Vào nội dung chính
CHUYÊN MỤC TRÊN MẠNG

Xung đột Israel-Hamas : Bán đảo Sinai – khu vực then chốt đối với Ai Cập

Ai Cập “sẽ không dùng một phần lãnh thổ của mình để tiếp nhận những di dân Palestine” đến từ dải Gaza. Nguyên soái Abdel Fattah al-Sissi, nguyên thủ quốc gia Ai Cập từ năm 2013, trong một cuộc họp báo gần đây, đã bác bỏ giả thuyết trên kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hôm 07/10/2023. Ông al-Sissi phát biểu : “Chiến dịch này nhằm thúc đẩy người Palestine sơ tán sang Ai Cập và đó là điều không thể chấp nhận.”

Ảnh minh họa : Chốt kiểm soát của quân đội Ai Cập tại El-Arich, Bắc Sinai.
Ảnh minh họa : Chốt kiểm soát của quân đội Ai Cập tại El-Arich, Bắc Sinai. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Tuy nhiên, việc một nửa dân số buộc phải di dời từ phía bắc xuống phía nam Gaza dường như cho thấy sự ủng hộ của chính quyền Israel đối với giải pháp này và là điềm báo đối với nhiều người Palestine về một Nakba thứ hai – cuộc di dân hàng loạt của người Palestine hồi năm 1948.

Kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 07/10, căng thẳng giữa chế độ Ai Cập và chính quyền Israel đã trở nên trầm trọng hơn.

Thách thức đối với Cairo là khu vực phía bắc của bán đảo Sinai của Ai Cập - và do đó, theo ông al-Sissi, an ninh quốc gia của Ai Cập có thể bị ảnh hưởng.

“Di dân tràn ngập” từ thời xa xưa

Nỗi sợ hãi của các chính quyền Ai Cập về “dòng người ồ ạt” từ dải Gaza vào Ai Cập không phải là điều mới mẻ ; điều đó đã xảy ra ít nhất một lần kể từ khi tổ chức Hamas lên nắm quyền ở Gaza vào năm 2006.

Vào năm 2008, để phản đối lệnh phong tỏa của Israel, hàng nghìn người ở Gaza đã băng qua biên giới và tràn vào Ai Cập, ở Bắc Sinai, để mua đủ loại thực phẩm với số lượng lớn và họ nán lại trong nhiều ngày. Mặc dù cuộc xâm nhập này không bị chính quyền Cairo cản trở, song nó đã tạo ra những phản ứng gay gắt từ một số nhà lãnh đạo Ai Cập và vẫn còn ám ảnh tâm trí người dân.

Thêm vào đó là sự phát triển mạnh mẽ của một mạng lưới đường hầm trải dài giữa dải Gaza và Bắc Sinai vào năm 2006, tạo ra một “nền kinh tế đường hầm” thực thụ.

Trao đổi đất đai hoặc nhượng lại một phần Sinai để mở rộng dải Gaza là một chủ đề vốn được nhắc đi nhắc lại, đặc biệt là kể từ cuộc tấn công của Israel ở Gaza, khiến gần một triệu người phải di dời từ phía bắc xuống phía nam Gaza.

Tuy bị gạt ra bên lề, nhưng vùng Sinai có vai trò không nhỏ

Sinai và người dân ở đó, chủ yếu là các bộ lạc Bedouin, đã bị những chính quyền Ai Cập khác nhau gạt ra bên lề và chưa bao giờ thực sự hòa nhập với phần còn lại của Ai Cập. Sau cuộc chiến năm 1967, lãnh thổ này nằm dưới sự kiểm soát của Israel.

Việc ký kết hiệp ước hòa bình Israel-Ai Cập vào năm 1979 dẫn đến việc Israel rút quân khỏi Sinai, và Ai Cập tái triển khai quân đội tại một số nơi trong khu vực này từ năm 1982. Tuy nhiên, Sinai sau đó bị các nhà lãnh đạo chính trị Ai Cập coi là “đạo quân thứ 5 - nơi chứa chấp nội gián tạo phản” và cư dân ở đó là những công dân hạng hai. Do đó, việc khu vực này bị gạt ra bên lề đã tạo điều kiện làm nẩy sinh làn sóng phản đối, đôi khi dữ dội, tính chính đáng của chính quyền Ai Cập đối với nơi đây.

Ý tưởng phát triển Bắc Sinai, biến nơi này thành một khu công nghiệp và tạo ra thị trường việc làm cho người Palestine ở dải Gaza, đã được trình bày vào thời điểm Donald Trump công bố vế chính trị của “thỏa thuận thế kỷ” vào tháng 01/2020.

Chế độ Ai Cập đã nhanh chóng bác bỏ dự án này, và trong những ngày gần đây, tái khẳng định không nhượng lại một phần lãnh thổ Sinai, thậm chí coi dự án này vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Ai Cập.

Cơ quan tình báo Ai Cập ở tuyến đầu

Việc duy trì an ninh quốc gia của Ai Cập dường như liên quan trực tiếp đến những biến đổi của tình hình chính trị và an ninh ở dải Gaza. Điều này cũng lý giải về vai trò trọng tâm của cơ quan tình báo Ai Cập trong các cuộc đàm phán gián tiếp về lệnh ngừng bắn lâu dài ở dải Gaza. Các quan chức Ai Cập, không đơn giản là những “nhà hòa giải”, mà cũng là một bên tham gia các cuộc đàm phán, coi lệnh ngừng bắn là điều kiện nhất thiết phải có để bảo đảm sự ổn định của bán đảo Sinai.

