Vào nội dung chính
NGA - LUẬT PHÁP - TÀI CHÍNH

Nga xem xét tịch thu tài sản của những người “làm mất uy tín” của quân đội

Ngày 22/01/2024, một dự luật tịch thu tài sản của những người truyền bá “thông tin sai lệch có chủ ý” về các hoạt động quân sự của Matxcơva sẽ được đưa ra thảo luận tại viện Duma (Hạ Viện Nga).

Hình minh họa: Trụ sở Viện Duma Nga (Hạ Viện) tại Matxcơva, ngày 22/11/2023.
Hình minh họa: Trụ sở Viện Duma Nga (Hạ Viện) tại Matxcơva, ngày 22/11/2023. AP - Alexander Zemlianichenko
Quảng cáo

Cụ thể, biện pháp này sẽ áp dụng đối với những người công khai kích động “các hành động cực đoan” hoặc kêu gọi đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, cũng như những người “làm mất uy tín” quân đội Nga.

Phát ngôn viên viện Duma, ông Vyacheslav Volodin, đã đăng trên mạng Telegram : “Tất cả những ai cố gắng tiêu diệt nước Nga, phản bội nước Nga, phải chịu hình phạt xứng đáng và bồi thường thiệt hại đã gây ra cho đất nước bằng chính tài sản của mình”. Ông cũng nói thêm rằng theo luật, những người bị kết tội “làm mất uy tín” của quân đội cũng sẽ phải đối mặt với việc bị tước bỏ mọi danh hiệu danh dự.

Luật hiện hành chống lại việc "làm mất uy tín" quân đội Nga, bao gồm các hành vi phạm tội như "biện minh cho chủ nghĩa khủng bố" và truyền bá "tin giả" về lực lượng vũ trang. Nhiều nhà hoạt động, blogger và thường dân Nga đã phải nhận án tù dài hạn.

Nhiều ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ từ chối giao dịch với Nga

Cũng về vấn đề tài chính, điện Kremlin hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi một số ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy nhất trong khối NATO không áp các lệnh trừng phạt với Nga, đã từ chối các giao dịch đến từ Nga.

Từ Istanbul, thông tín viên RFI Anne Andlauer cho biết cụ thể :

"Các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gặp khó khăn trong việc nhận tiền thanh toán từ các khách hàng Nga. Trong một cuộc phỏng vấn với trang web bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của hãng truyền thông Nhà nước Nga Sputnik, đại sứ Nga tại Ankara xác nhận rằng “một số ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ” hiện từ chối những giao dịch đến từ các công ty Nga.

Theo ông, các ngân hàng này viện dẫn các biện pháp trừng phạt của phương Tây để biện minh cho việc thắt chặt này. Hiệp hội các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ (TIM) cho biết “sự chậm lại” này liên quan đến các công tác kiểm tra cuối năm và kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện vào tháng tới. Về phần mình, đại sứ Nga cũng bày tỏ niềm tin tưởng vào “mối liên hệ chặt chẽ” với chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ luôn từ chối áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Thương mại giữa hai nước thậm chí còn tăng lên đáng kể kể từ khi cuộc chiến ở Ukraina nổ ra. Theo số liệu chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất khẩu sang Nga đã tăng 62% vào năm 2022 và vẫn tiếp tục tăng vào năm ngoái, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm lưỡng dụng, giúp nuôi cỗ máy chiến tranh của Điện Kremlin. Tình hình đã khiến cho các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn thường ngầm cáo buộc nước này lách luật trừng phạt, càng trở nên khó chịu".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.