Vào nội dung chính
COP28

COP28 cho ra đời "Quỹ tổn thất và thiệt hại"

Hội nghị Khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc COP28 tại Dubai, khai mạc hôm nay, 30/11/2023, đã thông qua việc thành lập "Quỹ tổn thất và thiệt hại" do biến đổi khí hậu để bồi thường cho các nước dễ tổn thương nhất. Hiện chưa rõ là quỹ này sẽ có bao nhiều tiền. Các nước đang phát triển đòi hỏi khoảng 100 tỷ đô la/năm cho quỹ này, bằng với quỹ 100 tỷ đô la/năm cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Ảnh minh họa: Một giàn khoan dầu khí trên biển.
Ảnh minh họa: Một giàn khoan dầu khí trên biển. Joe Raedle/Getty Images/AFP
Quảng cáo

Người phụ trách về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc, Simon Stiell, hôm nay hối thúc thế giới khẩn trương bước vào ‘‘giai đoạn cuối cùng của kỷ nguyên năng lượng hóa thạch’’. Ông nhấn mạnh : ‘‘Nếu chúng ta không đưa ra tín hiệu là kỷ nguyên năng lượng hóa thạch sắp kết thúc có nghĩa là chúng ta đang chuyển bị cho sự cáo chung của chính chúng ta’’.

Kêu gọi của chủ tịch COP28 về ‘‘năng lượng hóa thạch’’

Về phần mình, chủ tịch COP28, ông Sultan al-Jaber, nhấn mạnh phải đưa vấn đề ‘‘vai trò của các năng lượng hóa thạch’’ vào văn bản dự thảo thỏa thuận. Theo AFP, việc chức vụ chủ tịch COP28 do lãnh đạo tập đoàn khí đốt Adnoc, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đảm nhiệm, gây nhiều hoài nghi. Về vấn đề này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres khẳng định, việc quốc gia sản xuất dầu khí tốp đầu thế giới này làm chủ tịch COP28 có thể là một cơ hội thuận lợi cho phép cộng đồng quốc tế đi đến được một thỏa thuận về mục tiêu rời bỏ năng lượng hóa thạch, bởi chủ tập đoàn khí đốt Adnoc có khả năng thuyết phục ‘‘các đồng nghiệp trong ngành năng lượng hóa thạch’’.

AFP cũng cho biết, trong hai ngày cuối tuần 02 và 03/12, COP28 dự kiến sẽ đưa ra hàng loạt cam kết về khí hậu, đặc biệt là tăng gấp ba năng lượng tái tạo trước 2030, hoặc các nước giàu tăng hỗ trợ cho các nước dễ tổn thương nhất. Tăng vọt sản lượng năng lượng tái tạo, hay gia tăng mạnh việc tiết kiệm năng lượng dự kiến sẽ là các chủ đề dễ đạt đồng thuận. Ngược lại, triển vọng đạt một thỏa thuận hướng đến từ bỏ năng lượng hóa thạch là rất thấp.

Theo Reuters, từ bỏ năng lượng hóa thạch, và cam kết cắt giảm mạnh than, dầu, khí là các chủ đề gai góc nhất. Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhiều quốc gia dễ tổn thương nhất do biến đổi khí hậu muốn thỏa thuận COP28 ghi rõ mục tiêu chấm dứt năng lượng hóa thạch, trong lúc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất (G20) không đạt được đồng thuận, và một số quốc gia như Nga kiên quyết chống lại.

Đối đầu gia tăng giữa các nhóm nước trong bối cảnh căng thẳng địa-chính trị

Các thảm họa do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng dồn dập tại khắp các châu lục đang buộc cộng đồng quốc tế nhanh chóng đi đến các thỏa hiệp. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị toàn cầu gia tăng gây chia rẽ hiện nay là một trở lực lớn. Đặc phái viên Jeanne Richard từ Dubai cho biết thêm:

‘‘Tình hình hiện tại rõ ràng đòi hỏi phải khẩn cấp đạt đồng thuận, nhưng với các cuộc chiến tranh tại Ukraina và Gaza hiện nay, Liên Hiệp Quốc đang trải qua khủng hoảng uy tín. Điều này có thể ảnh hưởng đến các thương lượng về môi trường theo ông Sebastien Treyer, giám đốc Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế - IDDRI, ‘‘Tiếng nói của Hội Đồng Bảo An, các cơ quan Liên Hiệp Quốc về Gaza không được lắng nghe, cơ chế đa phương quốc tế hiện tại đang rất bất lực.’’

Bên cạnh đó, lãnh đạo Viện IDDRI cũng ghi nhận sự gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia, cũng như trong nội bộ các quốc gia, và đặc biệt là, giữa các khối nước, các kênh đối thoại đang ngày càng trở nên hiếm hoi. Ông nói : ‘‘Chúng tôi nhận thấy có sự đối đầu giữa các nhóm nước tại COP28, khiến hội nghị này đặc biệt khó khăn. Tôi hy vọng là chúng ta có thể tránh được việc tái diễn cuộc đối đầu giữa các nước phương Tây chống lại các nước phương Nam, khiến tình hình lâm vào bế tắc. Nếu chúng ta không đạt được kết quả, các nước phương Bắc sẽ bị lên án’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.