Vào nội dung chính
AUKUS - AI

AUKUS siết chặt hợp tác về radar giám sát tầm xa 36.000 km, công nghệ theo dõi tầu ngầm

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Anh, Úc - ba thành viên của đối tác quân sự AUKUS, họp tại California hôm qua, 01/12/2023. Bộ ba AUKUS thỏa thuận gia tăng hợp tác trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, với trọng tâm là hệ thống radar giám sát tầm xa DARC (Deep Space Advanced Radar Capability) hay sử dụng ‘‘trí thông minh nhân tạo’’ (AI) để giám sát hiệu quả hơn hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sau cuộc họp báo với thủ tướng Úc Anthony Albanese, tại căn cứ hải quân Point Loma, ở San Diego, Hoa Kỳ, ngày 13/03/2023.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sau cuộc họp báo với thủ tướng Úc Anthony Albanese, tại căn cứ hải quân Point Loma, ở San Diego, Hoa Kỳ, ngày 13/03/2023. AP - Evan Vucci
Quảng cáo

Theo AFP, sau cuộc họp tại Sillicon Valley, ba bộ trưởng Quốc Phòng AUKUS nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các thỏa thuận hợp tác vừa được thông qua. Trả lời báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh đến các hợp tác cho phép mỗi bên ‘‘phát triển và cung cấp các công nghệ tân tiến giúp cho các lực lượng vũ trang có thể nghe được, quan sát được và hành động với lợi thế quyết định’’.

Theo bộ trưởng Quốc Phòng Anh Grant Shapps, chưa bao giờ việc gia tăng hợp tác công nghệ quốc phòng lại cấp thiết đến như vậy trong bối cảnh thế giới ‘‘đang ngày càng trở nên nguy hiểm hơn’’, với các đe dọa từ Nga, Trung Quốc hay tổ chức Hamas ở Cận Đông. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles ca ngợi một ‘‘thời điểm hệ trọng’’ trong lịch sử hợp tác của AUKUS, đặc biệt với hệ thống radar giám sát DARC, có khả năng theo dõi các vật thể trong không gian ở tầm xa đến 36.000 km.

Theo mạng ABC News, hệ thống radar giám sát không gian DARC bắt đầu được Quân đội Mỹ phát triển từ năm 2017. Úc dự kiến là một trong ba quốc gia tiếp nhận một trạm radar thuộc hệ thống này, cùng với Anh và Mỹ. Ba trạm radar sẽ đi vào hoạt động từ đây đến 2030.

Đọc thêm : Liên minh AUKUS nhắm đến mục tiêu duy nhất là Trung Quốc

Theo SCMP, trong cuộc họp hôm qua, Mỹ cùng hai đối tác AUKUS thỏa thuận thử nghiệm phương pháp mới, dựa trên ‘‘thuật toán trí thông minh nhân tạo AI để xử lý nhanh chóng dữ liệu định vị âm thanh, được các thiết bị dưới nước thu thập’’, cho phép theo dõi tàu ngầm Trung Quốc nhanh hơn, với độ chính xác cao hơn. Công nghệ này sẽ được áp dụng trước hết với các phương tiện như máy bay tuần tiễu trên biển P-8A Poseidon, chuyên chống hạm, chống tàu ngầm. Phi cơ P-8A Poseidon của ba nước Mỹ, Anh, Úc thường xuyên tuần tiễu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm cả Biển Đông.

Nhiều thỏa thuận đạt được hôm qua giữa bộ trưởng Quốc Phòng ba nước nằm trong khuôn khổ trụ cột hợp tác thứ hai của AUKUS, có tên gọi chính thức là Aukus Pillar II. Trụ cột I của AUKUS tập trung vào việc xây dựng lực lượng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Úc, dự kiến đưa vào sử dụng từ 2040. Trụ cột hợp tác thứ hai là 8 lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm công nghệ lượng tử, trí thông minh nhân tạo và các hệ thống tự trị (AS), vũ khí siêu thanh và phản siêu thanh, chiến tranh điện tử, an ninh mạng và chiến tranh trong lòng biển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.