Vào nội dung chính
PHƯƠNG TÂY - TÀI SẢN NGA- UKRAINA

Phương Tây có chuyển cho Ukraina được 300 tỷ đô la tài sản của Nga bị phong tỏa?

Khi vấn đề viện trợ tài chính cho Ukraina bị mắc kẹt ở cả hai bờ Đại Tây Dương, Hoa Kỳ và châu Âu đang tính đến các giải pháp khác để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kiev. Washington đang xem xét khả năng tịch thu toàn bộ tài sản trị giá 300 tỷ đô la Mỹ của Nga bị phong tỏa kể từ cuộc xâm lược Ukraina vào năm 2022, trong khi 27 nước châu Âu thì đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hành động như vậy.

Ảnh minh họa: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) họp báo với tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 12/12/2023, trong chuyến  công du Mỹ.
Ảnh minh họa: Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky (T) họp báo với tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng, ngày 12/12/2023, trong chuyến công du Mỹ. AP - Andrew Harnik
Quảng cáo

Đây là một yêu cầu cấp bách từ Kiev. Nhưng liệu tài sản của Nga bị phong tỏa ở phương Tây tới đây có thể bị tịch thu để dành cho Ukraina? Về mặt chính thức, Washington không ủng hộ ý tưởng tịch thu số tài sản bị phong tỏa này của Nga. Hoa Kỳ, giống như các đồng minh phương Tây khác của Ukraina, cho đến nay chỉ dự tính thu giữ lợi tức từ số tiền bị phong tỏa này để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraina. Nhưng trong hậu trường, Mỹ dường như đang nhòm ngó một cách nghiêm túc đến số tiền lớn kể trên.

Hoa Kỳ đã đề nghị các nước G7 thành lập "các nhóm công tác để nghiên cứu cách thức tịch thu 300 tỷ đô la tài sản của Nga bị đóng băng ở các ngân hàng phương Tây", nhận báo Financial Times đưa tin hôm thứ Năm ngày 28 tháng 12. Tờ báo dẫn  nhiều nguồn tin từ Mỹ, cho hay G7 có thể đưa ra thông báo về vấn đề này vào tháng 2, vào khoảng thời gian đánh dấu hai năm ngày Nga phát động cuộc chiến tranh tại Ukraina.

Được các nước  Anh, Nhật Bản và Canada ủng hộ, Hoa Kỳ đã đề xuất thành lập ba nhóm làm việc kín, « có thể để xem xét các vấn đề pháp lý liên quan đến việc tịch thu tài sản của Nga, phương pháp áp dụng chính sách đó và tìm cách giảm thiểu rủi ro », vẫn theo Financial Times. Các phương án được tính đến bao gồm từ việc tịch thu trực tiếp tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga cho đến việc sử dụng nguồn thu phát sinh từ các tài sản bị phong tỏa này, hoặc thậm chí sử dụng chúng làm bảo lãnh cho các khoản vay dành cho Kiev.

Khi van viện trợ bị đóng

Ukraina, vốn lệ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, đã chứng kiến ​​những lời hứa viện trợ tiêu tan trong năm 2023. Viện Kinh tế Thế giới Kiel thống kê các cam kết viện trợ cho Ukraina đánh giá sự hỗ trợ từ các đồng minh thậm chí còn giảm xuống “mức thấp nhất” kể từ khi bắt đầu chiến tranh, vào tháng 2 năm 2022. Trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái, số tiền viện trợ được công bố giảm 90% so với cùng kỳ năm 2022.

Gần đến dịp đánh dấu năm thứ hai của cuộc chiến tranh, nếu Washington đang tích cực lao vào tìm kiếm nguồn tài trợ cho Ukraina, thì đó là vì ngân quỹ của chính họ đang bị khóa. Hoa Kỳ vẫn là nước cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự lớn nhất cho Kiev, với hơn 110 tỷ đô la được cam kết kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược vào tháng 2 năm 2022. Nhưng tại Quốc Hội Mỹ, các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng Hòa và đảng Dân Chủ vẫn đang bế tắc về con số 61 tỷ đô la Mỹ dành cho Ukraina, theo yêu cầu của tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraina Volodymyr Zelensky.

Vì thế ngày 27/12/2023, Washington đã buộc phải vét kho giải tỏa gói viện trợ quân sự trị giá 250 triệu đô la  để chi phí cho việc mua đạn dược hệ thống phòng không và vũ khí chống tăng cho Ukraina. Một ngày sau đó, 28/12, tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ trên mạng X rằng : “Tôi cảm ơn tổng thống Joe Biden, Quốc Hội và người dân Mỹ”,  đồng thời ông ca ngợi đồng minh đã duy trì sự trợ giúp « cốt yếu » nhưng cũng đánh giá gói viện trợ này chỉ đáp ứng được những nhu cầu cấp bách nhất của Ukraina.

