từng phát triển mạnh mẽ ở đây, sử dụng quá nhiều nước ngầm. Giờ đây, ‘‘các tầng ngậm nước’’ đang cạn kiệt, đe dọa nguồn cung lương thực của quốc gia đông dân nhất thế giới.

Rác thải vệ tinh làm tê liệt hệ thống giám sát rủi ro thiên tai

Rác thải vệ tinh quá nhiều làm tê liệt hệ thống vệ tinh giám sát rủi ro thiên tai là một hiểm họa nhãn tiền đáng sợ khác. Bà Zita Sebesvari, một đồng tác giả chính báo cáo, cho biết các cơ sở hạ tầng vệ tinh không gian rất quan trọng để giám sát và quản lý rủi ro thiên tai, ‘‘các tác động của biến đổi khí hậu, như giám sát các hiểm họa như lốc xoáy”. Quá nhiều rác thải tập trung trong không gian sẽ khiến chỉ cần  một loạt va chạm có thể khiến cơ sở hạ tầng giám sát bị tê liệt. Trong số gần 35.000 ‘‘vật thể’’ được ghi nhận trên quỹ đạo hiện tại, chỉ có khoảng 25% là hoạt động. Số còn lại là những phương tiện phế thải, các vệ tinh đã hỏng.

Với hơn 100.000 phi thuyền, vệ tinh mới sẽ được phóng lên quỹ đạo tính đến năm 2030, nguy cơ tai nạn sẽ tăng lên rất nhiều. Theo chuyên gia Zita Sebesvari, cần phải thay đổi quan niệm sai lầm cho rằng việc phóng vệ tinh vào không gian được coi là rộng lớn mênh mông sẽ không có hậu quả gì. Vị chuyên gia này cũng chỉ trích việc các chủ sở hữu không lên kế hoạch ‘‘kết thúc vòng đời’’ của một vệ tinh.

Dân cư nhiều khu vực rộng lớn không còn được bảo hiểm

Các hậu quả do biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng. Theo báo cáo của Đại học Liên Hiệp Quốc, thiệt hại do thiên tai liên quan đến thời tiết đã gia tăng gấp 7 lần kể từ thập niên 1970. Năm 2022, tổng thiệt hại của cho kinh tế toàn cầu ước tính 313 tỷ USD (295 tỷ euro). Theo báo cáo của UNU-EHS, số thảm họa khí hậu được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Cháy rừng, lũ lụt và bão tố với tần suất và quy mô gia tăng nằm trong số các thiệt hại chủ yếu.

Do nguy cơ các thảm họa thời tiết ngày càng nặng nề hơn, phí bảo hiểm đã tăng tới 57% kể từ năm 2015. Nhiều công ty phải hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm hoặc rời khỏi thị trường ở những khu vực có rủi ro cao. Báo cáo nêu ví dụ nguy cơ lũ lụt gia tăng sẽ khiến hơn nửa triệu ngôi nhà ở Úc không thể được bảo hiểm vào năm 2030. Những người không đủ khả năng di chuyển đến các khu vực an toàn hơn sẽ phải đơn thương độc mã đối mặt với rủi ro này.

‘‘Tính chất liên hoàn’’ của các thảm họa

Báo cáo năm 2023 của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến tính chất ‘‘liên hoàn’’ của các thảm họa. Nói cách khác là các thảm họa cần được xem xét trong quan hệ tương tác qua lại mang tính hệ thống. Đổ vỡ trong hệ thống này sẽ dẫn đến thảm họa dây chuyền trong các hệ thống khác .Theo Le Monde, điểm mới của báo cáo này là tập trung vào ‘‘các tương tác giữa thiên nhiên với các hệ thống do con người tạo lập ra’’.

Bà Zita Sebesvari, đồng tác giả chính của báo cáo, nhấn mạnh: ‘‘Với việc hủy diệt thiên nhiên và đa dạng sinh học, cùng lúc gây ô nhiễm trên Trái đất và không gian, nhân loại chúng ta đang cùng một lúc bị đẩy đến các điểm tới hạn nguy hiểm, có thể phá hủy toàn bộ các hệ thống mà sự sống của nhân loại phụ thuộc vào''.

Thừa nhận thiên nhiên như ‘‘hệ thống toàn cầu’’: LHQ ưu tiên giải pháp triệt để

Giải pháp nào là khả thi cho tình thế nguy ngập hiện nay, với các đe dọa từ mọi hướng, và khả năng hành động ngày một thu hẹp? Báo cáo của Liên Hiệp Quốc phân định rõ hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là nhóm giải pháp được gọi là ‘‘trì hoãn thời gian đạt điểm tới hạn’’, tức tiếp tục vận hành theo cơ chế cũ, chỉ giảm bớt về mức độ, để làm chậm lại thời điểm rớt xuống vực thẳm. Và nhóm giải pháp thứ hai là giải quyết vấn đề từ gốc. Cụ thể như trong việc bảo vệ các hệ sinh thái, hãm lại số lượng từng giống loài có nguy cơ bị diệt chủng là giải pháp mang tính trì hoãn, ngược lại khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái là giải pháp tận gốc.

Báo cáo của Liên Hiệp Quốc chỉ trích việc đại đa số các giải pháp đang được triển khai hiện nay chỉ nhằm trì hoãn thời điểm chuyển sang đại khủng hoảng hệ thống không thể vãn hồi, và ưu tiên các giải pháp tận gốc. Các giải pháp tận gốc khác biệt một cách triệt để với các quan điểm thống trị hiện hành. Dựa vào thiên nhiên, triệt để bảo vệ thiên nhiên là giải pháp toàn diện và căn bản. Cụ thể như ‘‘xây dựng một thế giới không rác thải’’, ‘‘sống hài hòa với thiên nhiên’’ – hay nói cách khác ‘‘thừa nhận thiên nhiên như một hệ thống toàn cầu, mà con người chỉ là một bộ phận’’. Điều quan trọng mà báo cáo Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh là phân định các khu vực dành riêng cho con người, hạn chế tác động đến thiên nhiên để bảo tồn đa dạng sinh học.

Thúc đẩy ‘‘các hợp tác toàn cầu’’ và hướng đến bảo vệ ‘‘lợi ích của các thế hệ tương lai’’, thay cho lô-gíc kẻ mạnh là bên thắng, hay hưởng thụ là trên hết, là các đề xuất của báo cáo. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc cũng khuyến nghị ‘‘ngừng đề cao tăng trưởng kinh tế về số lượng dựa trên chỉ số GDP, mà tập trung trước hết cải thiện điều kiện sống của con người và môi trường’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.