Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - ISRAEL

Xung đột Cận Đông: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cắt quan hệ với thủ tướng Israel

Trước thềm chuyến công du Ankara của ngoại trưởng Mỹ tìm giải pháp cho xung đột Israel – Hamas, hôm qua, 04/11/2023, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ thái độ cứng rắn hơn với Tel-Aviv. Ankara triệu đại sứ ở Israel về nước. Theo truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố cắt hoàn toàn các quan hệ với thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 07/10/2023.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 07/10/2023. via REUTERS - MURAT CETINMUHURDAR/PPO
Quảng cáo

Tuy nhiên, chính quyền Ankara vẫn duy trì một số kênh liên lạc với Israel để chuẩn bị cho một giải pháp chấm dứt bạo lực tại Gaza. Thông tín viên Anne Andlauer tường trình từ Istanbul :

‘‘Trên thực tế, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có thái độ cứng rắn, nhưng ông Erdogan cũng duy trì một lập trường thực tế, tin tưởng là Ankara có thể và cần phải đóng một vai trò trong việc chấm dứt xung đột giữa Israel và Hamas. Một mặt, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố là thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu không còn là ‘‘đối tác’’, ‘‘tôi đã cắt đứt quan hệ với ông ta’’, mặt khác, ông Erdogan cũng nói rõ là lãnh đạo tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin, vẫn tiếp tục có các trao đổi với Israel và Hamas, và ‘‘không thể nào cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Israel’’.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, cho đến gần đây là lãnh đạo cơ quan tình báo, là một trong các tác nhân trụ cột của chiến lược ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ tại Cận Đông. Ông Hakan Fidan sẽ gặp đồng nhiệm Antony Blinken trong chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ.

Cho dù các nỗ lực về vấn đề trao trả con tin và ngừng bắn tại Gaza cho đến nay không mang lại kết quả, Ankara không từ bỏ ý định là bên trung gian cho các thương lượng nhằm chấm dứt bạo lực tại Gaza, cùng với một số bên khác. Về dài hạn, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đóng vai trò ‘‘Quốc gia bảo trợ’’ của phía Palestine trong khuôn khổ một giải pháp bền vững cho xung đột Israel – Palestine, thông qua đàm phán’’.

Tổng thống Mỹ: Đàm phán ‘‘ngừng bắn nhân đạo’’ có tiến bộ

Đàm phán ‘‘ngừng bắn nhân đạo’’ tại Gaza có một số tiến bộ. Trên đây là tuyên bố của tổng thống Mỹ Joe Biden với báo giới khi rời khỏi một nhà thờ ở bang Delaware hôm qua. Cũng hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc họp với các đồng nhiệm của năm quốc gia Ả Rập tại Jordani. Ngoài lãnh đạo ngoại giao quốc gia chủ nhà, có các ngoại trưởng Ai Cập, Ả Rập Xê Út, Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và đại diện của chính quyền Palestine. Nhân danh thế giới Ả Rập, ngoại trưởng Jordani Ayman Al-Safadi yêu cầu ‘‘chấm dứt’’ chiến tranh tại Gaza. 

Hôm qua, biểu tình kêu gọi chấm dứt chiến tranh tại Gaza tiếp diễn ở nhiều nơi, từ Hoa Kỳ, châu Âu đến Iran. Hàng nghìn người biểu tình tại Washington yêu cầu ‘‘ngừng bắn’’. Gần 10 nghìn người biểu tình tại Berlin. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Đức kể từ đầu cuộc xung đột.

Theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, David Satterfield, hôm qua, khoảng một triệu người Palestine ở Gaza đã phải sơ tán về phía nam để tránh chiến tranh, nhưng vẫn còn khoảng 350 đến 400 nghìn người còn ở lại khu vực phía bắc, nơi chiến sự đang diễn ra dữ dội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.