Chính quyền Ai Cập hiện tại đề cập đến “sự liên kết” này một cách rõ ràng với việc yêu cầu phong trào Hồi Giáo Palestine hợp tác trong “cuộc chiến chống khủng bố”. Kể từ năm 2013, nguyên soái al-Sissi đã triển khai kho vũ khí quân sự để ngăn chặn các mối đe dọa an ninh, phần lớn tập trung ở biên giới.

Về vấn đề này, khu vực phía Bắc Sinai là trọng tâm của các chiến dịch quân sự của Ai Cập, được hỗ trợ tích cực bởi lực lượng vũ trang Israel, và đã phá hủy được phần lớn hệ thống hầm ngầm (địa đạo) nêu trên.

Một lãnh thổ dễ xảy ra các phản kháng

Bán đảo Sinai đã trở thành nơi sinh sôi nảy nở của các nhóm Hồi Giáo nhỏ, thách thức quyền lực của Ai Cập, đặc biệt kể từ năm 2011 và cuộc cách mạng Ai Cập - và do đó, trở thành vấn đề an ninh trọng tâm của chế độ Ai Cập.

Trên thực tế, việc tổng thống Hosni Mubarak bị phế truất thường được coi là chất xúc tác cho sự phát triển trong khu vực của các phong trào nổi dậy này, vốn có thể được hưởng lợi từ “khoảng trống chính trị”. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu coi những biến cố chính trị xảy ra vào năm 2011 là sự ra đời của những nhóm nhỏ này hoặc là sự bất ổn chung ở bán đảo Sinai, vì nhiều cuộc tấn công khác nhau đã xảy ra vào đầu những năm 2000.

Tuy nhiên, chính sách của ông Mubarak nhằm ngăn chặn hiện tượng này dường như không thể so sánh được với những chính sách thực hiện từ năm 2011. Nhưng sự bất ổn ở Sinai, cũng như những lo ngại do cận kề dải Gaza, phần lớn là hậu quả của việc khai thác tình hình mà chính quyền hiện tại thao túng.

Một khu vực trong tình trạng khẩn cấp kể từ năm 2014

Việc chính quyền Ai Cập nhấn mạnh đến vấn đề “an ninh quốc gia” có thể biện minh cho toàn bộ chính sách an ninh mà họ thực hiện. Ngoài ra, Cairo đã bắt tay vào một dự án lớn trong việc tái cơ cấu lãnh thổ ở khu vực phía Bắc Sinai bằng vũ lực.

Từ đó trở đi, các hoạt động quân sự ở Sinai diễn ra với quy mô chưa từng có kể từ khi nguyên soái al-Sissi lên nắm quyền, cả về năng lực quân sự lẫn mức độ đàn áp. Tình trạng khẩn cấp đã được ban bố ở Bắc Sinai, được tuyên bố là “khu vực quân sự” kể từ tháng 10/2014 và cho đến nay vẫn chưa được dỡ bỏ.

Có rất ít thông tin về diễn biến tình hình ở khu vực này, nơi mà dân thường không thể tiếp cận. Tuy nhiên, mọi người biết rằng quân đội đã tiến hành các hoạt động phá hủy hàng loạt nhà cửa của dân thường ; một báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền công bố vào năm 2019 nêu bật những hành vi phạm tội ác chiến tranh của quân đội Ai Cập đối với người dân Bắc Sinai kể từ năm 2013. Việc tạo ra một vùng đệm ở biên giới với dải Gaza, kéo dài nhiều cây số, đã buộc người dân phải di dời, đi kèm với những vụ bắt giữ tùy tiện và thậm chí là giết chóc trong khoảng thời gian từ tháng 07/2013 đến tháng 04/2018.

An ninh và các dự án lớn

Sự thay đổi trong nhận thức của chính quyền Ai Cập về vấn đề Palestine đã được cụ thể hóa bằng các chính sách an ninh được thực hiện kể từ năm 2013, về cơ bản bao gồm việc kiềm chế sự gần gũi với dải Gaza. Nhưng mối đe dọa từ khu vực này cũng như phía Bắc Sinai là kết quả của một sự hình thành nhận thức cho phép chế độ của nguyên soái al-Sissi biện minh cho việc quân sự hóa khu vực này.

Các chính sách bảo đảm an ninh cho bán đảo Sinai đã dẫn đến việc trưng thu đất đai ở khu vực này và tái cơ cấu lãnh thổ ở diện rộng, cùng với sự phát triển của những “đại dự án” do quân đội Ai Cập thí điểm và tài trợ, với sự giúp đỡ của những người giàu có thân cận với tổng thống.

Ví dụ như việc xây dựng đường hầm “Tahya Masr”, cho phép người dân Bắc Sinai và cơ quan an ninh Ai Cập, nối thành phố Ismailia ở phía đông Cairo với phía bắc bán đảo Sinai, dưới kênh đào Suez, giúp cho Sinai không bị cô lập.

Trong khuôn khổ các đại dự án này của quân đội, các dự án tái thiết khác ở khu vực này đang được tiến hành, chẳng hạn như các chương trình xây dựng nhà ở tại Rafah, phía biên giới Ai Cập.

Chế độ Ai Cập có những kế hoạch khác cho Bắc Sinai. Song cũng có những ý định muốn coi khu vực quân sự và hoang vắng này là vùng lãnh thổ phù hợp để thành lập trại tị nạn cho người Palestine.

Tuy nhiên, xã hội dân sự Ai Cập nói chung, vốn ủng hộ sự nghiệp của người Palestine, lại cho rằng việc nhượng lại một phần lãnh thổ Ai Cập – còn nguy hại hơn cả một cuộc tấn công vào sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là đồng lõa với kế hoạch thực dân chiếm đất của trục Mỹ-Israel khiến người dân Gaza phải sơ tán.

Nguồn : The Conversation

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.