Ukraina đòi Nga " bồi thường" chiến tranh

Với Kiev, đó là thành công không trọn vẹn vì đây là khoản viện trợ cuối cùng của Mỹ còn mà không phải qua bỏ phiếu tại Quốc Hội.

Về phía Liên Hiệp Châu Âu, Ủy Ban Châu Âu đã dự trù thỏa thuận về khoản viện trợ 50 tỷ euro cho Ukraina, bao gồm 33 tỷ euro tiền cho vay và 17 tỷ euro tiền quyên góp, rải ra trong 3 năm cho đến năm 2027. Khoản viện trợ mới này được coi là rất quan trọng đối với Kiev vào thời điểm viện trợ của Mỹ bị chặn, nhưng hiện vẫn vấp phải phủ quyết của Hungary. Một hội nghị thượng đỉnh mới về chủ đề này dự kiến ​​sẽ diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2024.

Trong video hàng ngày gửi tới quốc dân hôm 17 tháng 12, tổng thống Volodymyr Zelensky xác nhận ông đã đề cập đến chủ đề trên trong chuyến thăm Hoa Kỳ và đã nói rõ rằng G7 là tổ chức tốt nhất có thể can thiệp.

Sau chuyến thăm Washington vào ngày 12 tháng 12 với hy vọng khai thông được nguồn viện trợ, ông  Volodymyr Zelensky khẳng định vấn đề tài sản của Nga bị đóng băng là trọng tâm của các cuộc thảo luận với người Mỹ. Ông đã yêu cầu chuyển số tiền đó cho Ukraina  dưới dạng tiền "bồi thường" thiệt hại chiến tranh, Tổng thống Ukraina nhấn mạnh việc sử dụng số tiền này "để hỗ trợ Ukraina, bảo vệ tính mạng và công dân chống lại chủ nghĩa khủng bố Nga".

Sự thận trọng của châu Âu

Ở châu Âu, vấn đề về tài sản của Nga càng được tranh luận nhiều hơn vì đây là nơi tập trung chủ yếu số tài sản của Nga.

Trong số 300 tỷ đô la tài sản bị đóng băng có cới 200 tỷ nằm trong Liên Hiệp Châu Âu. Một phần lớn trong số tiền này thuộc về Ngân hàng Trung ương Nga, dưới dạng dự trữ ngoại tệ, nhưng ngân hàng này không còn quyền tiếp cận kể từ khi có lệnh trừng phạt do Bruxelles áp đặt.

Đặc biệt, Liên Hiệp Châu Âu, trong đó chủ yếu là  Đức, Pháp và Ý đã tỏ dè dặt về ý tưởng tịch thu tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Các nước châu Âu muốn bảo đảm việc tịch thu như vậy phải hợp pháp.

Thực tế, Nga viện dẫn luật pháp quốc tế, đang đòi thu lại những tài sản bị đóng băng này. Điều này đặt ra vấn đề về khả năng hoàn trả.

Hiện tại, 27 nước thành viên Liên Âu mới đang nghiên cứu khả năng chuyển phần lợi nhuận có được từ tài sản bị phong tỏa để giúp tái thiết Ukraina. Với thái độ thận trọng về một chủ đề gây chia rẽ các quốc gia thành viên, hôm 12/12/2023, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất kế hoạch để ấn định quy tắc liên quan đến thu nhập từ tài sản bị phong tỏa. Số tiền này đang chủ yếu được quản lý bởi Euroclear, tổ chức quốc tế về tiền gửi, nơi tập trung khoảng 90% tài sản Nga gửi tại Liên Âu.

Nếu đề xuất của Ủy Ban Châu Âu được nhất trí thông qua, Euroclear sẽ có nhiệm vụ tách khoản thu phát sinh từ tài sản của Nga, đồng thời cấm rót lại khoản tiền này cho bất kỳ ai. Sau đó, chỉ khi nào có một đề nghị mới liên quan đến việc tịch thu thì Ukraina mới được hưởng khoản tiền trên. Số tiền lãi đó không  được công bố chính thức nhưng có thể lên tới vài trăm triệu euro mỗi năm.

Bỉ, nơi Euroclear đặt trụ sở chính, đã không đợi Ủy Ban Châu Âu bật đèn xanh. Nước này đã đánh thuế thu nhập hoặc tiền lãi do các tài sản bị đóng băng của Nga sinh ra, giống như cách họ làm với các tổ chức tài chính khác có trụ sở tại nước này. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tháng 10 năm ngoái hứa sẽ trả trực tiếp khoản lợi nhuận 1,7 tỷ euro cho Kiev.

Các đề xuất của Mỹ nhằm đẩy nhanh tiến độ thu tiền của Nga đang đặt lên bàn. Phần còn lại là phải tìm được một thỏa thuận với các nước châu Âu. Nhưng cũng giống như các biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ của Nga, có lẽ sẽ phải mất nhiều cuộc hội nghị thượng đỉnh G7 để giải quyết vấn đề tài sản bị phong tỏa của kẻ xâm lược Ukraina.

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.